Kết hợp nghệ thuật hiện đại và truyền thống: “Se duyên” nhưng đừng khiên cưỡng

Thứ Hai, 10/10/2016, 09:18
Sự kết hợp âm nhạc hiện đại và truyền thống phù hợp với nhu cầu của khán giả hiện đại. Tuy nhiên, nếu kết hợp chưa thật ăn ý và thuyết phục, những thử nghiệm ấy sẽ không khác những chiêu trò nhằm lôi kéo sự chú ý nhất thời của công chúng.


Những ngày đầu tháng 10, người quan tâm đời sống nghệ thuật Thủ đô khá bất ngờ và tò mò khi Ban tổ chức chương trình “Gió” tiết lộ sẽ có sự kết hợp giữa piano và chèo cổ.

Khai thác tích chuyện Quan âm Thị Kính - câu chuyện đã rất quen thuộc với khán giả sân khấu chèo nhưng “Gió” hứa hẹn mang lại sự mới mẻ trong đời sống nghệ thuật đương đại nhờ sự xuất hiện của piano.

Một bên là điển hình của âm nhạc châu Âu, một bên là nghệ thuật truyền thống Việt. Một bên là Phó An My, gương mặt gắn liền với một số chương trình nghệ thuật đương đại với những ý tưởng, sự kết hợp mới lạ trong nhiều chương trình trước đó. Một bên là các gương mặt thành danh trên sân khấu chèo...

Chưa biết sự kết hợp này mang lại giá trị nghệ thuật như thế nào nhưng không khó để nhận thấy, cuộc “se duyên” khá lạ lẫm này dễ tạo được hiệu ứng truyền thông, tạo sự chú ý của công chúng rộng rãi hơn.

Thực tế, việc thử nghiệm kết hợp nghệ thuật theo kiểu “độc, lạ” trên sân khấu theo cách của “Gió” đã được khá nhiều êkip sản xuất áp dụng.

Nhiều năm trước, vở cải lương “Kim Vân Kiều” đã trở thành sự kiện khuấy động sân khấu cải lương đìu hiu, trầm lặng.

Vở cải lương được đầu tư tiền tỷ, thiết kế không gian sân khấu 3 chiều, có sự kết hợp của giao hưởng với ca cổ, sự xuất hiện của các ngôi sao ca nhạc trẻ, kể cả hiphop trên sân khấu cải lương là một trong những lý do khiến “Kim Vân Kiều” hút vé.

Mặc dù, giá vé của chương trình so với mặt bằng chung của sân khấu trong thời điểm này không hề thấp. Vở diễn cũng được kỳ vọng sẽ là sự thử nghiệm nghệ thuật mới lạ, tạo thành cú hích đáng kể cho nghệ thuật cải lương nước nhà.

Tuy nhiên, sau những tò mò, sau sự hoành tráng và những ồn ào, người mộ điệu cải lương phần nhiều không ưng ý với những cách tân được cho là táo bạo ấy.

Cảnh trong vở diễn “Lời nói dối cuối cùng”.

Mới đây nhất, trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam, êkip dàn dựng “Lời nói dối cuối cùng” khiến người xem khá bất ngờ khi thử nghiệm kết hợp cả các đoạn nhạc rap vào vở diễn đậm đặc không gian văn hóa truyền thống Việt.

Sự xuất hiện của bộ 3 nghệ sĩ biểu diễn các đoạn rap trên sân khấu và xen cả trong khu vực hàng ghế khán giả mang lại cảm giác hiện đại hơn, có sự tương tác với người xem.

Nhưng cũng chính vì sự thể hiện nhạc rap của bộ 3 diễn viên này lại tạo cho người xem cảm giác như đang được thết đãi một mâm cơm toàn đặc sản truyền thống nhưng bày biện thêm đĩa xúc xích để nguyên cây.

Nếu chỉ chế biến như một cách gia giảm cho bữa ăn tinh thần, dừng ở phần âm nhạc của vở diễn, có lẽ “Lời nói dối cuối cùng” sẽ ít tạo vết gợn hơn.

Sự kết hợp âm nhạc hiện đại và truyền thống là cần thiết để mang lại những chương trình, vở diễn phù hợp với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả hiện đại. Đây cũng là những thử nghiệm được hy vọng sẽ mang lại nhiều mới mẻ cho đời sống nghệ thuật.

Tuy nhiên, nếu kết hợp chưa thật ăn ý và thuyết phục người xem, những thử nghiệm ấy sẽ không khác những chiêu trò của người làm nghệ thuật nhằm lôi kéo sự chú ý nhất thời của công chúng. 

Ngọc Nguyễn
.
.
.