Ra mắt “Thời cuộc và văn hóa” của Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Hồ Quang Lợi

Thứ Tư, 12/06/2019, 19:40
Ngày 12-6, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, ông Hồ Quang Lợi đã ra mắt sách “Thời cuộc và văn hóa” tại Hà Nội. Đông đảo đồng nghiệp nhiều thế hệ và bạn đọc đã đến chia vui và chúc mừng ông.

Đề cập đến thời cuộc với những vấn đề thời sự nóng bỏng, chấn động đời sống nhân loại để chỉ ra cái lõi văn hóa trong cuộc sống tưởng như xa xôi, khiên cưỡng, nhưng nhà báo Hồ Quang Lợi đã kết hợp thành công hai nội dung này một cách hài hòa, nhuần nhuyễn, không kém phần sâu sắc,  hấp dẫn, lột tả được mối quan hệ biện chứng của thế cuộc – văn hóa. Đó là nhận định chung của hầu hết các đại biểu, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu, quản lý  và bạn đọc trong  buổi ra mắt sách nhà báo Hồ Quang Lợi.Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

“Thời cuộc và văn hóa” là đầu sách thứ 12 của nhà báo Hồ Quang Lợi. Sách bao gồm 523 trang, chia thành 5 phần chính: Trong lốc xoáy thế sự, Văn hóa giữ nước, Phẩm cách những con người, Lõi vàng văn hiến Việt Nam, Văn hóa và báo chí.

Tập sách “Thời cuộc và văn hóa” của Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Hồ Quang Lợi

Lý giải những thắc mắc về tựa sách khá lạ này, nhà báo Hồ Quang Lợi cho rằng, thời cuộc và văn hóa tưởng chừng như không có mối liên hệ với nhau nhưng thực ra lại vô cùng gắn bó và ảnh hưởng trực tiếp qua lại lẫn nhau. Những cuộc chiến tranh có thể hủy diệt các di sản và đe dọa sự tồn vong của một dân tộc, làm thay đổi các giá trị về văn hóa.

 Ngược lại, văn hóa là cái còn lại, là cái gắn kết và cứu rỗi các dân tộc khỏi chiến tranh.  Văn hóa mang tính dân tộc nhưng cũng phải rất nhân loại. Bởi lẽ, con người luôn hướng đến những điều tốt đẹp. Những biến động của thời cuộc, xô đẩy của xã hội, những bức xúc, cái xấu, cái ác khiến chúng ta không yên ổn trong chính ngôi nhà của mình. Nhưng, văn hóa đã cứu rỗi con người. Văn hóa – tinh thần kết nối chúng ta để chống lại những thứ phi nhân tính, phi văn hóa. Có những lúc, văn hóa bị hủy hoại, tác động bởi thời cuộc nhưng dù bị tác động, văn hóa vẫn là nền tảng, là cái lõi giữ cho con người, giữ cho xã hội, cho thế giới sự cân bằng. 

Lịch sử dân tộc Việt Nam đã khẳng định rất rõ.Từ nghìn năm Bắc thuộc, hàng trăm năm bị đô hộ, bao nhiêu dòng thác văn hóa đổ về, bị nô dịch về văn hóa, nhưng chúng ta vẫn là Việt Nam bởi có nền văn hiến Việt Nam và văn hóa Việt Nam. Những người cầm bút phải giữ lấy và phát huy nó để làm sao dân tộc Việt Nam không phải là nước giàu nhưng được ngưỡng mộ bởi nền văn hóa Việt Nam, tinh thần Việt Nam, hình ảnh Việt Nam ngày càng đẹp hơn trong mắt bạn bè quốc tế. Đó cũng là lý do vì sao ông viết và xuất bản “Thời cuộc và văn hóa”.

Nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻ cuốn sách mới nhất của ông.

Chia sẻ về nhà báo Hồ Quang Lợi và cuốn sách mới của ông, Tiến sĩ Phạm Quang Nghị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội nhận định: Hồ Quang Lợi là một cây bút chính luận xuất sắc. “Các bài viết ký tên Quang Lợi khiến người đọc luôn cảm thấy sảng khoái như vừa được thưởng thức món ăn mà mình ddang ao ước, được chính tay một đầu bếp tài hoa chuẩn bị. Rất nhiều bài viết của anh, bây giờ đọc lại, tôi vẫn có cảm nhận đó là một sự thăng hoa cả về tư duy lẫn ngôn từ. Những câu chữ và ngôn từ của anh cứ như những cánh buốm no gió lướt trên mặt sóng”.

 Nhà thơ, nhà báo Lê Cảnh Nhạc, nguyên TBT báo Gia đình và xã hội cũng chia sẻ: Trong hơn 500 trang sách, Hồ Quang Lợi cho người đọc thấy văn hóa có giá trị, ý nghĩa như thế nào trong ván cờ thời cuộc, cảm nhận được sự đau đớn khi thời cuộc làm đảo lộn các giá trị văn hóa. Từ các sự kiện, anh dẫn dắt bạn đọc vào những triết luận của văn hóa và thời cuộc, chỉ ra sự xung khắc giữa các nền văn hóa…

Buổi ra mắt sách thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc, nhà báo nhiều thế hệ.

Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái thì cho rằng, “Thời cuộc và văn hóa” là một bữa tiệc sang trọng của ngôn từ mà nhà báo Hồ Quang Lợi dành cho bạn đọc và cả các đồng nghiệp. Anh đã biến những điều lớn lao, vấn đề chính trị, xã hội nóng bỏng trở nên nhẹ nhàng, dễ tiếp thu… Sự tài tình này của anh trong các trang viết là khiến các đồng nghiệp tâm phục khẩu phục nhưng không dễ gì học được.

Nhà báo Hồ Quang Lợi sinh năm 1956 tại Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An, từng tốt nghiệp khoa Ngôn ngữ và Văn học nước ngoài, chuyên ngành Văn học Pháp, Đại học Bucharest, Romania. Ông nguyên là Đại tá, Phó TBT báo Quân đội nhân dân; nguyên TBT báo Hà Nội mới; nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội; nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; nguyên Tổng thư ký Liên đoàn các nhà báo ASEAN, hiện nay là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.

Ông từng đạt 9 giải Báo chí quốc gia và toàn quốc, trong đó có 5 giải A; 2 giải thưởng Văn học, Nghệ thuật, Báo chí về Chiến tranh cách mạng và Lực lượng vũ trang nhân dân; 2 giải Nhất Giải Báo chí Ngô Tất Tố. Từ năm 1997 đến năm 2001, ông cho ra mắt bạn đọc 8 đầu sách riêng và 3 tựa sách in chung : Cuộc bứt phá toàn cầu, Ẩn số thời cuộc, Xung chấn kỷ nguyên đột biến, Việt Nam trên ngọn sóng thời cuộc, Những chân trời cuộn sóng, Hà Nội – Cuộc kiến tạo mang hưng khí thời đại, Thế sự và mắt nhìn, Nước Nga – Hành trình tới tương lai, Một thập kỷ những bài báo hay (đồng tác giả), Ông chủ thứ 43 của Nhà Trắng (in chung), Bộ sách ba tập “Khủng bố và chống khủng bố” gồm “Thảm kịch nước Mỹ”, “Cuộc chiến tranh mới” và “Cuộc chiến không giới hạn” (đồng tác giả).
Hoa Nguyễn
.
.
.