Trò chuyện với các nhà báo Công an giành giải báo chí Quốc gia

Thứ Tư, 19/06/2019, 21:40
Lễ trao Giải báo chí Quốc gia lần thứ XIII-năm 2018 sẽ được tổ chức vào tối ngày 21-6 tại Hà Nội. Năm nay có thể xem là năm “bội thu” của báo chí lực lượng CAND khi có tới 5 tác phẩm đạt giải. Trong đó, có một tác phẩm đạt giải A, 2 tác phẩm đạt giải B và 2 tác phẩm đạt giải C.

Nhân dịp này, chúng tôi đã ghi lại những chia sẻ của các tác giả, nhóm tác giả về quá trình tác nghiệp, những “dấn thân” trong nghề để có thể cho ra đời các tác phẩm báo chí chất lượng cao, mang dấu ấn riêng của báo chí lực lượng CAND.

Nhóm tác giả đạt Giải A Giải Báo chí Quốc gia với tác phẩm “Nano vàng và những cuộc thử nghiệm nguy hiểm”: Đi đến tận cùng vấn đề để đưa sự thật ra ánh sáng

Nhóm tác giả của Truyền hình ANTV đạt giải A Giải báo chí quốc gia 2018 biên tập, dựng hình phóng sự.

Đây là phóng sự điều tra dài kỳ của nhóm tác giả Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Trọng Hùng, Nguyễn Minh Sơn, Nguyễn Hữu Thắng, Nguyễn Trung Đoàn được phát sóng trên Truyền hình ANTV từ ngày 10 đến 15-9-2018. Nhóm phóng viên phải mất 2 năm 2017- 2018 để thực hiện loạt phóng sự này.

Theo Nhà báo Nguyễn Văn Long, Trưởng nhóm thực hiện phóng sự, đầu năm 2017, các phóng viên của ANTV nhận được nhiều thông tin xung quanh nano vàng - một sản phẩm được quảng cáo trên các diễn đàn dành cho bệnh nhân ung thư tại Việt Nam là “thần dược chữa ung thư”. Đây không phải một đề tài mới, trước đó đã có một số báo thực hiện nhiều kỳ, tuy nhiên, điểm khác biệt là ANTV đi đến tận cùng của vấn đề với tâm niệm báo chí của lực lượng CAND đã làm điều tra thì phải kiên trì, quyết tâm, không nói những câu chuyện nửa vời.

“Sở dĩ nhiều báo không đi đến tận cùng là có nhiều lý do, một trong nhưng lý do chính là việc thâm nhập vào bên trong đường dây của những “nhà khoa học” hết sức khó khăn, nó là một đường dây khép kín với sự đề phòng, cảnh giác rất cao của các đối tượng. Với mong muốn đưa sự việc ra ánh sáng, giảm bớt gánh nặng cho những bệnh nhân và gia đình những bệnh nhân vốn đã ở tình trạng có thể nói là tan gia bại sản vì bệnh tật. Nhóm muốn ngăn chặn tình trạng trục lợi trên sự đau khổ cùng tận của người bệnh để không còn bệnh nhân và gia đình bệnh nhân tiếp tục là nạn nhân của đường dây buôn bán thứ được thổi phồng lên là “thần dược” - nhà báo Nguyễn Văn Long nói.

Cũng theo chia sẻ của nhà báo Nguyễn Văn Long, trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là tiếp cận nhân vật, tiếp cận đường dây mua-bán nano vàng do các đối tượng này luôn cảnh giác cao độ. Không chỉ mất thời gian mà còn nguy hiểm vì chỉ cần 1 sai sót, ekip phóng viên có thể phải gánh chịu hậu quả không lường trước được. Tuy nhiên, với mục tiêu cao nhất là vì cộng đồng bệnh nhân ung thư, tất cả ekip đã vượt qua những khó khăn này, theo đuổi đến cùng và quyết tâm đưa ra công luận những thông tin chân thật nhất.

Đặc biệt, trong quá trình thực hiện phóng sự, nhóm cũng đã nhận được nhiều hỗ trợ và tạo điều kiện của Lãnh đạo Cục Truyền thông CAND và Lãnh đạo Trung tâm sản xuất chương trình Truyền hình CAND. Do thời gian tác nghiệp kéo dài, việc tiếp cận nhân vật và các đối tượng khó khăn... nhưng lãnh đạo luôn ủng hộ và động viên kịp thời nên ekip có động lực để theo đuổi đến cùng vấn đề. Cùng với đó là sự đồng thuận trong ekip sản xuất. Do phải tác nghiệp từ Bắc đến Nam với thời gian không báo trước (bất kể khi nào có thông tin về nhân vật phóng viên đều lên đường), ekip luôn sẵn sàng và sắp xếp các công việc khác để lên đường làm nhiệm vụ, bất kể ngày đêm.

Nhóm phóng viên điều tra Báo Công an TP Hồ Chí Minh đạt giải B với tác phẩm “Vào hang ổ tín dụng đen”: Ba tháng “ăn bờ, ngủ bụi” để thu thập cứng cứ phạm tội

Nhóm phóng viên điều tra Báo Công an TP HCM họp bàn triển khai đề tài.

Phóng sự 4 kỳ Chuyên án phối hợp của Công an quận Tân Phú và Báo Công an TP HCM: Vào hang ổ "tín dụng đen” của nhóm phóng viên điều tra gồm các tác giả Nguyễn Duy Trung, Tống Minh Tân, Huỳnh Văn Hoàng, Trần Đức Nam, Báo Công an TP Hồ Chí Minh được đăng tải trên Báo Công an TP HCM tháng 4-2018.

Tiền đề để nhóm phóng viên thực hiện loạt phóng sự đến từ những hệ luỵ tiêu cực do "tín dụng đen" gây ra đối với cuộc sống của người dân suốt thời gian qua. Trong đó, địa bàn TP HCM đang trở thành mảnh đất màu mỡ để những băng nhóm, đường dây tội phạm này ra sức hoạt động. Với tính chất nghiêm trọng của vụ việc, đồng chí Đại tá Trần Trọng Dũng, nguyên Tổng Biên tập Báo CATP và Thượng tá Bùi Anh Tấn, Phó Tổng Biên tập đã có những chỉ đạo cho nhóm phóng viên. Trong đó, yêu cầu về tính bảo mật, chính xác về thông tin và đảm bảo an toàn cho nguồn tin đã được 2 đồng chí đặt ra với nhóm thực hiện đề tài.

Hàng loạt các nghiệp vụ điều tra, thâm nhập và thu thập chứng cứ trong phạm vi cho phép đã được nhóm tác giả thực hiện suốt nhiều tháng trời, dưới sự giám sát và chỉ đạo từ đồng chí Trần Trọng Dũng và đồng chí Bùi Anh Tấn. Một sơ đồ về các đường dây “tín dụng đen” nêu trên đã được phóng viên Báo Công an TP HCM thiết lập sau quá trình thâm nhập, và tất cả đã được chuyển cho Công an quận Tân Phú, mở ra chuyên án "118C".

Suốt 3 tháng ròng rã, các trinh sát hình sự Công an quận Tân Phú cùng phóng viên Báo Công an TP HCM đã phải “ăn bờ ngủ bụi” để tiếp tục củng cố chứng cứ phạm tội của các đường dây cho vay nặng lãi. Và cuối cùng, một chuyên án với quá nhiều khó khăn, thử thách, thậm chí là những áp lực vô hình đè nặng đã được khép lại với kết quả xứng đáng dành cho những người bảo vệ công lý.

Nhà báo trẻ Trần Đức Nam, thành viên của nhóm tác giả đạt giải chia sẻ: “Một trong những niềm vui, hạnh phúc mà nhóm chúng tôi nhận được trong quá trình điều tra và hoàn thành tác phẩm chính là tình cảm, sự tri ân và biết ơn mà các nạn nhân của đường dây cho vay nặng lãi dành cho Ban Biên tập Báo và chúng tôi. Ngay sau khi phóng sự được đăng tải, nhiều nạn nhân, trong đó có gia đình anh Long, chị Hương đã tìm đến tòa soạn gửi lời tri ân tới những người đã giúp gia đình anh chị thoát khỏi vòng xoáy nợ nần do những gã xã hội đen giăng ra.

Cảm động hơn nữa là việc anh Long chia sẻ, trong thời gian phóng viên xâm nhập để thực hiện loạt bài phóng sự này, anh vô cùng xúc động trước tinh thần máu lửa, nhiệt huyết của các phóng viên. Có những thời điểm, vợ chồng anh lo cho sự an nguy của mình một thì lo cho các phóng viên tới 10 lần”.

Nhà báo Cao Hồng, đạt giải B với tác phẩm “Bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng”: “Nhìn thấy rõ sự hữu dụng và mặt trái mà thế giới không dây mang lại”

Nhà báo Cao Hồng, Phó trưởng Ban Kinh tế-Pháp luật, Báo CAND.

“Bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng” là tác phẩm của nhà báo Cao Hồng, Phó Trưởng ban Kinh tế-Pháp luật, Báo CAND được giải B Giải Báo chí Quốc gia năm 2018. Đây là tác phẩm đã được đăng tải 5 kỳ trên Báo CAND vào trung tuần tháng 12-2018.

Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ VI, ngày 12-6-2018 với tỷ lệ trên 86% đại biểu tán thành và có hiệu lực ngày 1-1-2019. Việc thực hiện bài viết vào thời điểm này nhằm tiếp tục cung cấp cho bạn đọc thông tin về Luật An ninh mạng của nước ta cũng những vấn đề liên quan đến an ninh mạng mà các nước trong khu vực và trên thế giới đang thực hiện.

Theo nhà báo Cao Hồng, là một tín đồ facebook, thường xuyên sử dụng Internet và đặc biệt lại hoạt động trong lĩnh vực báo chí nên chị thấy rõ tính hữu dụng cũng như mặt trái mà thế giới không dây mang lại. Luật An ninh mạng trong quá trình soạn thảo, trình Quốc hội… đã nhận được nhiều luồng ý kiến.

Khi thực hiện tác phẩm “Bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng”, chị đã tiếp cận từ các góc độ rất gần gũi với cuộc sống như: Có phải Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới có Luật An ninh mạng không? Các cường quốc công nghệ như Mỹ, Nhật, Trung Quốc… bảo vệ an ninh mạng như thế nào? Luật An ninh mạng ra đời có xâm phạm quyền tự do ngôn luận, có cấm Facbook, Google hoạt động ở Việt Nam không? Luật An ninh mạng tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp Việt Nam và các “ông lớn” về công nghệ như thế nào? Người sử dụng mạng xã hội, Internet nói chung và trẻ em nói riêng được bảo vệ như thế nào trên không gian mạng…

Trò chuyện với chúng tôi, nhà báo Cao Hồng cho biết chị rất vui khi bài viết của mình được Hội đồng giải báo chí quốc gia trao giải B. Cũng như nhiều đồng nghiệp khác, chị luôn mong muốn những tác phẩm báo chí của mình được góp phần tuyên truyền chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, xây dựng xã hội phát triển, văn minh và được bạn đọc đón nhận.

Nhóm tác giả Báo CAND đạt giải C với tác phẩm “Bệnh án tâm thần, bùa hộ mệnh và những đường dây ma”: Đóng giả nhiều vai khác nhau để thu thập chứng cứ

Các nhà báo Đào Minh Khoa - Trần Xuân, Ban Thời sự nghiệp vụ, Báo CAND.

Giữa năm 2018, qua công tác nắm tình hình tại các địa bàn được phân công theo dõi, nhà báo Đào Minh Khoa và Trần Xuân, phóng viên Ban Thời sự nghiệp vụ, Báo CAND đã phát hiện ra một hiện tượng nổi lên như một thủ đoạn mới của các đối tượng phạm tội. Đó là việc một số đối tượng cộm cán trong xã hội đã dùng bệnh án tâm thần để chống đối với lực lượng Công an và các cơ quan tiến hành tố tụng, nhằm thoát và giảm nhẹ tội danh.

Nhận thấy đây là một hiện tượng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho xã hội và gây khó khăn rất lớn cho các cơ quan tố tụng trong tương lai gần, các tác giả đã xây dựng đề cương, xin ý kiến chỉ đạo của Ban Biên tập Báo CAND, triển khai thực hiện loạt bài viết 5 kỳ “Bệnh án tâm thần - Bùa hộ mệnh và những đường dây ma”.

Nói về quá trình tác nghiệp để thực hiện loạt bài 5 kỳ này, nhà báo Trần Xuân chia sẻ: “Trong không khí oi bức của mùa hè tháng 7-2018, để thực hiện loạt bài viết của mình, trong vòng hơn 1 tháng, tôi và nhà báo Đào Minh Khoa (năm nay đã 76 tuổi) đã đi rất nhiều địa phương để thu thập tài liệu chứng minh cho hiện tượng “dễ dàng mua - bán” bệnh án tâm thần, chỉ ra các thủ đoạn của đối tượng phạm tội và những khó khăn của các cơ quan tố tụng trong cả nước. Đặc biệt, chúng tôi đã đóng giả nhiều vai khác nhau, rong ruổi ở nhiều cổng bệnh viện tâm thần, để tìm ra những đối tượng “cò mồi” cho các bác sỹ bán bệnh án tâm thần.Và với việc “mua - bán” bệnh án tâm thần dễ dàng, chúng tôi đã tìm ra bằng chứng cho thấy có gần 400 người trên cùng địa bàn huyện của một địa phương đã sử dụng chung một thủ đoạn để có được bệnh án tâm thần; trong đó có nhiều người là đảng viên, đang giữ chức vụ trong chính quyền, đoàn thể quần chúng...

Trong quá trình tham gia bài viết, chúng tôi đã gặp không ít những khó khăn trong việc tìm bằng chứng cho hiện tượng “mua - bán” bệnh án tâm thần, bởi đây là một đề tài mới, một đề tài gai góc, nhạy cảm khi động chạm tới nhiều cơ quan, bộ, ngành. Thậm chí, lãnh đạo một số đơn vị liên quan còn gây khó dễ cho phóng viên trong quá trình tác nghiệp, gọi điện cho lãnh đạo Ban Biên tập Báo CAND để tác động về bài viết. Tuy nhiên, với tinh thần đấu tranh vì lẽ phải, Ban Biên tập Báo CAND đã luôn tạo điều kiện, đồng hành với chúng tôi và cho chúng tôi thêm động lực để thực hiện đến cùng loạt bài viết khá nhạy cảm và gai góc này”.

Nhóm tác giả Ban chuyên đề, Truyền hình CAND đạt giải C với tác phẩm “Đột kích”: Tái hiện sự khốc liệt của cuộc chiến phòng chống ma túy

Nhóm tác giả phim tài liệu phóng sự “Đột kích”, Truyền hình ANTV đang tác nghiệp.

Tác phẩm “Đột kích” thuộc thể loại phim tài liệu do nhóm tác giả Trần Nam Chung, Hoàng Ái Vân, Ngô Phương Loan, Trương Đình Qúy, Đỗ Đức Trọng, Ban chuyên đề, Truyền hình CAND thực hiện. Đây là seri phim tài liệu dài tập đầu tiên được truyền hình ANTV tái hiện lại các chuyên án kéo dài trong suốt hơn 10 năm với nhiều sự kiện lớn nhỏ. Bộ phim đã phần nào khắc họa được sự khốc liệt của cuộc chiến phòng chống ma túy hiện nay ở trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Bộ phim phản ánh quá trình đấu tranh phòng  chống ma túy của công an tỉnh Sơn La suốt 10 năm, từ năm 2009 khi bắt đầu kế hoạch SH09, giảm số người nghiện trên địa bàn, đến phương án 279 và chuyên án 279LL từ năm 2015-2018 và cuối cùng là chuyên án 18TN, 19TN đánh thẳng vào sào huyệt Lúng Xá, Tà Dê của tội phạm ma túy.

Nhà báo Trần Nam Chung, thành viên của nhóm tác giả kể: “Khó khăn lớn nhất của đoàn làm phim là phải dựng lại một số trận đánh của ban chuyên án. Có những trận, ekip thực hiện chương trinh trực tiếp đi theo tổ đánh án nhưng có những trận vì yếu tố bí mật và an toàn nên không thể theo sát được. Nhưng khi xây dựng lại toàn bộ bộ phim thì phải tái hiện lại hết các diễn biến của quá trình đấu tranh chuyên án nên có một số trận đánh phải phục dựng lại. Song thuận lợi lớn nhất là được sự hỗ trợ hết mình của Công an tỉnh Sơn La, Công an huyện Mộc Châu, Vân Hồ và nhân dân 2 bản Lũng Xá, Tà Dê thuộc huyện Vân Hồ - Sơn La”.

Huyền Thanh
.
.
.