Tặng hiện vật vô giá của nguyên mẫu phim "Biệt động Sài Gòn" cho bảo tàng

Thứ Hai, 20/03/2017, 14:03

Hàng loạt tư liệu, hiện vật của "gia đình biệt động" AHLLVTND Trần Văn Lai - nguyên mẫu phim "Biệt động Sài Gòn" sẽ được trao tặng Bảo tàng Thái Bình.

Ngày 20-3, anh Trần Vũ Bình, con trai của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVT) Trần Văn Lai – một trong những nguyên mẫu chính trong phim “Biệt động Sài Gòn” cho biết, gia đình vừa quyết định trao tặng hàng loạt tư liệu, hiện vật về ông Lai cho Bảo tàng Thái Bình. Đặc biệt trong đó có chiếc xe ông Lai sử dụng để hoạt động trong lòng địch.

AHLLVT Trần Văn Lai quê gốc ở Thái Bình, tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm và được đào tạo, trở thành một trong các chiến sĩ biệt động có nhiệm vụ “trèo cao, chui sâu” vào trong lòng địch. Trong vỏ bọc của thầu khoán Dinh Độc Lập (Năm U.Som), ông Lai có điều kiện thường xuyên vào cơ quan đầu não của địch nắm tin tức, chuyển về hậu phương, vận chuyển vũ khí vào nội thành. Ông còn là “tác giả” của rất nhiều hầm nuôi giấu cán bộ, chứa vũ khí ngay trong nội thành Sài Gòn.

Chiếc xe được AHLLVT Trần Văn Lai hoạt động trong lòng địch sẽ được trao tặng cho Bảo tàng Thái Bình

Cuộc đời và những chiến công xuất sắc của ông Trần Văn Lai và vợ cả, bà Phạm Thị Phan Chính đã được khai thác trong nhiều tác phẩm văn học, điện ảnh. Nhưng, nổi tiếng nhất vẫn là vai Tư Chung – ông chủ hãng sơn Đông Á và vợ - Ngọc Mai, trong bộ phim “Biệt động Sài Gòn”. 

Năm 2015, ông Trần Văn Lai đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Liệt sĩ Phạm Thị Phan Chính và người vợ thứ hai của ông là bà Đặng Thị Thiệp, hiện cũng đang được TP Hồ Chí Minh đề nghị xét tặng danh hiệu AHLLVT. 

Rất nhiều hiện vật, tư liệu về cuộc đời hoạt động của “gia đình biệt động” này đã được trao tặng lại cho nhiều bảo tàng. Hàng loạt các hầm chứa vũ khí được họ bí mật xây dựng phục vụ kháng chiến trở thành di tích lịch sử. Trong đó, căn hầm bí mật từng chứa hàng tấn vũ khí phục vụ đánh Dinh Độc Lập trong đợt Tết Mậu Thân 1968, tại khu Vườn Chuối (Quận 3, TP Hồ Chí Minh hiện nay) đã trở thành một trong những “địa chỉ đỏ” nổi tiếng, thu hút đông đảo khách trong và ngoài nước đến tham quan hàng năm. 

Riêng chiếc xe Volkswagen của Đức được ông Trần Văn Lai mua, sử dụng để hoạt động ra vào nội thành trong thời kỳ hoạt động bí mật, gia đình vẫn đang lưu giữ. Đây cũng là chiếc xe ông Trần Văn Lai đã lái để đón những người thân từ Thái Bình vào Sài Gòn ngay trong những ngày đầu tiên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Hồi tháng 1 vừa qua, ông Vũ Đức Thơm, Giám đốc Bảo tàng Thái Bình đã có công văn đề nghị bà Đặng Thị Thiệp và gia đình hiến tặng tư liệu, hiện vật, hình ảnh có liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của AHLLVTND Trần Văn Lai, trong đó có chiếc Volkswagen của Đức nói trên.

Trong văn bản phúc đáp Giám đốc Bảo tàng Thái Bình, bà Đặng Thị Thiệp, vợ thứ hai của ông Trần Văn Lai cũng bày tỏ mong muốn các tư liệu, hiện vật của người chồng gửi tặng bảo tàng sẽ  phát huy giá trị, góp phần giáo dục tình yêu quê hương đất nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ mai sau trên quê hương. Gia đình cũng đề nghị lễ trao tặng sẽ diễn ra tại TP Hồ Chí Minh.


N.Hoa
.
.
.