Quảng Ninh có thêm 3 hiện vật được công nhận Bảo vật Quốc gia

Thứ Sáu, 15/05/2020, 18:29
Sáng 15/5, UBND tỉnh Quảng Ninh công bố 3 hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia đợt 8/2019 và ra mắt website Di sản Quảng Ninh.

Các hiện vật được công nhận Bảo vật Quốc gia trong đợt này, gồm Trống Đồng Quảng Chính, Thống Đồng thời Trần và Mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu. Trong đó Trống đồng Quảng Chính là hiện vật bằng kim loại, niên đại khoảng thế kỷ III - II trước công nguyên, được phát hiện tại xã Quảng Chính, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh.

Trống có bố cục hoa văn độc đáo với ngôi sao 6 cánh và hình tượng chim hạc bay xuôi theo chiều kim đồng hồ. Đây là trống đồng duy nhất đến thời điểm hiện nay được phát hiện tại Quảng Ninh, minh chứng cho việc khẳng định chủ quyền về quốc gia, lãnh thổ và văn hóa của vùng đất phên giậu Tổ quốc.

Trống đồng Quảng Chính trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh.

Trống đồng là hiện vật bằng kim loại, có niên đại khoảng thế kỷ XIII - XIV, là vật dụng lễ khí (tế khí) sử dụng trong các hoạt động nghi lễ (tế lễ) của đời sống cung đình (miếu/đường) thời Trần. Đây là hiện vật có hình thức độc đáo, hoa văn trang trí điển hình văn hóa nhà Trần và là tác phẩm nghệ thuật quý hiếm.

Còn Mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu là hiện vật bằng gốm, có niên đại khoảng thế kỷ XV, được sử dụng để đặt các lễ vật trong các nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo. Đây là hiện vật có hình thức độc đáo với phần trên mặt trong và ngoài hiện vật được trang trí 42 cánh sen tạo tổ hợp các dải băng hoa sen đơn và kép với các lớp so le giống hình một bông hoa sen đang nở rộ.

Theo đó, đến nay Quảng Ninh chính thức có 5 hiện vật được công nhận Bảo vật Quốc gia, đều đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh là: Bình gốm Đầu Rằm, Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử, Trống đồng Quảng Chính, Thống đồng thời Trần, Mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, tỉnh Quảng Ninh đã giới thiệu đến công chúng website Di sản Quảng Ninh ở địa chỉ www.disanquangninh.gov.vn. Đây là website đầu tiên của cả nước về di sản xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ, thống nhất về các di sản tại 1 địa phương; số hóa các hồ sơ, tài liệu về di sản văn hóa; cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời phục vụ cho việc quản lý, bảo tồn, quảng bá di sản văn hóa…

V. Huy
.
.
.