Thông tin thêm về việc phát hiện mộ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Thứ Sáu, 17/02/2017, 17:53
Đoàn nghiên cứu hỗn hợp giữa Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Tiềm năng Con người và nhóm Nghiên cứu ở huyện Vĩnh Bảo đã về Bảo tàng Hải Phòng để lắp ghép lại chiếc quách gỗ cổ và tìm thấy cất giấu một chiếc thẻ tre và có chữ MẠC TRIỀU TRẠNG NGUYÊN.


Chiều 15-2-2017, Đoàn nghiên cứu hỗn hợp giữa Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Tiềm năng Con người do Thiếu tướng PGS.TS Ngô Tiến Quý - Viện trưởng, Trưởng đoàn, Hội Khảo cổ học Việt Nam do PGS.TS Nguyễn Lân Cường – Tổng Thư ký Hội, Phó đoàn và nhóm Nghiên cứu ở huyện Vĩnh Bảo đã về Bảo tàng Hải Phòng để lắp ghép lại chiếc quách gỗ cổ.

Như tin đã đưa trên các phương tiện thông tin đại chúng, ngày mùng 8 tháng 3 âm lịch năm 2014, đã tìm thấy một quách gỗ trong vườn nhà cô Bùi Thị Hiền ở thôn Hạ Đồng, xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo Hải Phòng. Bộ xương trong quách đã được cô Hiền đưa vào tiểu và mai táng tại nghĩa trang của xã. 

TS. Cung Khắc Lược và PGS.TS. Nguyễn Lân Cường đang nghiên cứu các chữ qua ảnh chiếc thẻ tre.

Đến ngày 7-1-2017, các cán bộ của hai cơ quan trên phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng cùng Đài Truyền hình VTV2 đã nghiên cứu chiếc quách cổ. Theo lời nhà ngoại cảm Trần Lệ Giang, trong quách cổ có cất giấu một chiếc thẻ tre và có chữ MẠC TRIỀU TRẠNG NGUYÊN. Nhưng trước khi tìm thẻ phải ngâm cả quách vào nước mưa trong ba ngày. 

Tôi và họa sĩ Đào Ngọc Hân theo sự hướng dẫn bằng điện thoại di động của nhà ngoại cảm Trần Lệ Giang (lúc đó đang điều trị tại Bệnh viện Phụ sản ở Hà Nội). Nhà ngoại cảm cho biết phải vớt quách ra, cạo lớp sơn ta ở đầu tấm ván địa mới tìm thấy chiếc thẻ. Sau gần 2 tiếng đồng hồ chúng tôi mới tìm được chiếc thẻ tre dài 26,5cm, nằm chìm trong một rãnh sâu 1,3cm, trên thẻ có khắc chữ. 

Nhà Hán học Lê Thiên Lý, PGS.TS. Nguyễn Lân Cường và TS. Cung Khắc Lược

Ngay lúc đó nhà thư pháp Lê Thiên Lý (Hải Phòng) đã đọc được chữ Đạt (tên húy của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm), qua tấm ảnh chụp của tôi được phóng to. Sau đó chiếc thẻ được đưa về Hà Nội, nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định là có chữ, nhưng rất khó đọc vì nhiều chữ mất nét, hoặc quá mờ.

Vì các mảnh của tấm quách bị rời ra, nên sau khi chúng tôi kiểm tra rất kỹ, thấy không có dấu vết gì khác, mới tiến hành cho ghép lại tấm quách, do họa sĩ Đào Ngọc Hân trực tiếp thực hiện. 

Tranh thủ lúc chờ đợi, tôi mời nhà nghiên cứu Hán học TS Cung Khắc Lược – nguyên là cán bộ Viện Hán Nôm, trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, tới xem các ảnh chiếc thẻ tre của tôi chụp hôm 7-1-2017. Sau gần nửa giờ cụ Cung Khắc Lược đã lần lượt đọc được các chữ: MẠC  TRIỀU  TRẠNG  NGUYÊN  MỘ  TẠI AO  DƯƠNG.

Thiếu tướng PGS.TS. Ngô Tiến Quý (đứng giữa) quan sát tấm ván địa cùng đồng nghiệp Ảnh: Tạ Mai

Việc tìm thấy chiếc thẻ tre được giấu kín trong tấm địa của quách cổ là một bằng chứng về sự phối hợp giữa các nhà ngoại cảm và khảo cổ học để tìm ra sự thật lịch sử hàng trăm năm trước. 

Rất mong chính quyền địa phương huyện Vĩnh Bảo tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu những ngôi mộ khác tại vườn nhà cô Bùi Thị Hiền. Đồng thời, đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sớm vào cuộc, nghiên cứu để đưa ra kết luận chính thức về việc phát  hiện mộ Trạng Trình Nguyễn Bình Khiêm.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường
.
.
.