Thêm ba cây cổ thụ ở Hải Phòng được vinh danh Cây Di sản Việt Nam
- Công nhận thêm 5 cây di sản tại tỉnh Nam Định
- 3 cây thị tại Quảng Nam được công nhận Cây di sản
- Công nhận cây lộc vừng 600 năm tuổi ở Vĩnh Phúc là cây di sản
Theo đó, ngày 15-2, UBND xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng đã tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận cây di sản Việt Nam đối với 2 cây gồm: Cây bàng và cây quéo nằm trong khuôn viên ngôi đền Bì ở thôn Vân Đôi, xã Đoàn Lập. (Đây là 2 cây cổ thụ bên ngôi đền đá linh thiêng nhất của Tiên Lãng).
Trong đó, cây Bàng có tuổi đời khoảng 400 năm tuổi, có dáng thế “bạt phong”, cao khoảng 20m, tán cây phủ rộng trên diện tích khoảng 300m². Chu vi thân cây tại độ cao cách mặt đất 1,3m là 3,7m, thân, cành cây xù xì cổ kính, tán lá vươn xa, gốc cây có nhiều u bướu.
Cây Quéo di sản tại Đền Canh Sơn, Tiên Lãng. |
Cây quéo ở trước sân chùa Vân Quang (cũng nằm trong khuôn viên đền) có tuổi đời khoảng 200 năm tuổi, thân thẳng đứng, cao 20-25 m. Chu vi thân cây tại độ cao cách mặt đất 1,3m là 1,9 m.
Cả hai cổ thụ này hiện đều tươi tốt, cành lá sum suê, tạo nên cảnh quan cổ kính cho ngôi đền.
Cùng trong ngày 15-2, tại Nhà thờ Họ Nguyễn, ở thôn Sỏi, xã Quảng Thanh, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng, chính quyền và nhân dân địa phương cũng long trọng tổ chức Lễ công nhận Cây Di sản Việt Nam cho cây Thị gần 300 năm tuổi.
Cây Thị tại xã Quảng Thanh, Thuỷ Nguyên. |
Ông Bùi Văn Mười, Chủ tịch UBND xã Quảng Thanh cho biết: Theo gia phả để lại, cây thị này được trồng vào năm 1740, sau này khi xây dựng ngôi từ đường vẫn gìn giữ, sinh dưỡng cây Thị cổ thụ. Các đời con cháu họ Nguyễn coi cây Thị cổ thụ như sự nhắc nhở trật tự: Tài thế đức làm trọng, lấy nhân hậu làm nền, lấy sự chia sẻ làm phúc giữ gìn cho con cháu mai sau.
Tại những buổi Lễ công nhận Cây Di sản, GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đã thay mặt lãnh đạo Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trao Quyết định và Bằng Công nhận Cây Di sản Việt Nam cho đại diện địa phương.