Phát huy nghệ thuật sân khấu truyền thống trong sân khấu hiện đại: Một vốn bốn lời

Thứ Ba, 11/03/2014, 11:32
Đưa nghệ thuật truyền thống phục vụ công chúng trong nước, tiếp cận du khách nước ngoài, hàng loạt các chương trình biểu diễn định kỳ cho đến tác phẩm được dàn dựng mới bước đầu khẳng định được những vị trí nhất định trong lòng khán giả. Khi những giá trị nghệ thuật truyền thống được phát huy trên sân khấu hiện đại, câu chuyện về lời lãi phía sau các chương trình này tất nhiên không phải dừng lại ở chuyện cân, đong, đo, đếm được bằng thước đo mang tính kinh tế.

Biểu diễn định kỳ phục vụ công chúng khán giả trong nước, hướng đến đối tượng khách du lịch đến TP Hồ Chí Minh trong một vài năm trở lại đây phải kể đến múa rối nước, À Ố show và Hồn Việt... “Sinh sau đẻ muộn” có “Sen” của Nhà hát Ca múa nhạc Bông Sen diễn ra vào tối ngày 5 hằng tháng tại Nhà hát TP Hồ Chí Minh. Riêng với sân khấu cải lương, “ghi điểm” gần đây nhất và để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng người xem không thể không kể đến chương trình kỷ niệm ngày mất của cố nghệ sĩ Thanh Nga. Cháy vé trước ngày biểu diễn, giá vé “chợ đen” đội lên gấp đôi khiến ban tổ chức phải diễn thêm để đáp ứng nhu cầu khán giả khiến chương trình trở thành hiện tượng lạ trong thời điểm sân khấu cải lương đang bị cho là đang trong giai đoạn thoái trào mặc dù đã có nhiều nỗ lực cách tân để lôi kéo sự chú ý của khán giả mua vé vào rạp. Vở hài kịch dân gian “Thị Hến” được NSND Lê Khanh “tận dụng” khá nhiều vốn liếng sân khấu truyền thống của cha ông trong dàn dựng liên tục được đón nhận từ Bắc vào Nam đã, đang tạo những dấu ấn nhất định khi công diễn từ Bắc vào Nam...

Được người xem đón nhận đồng nghĩa với có doanh thu, vốn quý cha ông được phát huy, tài năng, tâm huyết của người nghệ sĩ được khẳng định trong lòng công chúng và cũng đồng nghĩa với việc khẳng định, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại, dù ít, dù nhiều. Nghệ sĩ Linh Huyền, “bà bầu” gắn liền với chuỗi chương trình Hồn Việt tại Nhà hát TP Hồ Chí Minh từng chia sẻ rằng, chị làm Hồn Việt chỉ vì quá yêu, quá tiếc cái vốn nghệ thuật truyền thống của cha ông. Bằng các tiết mục ca múa nhạc dân tộc độc đáo với độc tấu đàn bầu, đàn kìm, đàn đá, đàn TRưng, Klông pút, đàn Kơní, sáo, hát dân ca Bắc Bộ, chầu văn Huế, múa, tuồng, chèo, hát xẩm, nhã nhạc cung đình, cải lương... Hồn Việt giữ được vị trí nhất định trong lòng khán giả, đặc biệt là du khách đến Việt Nam. Đây cũng là một trong những chương trình được du khách bỏ phiếu  nhiều nhất trên một chuyên trang về du lịch của nước ngoài trong năm vừa qua. Nghệ sĩ có doanh thu, dẫu không hẳn là cao bởi ngoài tiền bán vé còn có thêm nhà tài trợ.

Múa Sen, một trong những tiết mục được đánh giá cao nhờ kết hợp thành công yếu tố truyền thống và hiện đại.

Sau Hồn Việt, chương trình "Năm tháng không phai” tiếp tục được ra mắt khán giả. Được những người thực hiện đầu tư nhiều tâm, sức lẫn kinh phí với mong muốn được nhận lại “sự sống của cải lương”, hy vọng có thêm “những giọt nước mát, vung tưới cho những cây cải lương trong thời buổi khó khăn và hội nhập như hiện nay” dù rằng, như chính lời thanh minh từ phía ban tổ chức sau chương trình là, mặc dù không mang đến một sân khấu sang trọng, không bắt mắt về ngoại cảnh... nhưng chương trình đã đem đến cho khán giả một luồng gió thời xa xưa của sân khấu cải lương, tuy thô sơ nhưng mà đẹp, chân chất, mộc mạc. Tất nhiên, nghệ sĩ không hát nhép, không nhắc tuồng, người dàn dựng không xử lý âm thanh hiện đại... Làm được điều đó, người nghệ sĩ nếu không lao động, không thẩm thấu được nghệ thuật sân khấu cải lương ắt hẳn không làm được.

Cũng làm vì tâm huyết với vốn quý của cha ông, NSND Lê Khanh với “Thị Hến” may mắn hơn, ít nhất là về mặt tài chính. Chị cho biết, khi làm “Thị Hến”, những ưu điểm của sân khấu truyền thống được chị tập trung phát huy. Tính ước lệ vốn phổ biến trong nghệ thuật sân khấu truyền thống giúp hành trang của đoàn gọn nhẹ hơn khi lưu diễn. Nghệ thuật khẩu thuật vốn quen thuộc trong chiếu Chèo truyền thống lại trở thành yếu tố lạ hấp dẫn với khán giả của sân khấu hiện đại. Có một thực tế hiện nay là trong khi các sân khấu trong nước chạy theo tính “tả thực” của sân khấu nước ngoài thì nghệ sĩ các nước bạn, kể cả những nước có nền nghệ thuật sân khấu phát triển bậc nhất hiện nay lại đang rất “thịnh” tìm hiểu, học tập tính ước lệ trong sân khấu truyền thống Việt Nam. Cũng theo NSND Lê Khanh, điều này không lạ bởi thực ra, mỗi bên đều đi tìm những điều mình thiếu. Cái mình có sẵn, không có lý nào mình bỏ phí, không phát huy...

Thực tế, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống trong sân khấu hiện đại đúng mức và đúng cách tạo sự mới lạ cho khán giả trong nước, bước đầu đưa nghệ thuật truyền thống tiếp cận du khách nước ngoài. Cái lợi mang về cho đoàn, cho nghệ sĩ, bên cạnh doanh thu phòng vé, bên cạnh được chi trả thù lao là phát  huy được tài năng, được làm điều mình yêu thích. Ngược lại, vở diễn cũng đòi hỏi sự lao động, học tập nghiêm túc, khả năng lao động nghệ thuật thực sự của mỗi diễn viên. Rèn luyện trở thành yêu cầu bắt buộc với người nghệ sĩ. Không nghiêm túc học tập, lao động, không am hiểu, thẩm thấu cái vốn quý của cha ông và đủ bản lĩnh biến thành sản phẩm nghệ thuật của riêng mình, chắc chắn chương trình không thể thành công. Tài năng của nghệ sĩ và sự lan tỏa giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của cha ông trong đời sống mới là “cái lời” lâu dài của các chương trình như thế

N.Nguyễn
.
.
.