Trưng bày đầu tiên về Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam
- Phu nhân cố giáo sư Tôn Thất Tùng được trao Giải thưởng Cống hiến trọn đời
- Bà Vi Nguyệt Hồ, vợ Giáo sư Tôn Thất Tùng: Nỗi buồn lặng lẽ
- Đạo diễn Đặng Nhật Minh và những ký ức về cha, Giáo sư Đặng Văn Ngữ
- WIPO trao giải thưởng sáng tạo cho các nhà khoa học Việt Nam
Theo Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam, trong 75 năm qua, các nhà khoa học Việt Nam ở nhiều lĩnh vực đã có cống hiến to lớn vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Trải qua những giai đoạn khó khăn gian khổ của hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, sau đó cuộc sống thiếu thốn về mọi mặt trong thời bao cấp, thời bị cấm vận, các nhà khoa học vẫn không ngừng sáng tạo và cống hiến.
Giải thưởng Hồ Chí Minh là giải thưởng danh giá nhất của Nhà nước dành tặng cho những công trình nghiên cứu đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao về khoa học, kỹ thuật, văn học - nghệ thuật và phục vụ đời sống dân sinh. Dựa trên nguồn tư liệu hiện có do Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam dày công sưu tầm, trưng bày giới thiệu 14 công trình khoa học đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Một góc phòng trưng bày tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam |
Đây là phòng bày về Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam, chủ đề “Khoa học: Sáng tạo và Cống hiến”, được Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam tổ chức tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (Cao Phong, Hòa Bình).
Đây cũng là cuộc trưng bày đầu tiên về Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam. Công chúng sẽ có cơ hội tìm hiểu sự sáng tạo và những đóng góp, cống hiến của các nhà khoa học Việt Nam, đồng thời có thể hiểu vì sao họ lại có thể thành công được trong mọi hoàn cảnh như vậy.
Về triển lãm này, PGS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc chuyên môn Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam cho biết: Thông qua những câu chuyện và hiện vật trong trưng bày, công chúng hiểu biết hơn về hoạt động nghiên cứu khoa học ở nước ta. Trong đó có GS Đặng Văn Ngữ, người đã nghiên cứu điều chế penicillin ở rừng núi Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp và bất chấp nguy hiểm vào miền Nam điều trị sốt rét cho thương bệnh binh.
Trưng bày hiện đã được hoàn thiện sẵn sàng phục vụ công chúng |
Đó còn là những sáng tạo trong phương pháp cắt gan của GS Tôn Thất Tùng đã làm rạng danh nền y học Việt Nam. Những phát minh mang tính lý thuyết trong lĩnh vực toán học, vật lý, cơ học của GS Hoàng Tụy, GS Nguyễn Đình Tứ và GS Nguyễn Văn Đạo khiến các nhà khoa học quốc tế trong chuyên ngành phải nể phục. Đó còn là những câu chuyện về sự say mê với thiên nhiên, cây cỏ, động vật của GS Thái Văn Trừng, GS Đào Văn Tiến, GS Đỗ Tất Lợi để có được những công trình khoa học để đời của họ; hoặc những hành trình gian khổ kéo dài nhiều năm, khám phá đất đá để thành lập những tờ bản đồ địa chất, bản đồ khoáng sản, bản đồ đất Việt Nam.
Cuộc trưng bày này cũng giới thiệu về sự đột phá trong tư duy, sáng tạo ra những công trình ngăn sông mang lại lợi ích cho người nông dân và giúp tiết kiệm nhiều tỉ đồng cho ngân sách nhà nước; về hành trình từ một người soát vé đến một đạo diễn chèo và nâng nghệ thuật chèo lên tầm lý luận khoa học; về sự tận tâm, tận tụy của các bác sĩ cả đời gắn bó với kính hiển vi hay chiếc ống nghe để nghiên cứu giải phẫu bệnh và cứu chữa cho người bệnh.
Cũng theo PGS Nguyễn Văn Huy, cuộc trưng bày lần này phản ánh khá sinh động một phần lịch sử khoa học Việt Nam sau năm 1945. Khách tham quan được thấy nhiều tài liệu và hiện vật gốc đã từng gắn bó với quá trình nghiên cứu của các nhà khoa học tên tuổi. Những quyển sổ ghi chép, cuốn nhật ký, bức thư, tấm ảnh…, cùng với tiếng nói của người trong cuộc hay hồi ức của bạn bè, đồng nghiệp, học trò và người thân của nhà khoa học, tất cả cùng kể những câu chuyện phía sau thành công của mỗi nhà khoa học có công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
“Những câu chuyện giới thiệu trong trưng bày là “rất đời và rất người” chứ không chỉ là những công thức dài ngoằng, những thuật ngữ khoa học cao siêu và khó hiểu. Trưng bày sẽ không chỉ nói về các giá trị của công trình hay nhóm công trình khoa học được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, mà chính là lao động sáng tạo của các nhà khoa học dẫn đến giải thưởng cao quý đó, những câu chuyện làm khoa học của họ; cả những suy tư rất đời thường mà họ đã tâm sự một cách chân thành nhất”. PGS Nguyễn Văn Huy chia sẻ.
Phòng trưng bày được thực hiện nhân dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, có sự bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam.
Dự kiến, lễ khai mạc phòng trưng bày cũng đồng thời là dịp khai trương Tòa nhà Quyển sách mở - nơi lưu trữ di sản của các nhà khoa học và đưa những di sản đó đến với công chúng.
Cùng với các trưng bày do Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã tổ chức như Thẳm sâu trong từng kỷ vật, Chuyện nghề địa chất…, trưng bày mới này là một bước trong quá trình hiện thực hóa dự định xây dựng Bảo tàng Các nhà khoa học Việt Nam trong tương lai.