Xôn xao chuyện tìm được mộ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Thứ Ba, 17/01/2017, 08:46
Ngày 16-1, tại Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Hà Nội), Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người và Hội Khảo cổ học Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học về ngôi mộ cổ mới phát tích tại Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Hội thảo đã thu hút nhiều nhà khoa học, sử học và sự tham gia của một số cơ quan Trung ương và TP Hải Phòng.

Theo thông tin từ hội thảo, tháng 4-2014, tại thôn Hạ Đồng (xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng), người dân phát hiện một ngôi mộ cổ, bên trong là chiếc quách màu đỏ có mùi thơm, trên các mặt quách có nhiều chữ Nho. Hài cốt được chuyển sang tiểu và an táng tại nghĩa trang, chiếc quách được cọ rửa, mất nhiều chữ và chuyển về Hà Nội để các nhà khoa học nghiên cứu.

Nhận được thông tin, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người đã mời các nhà khoa học: Khảo cổ học, Hán Nôm… đề nghị xác định tuổi tấm gỗ làm quách.

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, việc xác định được một số chữ Nho trên quách của nhóm các nhà nghiên cứu ở Hải Phòng gồm Th.S Ngô Văn Hiển, Nhà thư pháp Lê Thiên Lý, Nhà Hán học Lương Đắc Tưởng, cụ Phạm Văn Duyệt và kết quả xác định niên đại gỗ làm quách là 1.700 năm càng củng cố lòng tin và sự hy vọng đây là quách táng hài cốt của Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, một trong những danh nhân văn hóa Việt Nam tiêu biểu.              

Xác định danh phận người trong mộ là một việc quan trọng, có ý nghĩa với quốc gia, dân tộc, do vậy cần phải tìm các chứng cứ khoa học. Tuy chưa kết luận được danh tính song Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người đã khẳng định đây là ngôi mộ cổ  và người nằm trong quách có danh phận cao quý. Đây là tài sản quý của địa phương và quốc gia nên Viện đã gửi công văn cho chính quyền địa phương đề nghị bảo vệ khu mộ và cùng phối hợp nghiên cứu. 

PGS.TS Nguyễn Lân Cường và họa sĩ Đào Ngọc Hân tiến hành lấy tấm thẻ tre từ chiếc quách.

Từ giữa năm 2016, như có sự thúc giục của tiền nhân, KTS Lê Trung Kiên cùng các nhà giáo Nguyễn Đình Minh, Hoàng Phan, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người, Hội Khảo cổ học Việt Nam và nhiều người yêu quý Cụ Trạng đã kết nối và tập trung nghiên cứu khảo sát bằng các phương pháp khoa học và tâm linh.

Từ sự phân tích của TS Lê Đình Phụng (năm 2014) về khả năng tiền nhân để lại thông tin bằng cách khắc lên các thẻ tre, các nhà khoa học định hướng là tìm thông tin trong ván địa của quách cổ theo như lời của nhà ngoại cảm Bùi Thị Hiền. Sau khi làm các thủ tục cần thiết về mặt tâm linh, nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học của Viện, Hội Khảo cổ học Việt Nam và nhóm các trí thức huyện Vĩnh Bảo đã nhận được sự hướng dẫn cụ thể việc mở ván địa: ngày mở (7-1-2017 tức 10 tháng Chạp), cách mở (phải ngâm nước mưa, phải mở cẩn thận…), người mở: PGS.TS Nguyễn Lân Cường và cộng sự phải là người có tâm dưới sự hướng dẫn của một số người am hiểu về tâm linh.  

Xét tầm quan trọng của vấn đề, GS.TSKH Phan Anh, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người; Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Thiếu tướng, PGS.TS Ngô Tiến Quý (nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an), Viện trưởng Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người đã chỉ đạo dành toàn bộ trí tuệ và sức lực cho công tác này và giao trách nhiệm cụ thể cho hai đồng chí Viện phó thực hiện.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường báo cáo việc tìm được chiếc thẻ tre.

Các cán bộ khoa học, cán bộ nghiên cứu sắp xếp mọi việc tập trung vào việc trọng đại: mở ván địa của chiếc quách cổ. Kết quả, PGS.TS Nguyễn Lân Cường cùng họa sĩ Đào Ngọc Hân đã thận trọng cạo lớp sơn ta phủ bên ngoài của tấm ván địa, tìm được thẻ tre, trên thẻ tre có chữ Nho.

Trên chiếc thẻ này, các nhà Hán nôm đã đọc được một số chữ có ghi tên người trong mộ là Nguyễn Văn Đạt (tên cha là Cù Xuyên, hiệu của Nguyễn Văn Đinh, có tên Nhữ Thục, thân mẫu của Cụ) và một số thông tin quan trọng đúng với danh phận của Cụ Trạng; qua đó khẳng định được đây là tấm quách của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, khép lại việc tìm mộ Cụ suốt mấy trăm năm qua.

Tại hội thảo, các nhà khoa học đã thảo luận báo cáo các kết quả nghiên cứu về ngôi mộ cổ. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu thu được, đã kết luận chủ nhân của ngôi mộ cổ là Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Hội thảo cũng đề xuất các biện pháp bảo vệ, tôn tạo di tích.

Theo chúng tôi, dù chưa có ý kiến của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhưng thông tin về ngôi mộ cổ nêu trên rất đáng được quan tâm, nghiên cứu nhằm đưa ra kết luận cuối cùng.

Trần Duy Hiển
.
.
.