Tết Hoàng cung qua mộc bản triều Nguyễn
- Triển lãm “Quốc hiệu và kinh đô nước Việt trong Mộc bản Triều Nguyễn - di sản tư liệu thế giới”
- Tổ chức triển lãm “Quốc hiệu và Kinh đô nước Việt trong Mộc bản Triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới”
- Triển lãm Châu bản, Mộc bản khẳng định chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam
Từ ngày 18-1 đến 30-3, tại Trường lang Đại Cung môn, Đại nội Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích (BTDT) Cố đô Huế phối hợp với Trung tâm lưu trữ quốc gia IV, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức triển lãm “Tết hoàng cung qua Mộc bản triều Nguyễn”.
Triển lãm với 32 bản chụp tư liệu mộc bản, bản dập cùng nhiều hình ảnh minh họa liên quan đến các hoạt động trong dịp Tết Nguyên đán thời Nguyễn như: lễ Ban sóc (ban lịch cho năm mới), lễ Phất thức (lễ rửa ấn, lau chùi các sách phong), lễ tế Hường ở các miếu (lễ cúng ở các miếu thờ tiên đế vào dịp cuối năm), lễ Thướng tiêu (dựng cây nêu báo hiệu năm mới), lễ Trừ tịch (lễ xóa bỏ những điều xấu của năm cũ), lễ Tiến Xuân – Nghinh xuân, lễ mừng nhà vua, lễ mừng Hoàng thái hậu.
Triển lãm “Tết Hoàng cung” qua mộc bản triều Nguyễn nhằm giúp du khách đến với Đại Nội Huế hiểu hơn về phong tục Tết xưa trong Hoàng cung. |
Theo đó, Tết Nguyên đán là lễ hội lớn nhất trong tất cả các lễ hội truyền thống của dân tộc Việt Nam. Từ ngày mồng một tháng Chạp, triều đình nhà Nguyễn đã tổ chức lễ Ban sóc (ban lịch cho năm mới) tại Ngọ Môn. Lịch này do Khâm Thiên giám biên soạn. Sau lễ ban sóc, triều đình tiến hành lễ Phất thức (lễ rửa ấn, lau chùi các sách phong) tại điện Cần Chánh vào ngày 20 tháng Chạp.
Triển lãm trưng bày 32 bản chụp tư liệu mộc bản, bản dập cùng nhiều hình ảnh minh họa liên quan đến các hoạt động trong dịp Tết Nguyên đán thời Nguyễn. |
Tiếp đến là lễ tế Hưởng ở các miếu (lễ cúng ở các miếu thờ dịp cuối năm). Tại lễ cúng tại các miếu ngày 30 tháng Chạp, nhà vua ngự điện Thái Hòa để làm lễ Thướng tiêu (dựng cây nêu) cùng các quan văn võ. Các cung điện trong cung đều dựng nêu và treo pháo để đốt chào mừng năm mới.
Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 69, mặt khắc 11 quy định lễ ban sóc (ban lịch mới) của triều Nguyễn. |
Thời khắc giao thừa là lúc tiến hành lễ Trừ tịch, xóa bỏ hết những điều không may mắn, vui vẻ của năm cũ.
Thường dưới triều Nguyễn, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán được quy định từ ngày 28 tháng chạp cho đến mùng 8 tháng giêng năm sau. Trong sân điện Thái Hòa vào đêm giao thừa, mỗi khắc sẽ cho nổ 20 tiếng súng lệnh. Sáng ngày mồng một tháng Giêng, nhà vua sẽ mặc hoàng bào đi đến cung Hoàng thái hậu chúc Tết. Sau đó, nhà vua ngự điện Thái Hòa nhận lễ lạy mừng của quân thần và ban tiền thưởng cho các quan.
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ, quyển 4, mặt khắc 51,52 có nội dung năm 1849, vua Tự Đức xuống Dụ ban lộc đầu xuân cho quan lại và thường dân. |