Những trang sách cuốn hút, ám ảnh

Chủ Nhật, 15/05/2016, 16:20
Hữu Ước, với những gì đã bộc lộ và cống hiến, là một “ca” hiếm lạ với báo chí và văn học gần đây. Con người mang lắm chữ “đa” này như một khối rubic, đã chứng tỏ khả năng đa dạng trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Nhưng đến tiểu thuyết “Kiếp người”, một tiểu thuyết giàu chất điện ảnh, tiết tấu hiện đại, tôi càng ấn tượng bởi sáng tạo của ông.


Giới văn chương báo chí Việt Nam vốn đông mà chẳng nhiều nhặn nhân tài, những người sòng phẳng dám công nhận, tôn vinh ai đó một cách khách quan và xứng đáng. Vì thế, sức chuyển động của nền văn chương nói riêng, nghệ thuật nói chung bị giảm. Và giới văn - báo Việt Nam không hợp được thuật ngữ, danh từ mang tính khoa học, sang trọng mà vẫn là “làng”. 

Chuyện làng thì loanh quanh, ồn ào, phức tạp. Trong làng chẳng nhiều người chịu đọc, xem nhau nghiêm túc. Song nhiều người trong lực lượng cầm bút viết tiếng Việt, biết đến Hữu Ước. Đấy là cái tên mà tôi biết đến 20 năm trước khi chưa vào đại học. 

Năm 1997, tôi trở thành sinh viên khóa 16 Phân viện Báo chí Tuyên truyền (nay là Học viện), nghe liệt kê tên tuổi thành đạt được các thầy nhắc nhiều như thành tựu của trường này, Hữu Ước - cái tên được nhắc liên tục - cựu sinh viên báo chí khóa 2, tổng biên tập những tờ báo đình đám, những manchette được vị nể bởi số tirage kỷ lục, niềm ước mơ triền miên của báo bao cấp, là đỉnh cao phấn đấu của những tờ báo coi việc độc giả tự bỏ tiền mua là danh dự sống còn. 

“Trường dòng” của chúng tôi đào tạo ra nhiều cây bút là phó - tổng biên tập, giám đốc các đài truyền hình, lãnh đạo cấp cao, chứ đâu chỉ Hữu Ước. Song có lẽ đây là số ít người làm kinh tế báo chí bằng chính tư duy chuyên môn báo chí, gây dựng cơ đồ vững mạnh bằng những tờ báo, ấn phẩm do ông khai sinh, không cần nhờ quảng cáo.

Hữu Ước đã từng có cả tuần solo tranh - văn - thơ - nhạc ở Nhà hát Lớn. Nếu không có cuộc ra mắt Kiếp người - tiểu thuyết đầu tay của ông tại Laca cafe tầng 2 nhà 24 Lý Quốc Sư, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, chiều tối 1-5-2016 thì tên của Hữu Ước, truyện kể, giai thoại quanh ông vẫn khiến kẻ thờ ơ nhất cũng phải tìm đọc, không thể nén tò mò. 

Những tháng làm việc cuối cùng trên cương vị Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an nhân dân, nhà văn Hữu Ước viết tập 1 cuốn sách cuộc đời mình. Bìa nâu sẫm, 498 trang in, khổ 16 x 24cm, quyển 1: Sống, in số lượng lớn tháng 4-2015. Viết xong quyển 2: Lò lửa hơn một năm sau khi hoàn thành tập 1, nhà văn mới làm cuộc ra mắt sách, chủ yếu để gặp bạn bè thân hữu.

Ngoài chia sẻ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - người bạn, người em thân thiết và tâm tình của tác giả, sân khấu chủ yếu cho nhạc Hữu Ước. Từ NSND Thái Bảo, ca sỹ Vy Oanh, đào xẩm hàng đầu Mai Tuyết Hoa đều nhiệt huyết góp mặt. 

Hữu Ước cố ý không nói đến tác phẩm nhiều mà ông giới thiệu và chu đáo, hào phóng chuẩn bị những túi quà đựng thơ, sách, tiểu thuyết cho hàng trăm khách. Sẵn nền tảng mấy tờ báo, ANTV là “sân nhà”, lại có quan hệ rộng, uy tín hơn 40 năm cầm bút nhưng Hữu Ước không PR tác phẩm lên bệ phóng truyền thông. 

Đúng 1 năm sau ngày nghỉ hưu, đã mãn tang vợ - người ông chịu ơn và yêu thương mãi mãi, Hữu Ước mới chịu giới thiệu về Kiếp người, không nhằm hòa vào mốt thời thượng. Tôi may mắn được đọc Kiếp người trên bản thảo, bản in vi tính đánh máy từ những trang viết tay của nhà văn.

Không có sự rầm rĩ của báo chí, không chiêu trò lôi kéo, tự bản thân cuốn sách  là thỏi nam châm lớn. Suốt năm qua, tôi gặp nhiều người tên tuổi trong các giới, hễ nói chuyện về nghệ thuật đều hỏi nhau: “Đã đọc tiểu thuyết Hữu Ước chưa?”. 

NSND Hoàng Cúc đọc sâu từng trang viết, cùng tôi mong chờ tác giả đưa thêm từng chương bản thảo, không ngớt lời khen về kỹ thuật dựng tiểu thuyết tài tình, số phận của nhân vật, sự đa dạng trong tình tiết nhân vật và tài hoa trong miêu tả đối thoại của Kiếp người. Nói đến tiểu thuyết này và dự định nó sẽ thành phim, Hoàng Cúc tuổi 60 ấy bừng sáng, đôi mắt như có lửa. Còn tôi, tôi đã được xem bộ phim trên giấy.

Tư duy hình ảnh là biểu thị nổi trội của lối viết hiện đại, phản ánh năng lực tưởng tượng của nghệ sỹ. Văn chương hiện đại không chấp nhận lối viết dày đặc tính từ, tu từ cũ mòn và lối diễn ngôn lười biếng. Kiếp người được viết khi tác giả đã qua tuổi “lục thập nhi bất hoặc”, trải bao giông bão, thăng trầm, mất mát, khổ đau, vinh quang, danh vọng. 

Tích tụ cả đời để viết từ nước mắt với sức viết xứng danh Anh hùng lao động. Đây là tác phẩm mà nhà văn kể về chính đời mình. Nó lôi cuốn số đông độc giả, khởi đầu vì tò mò, náo nức. Tôi đã đọc tác phẩm này trong sự khổ nhọc hân hoan. 

Vốn ham đọc, việc đọc sách thâu đêm là thường nhưng điều ấy đã xa xỉ, đã thành bất khả, kể từ khi tôi làm mẹ. Thiên chức và nghĩa vụ choán của tôi nhiều thời gian, sức lực. Thế nên, cầm tập bản thảo theo thói quen xem từ dưới lên, đọc rút lõi, “ngửi” hơi văn thấy hay mà phải kìm chế, kiểm soát mình đọc vì thời gian eo hẹp, thật éo le. Các chương không đặt tên, đánh số theo thứ tự, song không thể nào đoán trước diễn biến.

Là tiểu thuyết đầu tay, nhưng Hữu Ước đã bộc lộ sự cao nghề rất tự nhiên. Tự nhiên bởi ông là tác giả sân khấu, biên kịch phim, điện ảnh hơn 20 năm trước. Ông tự tin, khoáng hoạt và dào dạt bút lực nhờ đa tài với khối lượng tác phẩm phong phú, vạm vỡ mà ở vốn sống tràn, chất liệu từ đời thực của bản thân và những gì chứng kiến. Quyền nhân chứng đã khiến ông tạo nên một tác phẩm hấp dẫn cao độ, chi tiết sống động. 

Thoại lúc triết lý, khi “lính tráng”, thật hơn sự thật, những miêu tả rất tinh tế và tinh quái, tình huống cuốn nhau liên tiếp, dồn dập các va chạm với lượng nhân vật khổng lồ, mà dù ở vai trò chính, thứ hay rất phụ đều không nhòa nhạt. Có cảm giác nhà văn đã lập sơ đồ và “điều binh” tài tình trong tâm thế tấn công, tự chủ. 

Chuyện về cuộc đời của phóng viên, nhà báo - nhà văn Thanh Hữu, nhân vật chính được nhà văn gọi là “hắn”, đại từ hay dùng cho nhân vật phản diện, quả là tấn trò đời. Với ký ức chân thành như tấm gương lớn soi thấu tận lòng người, bản chất, căn nguyên, Thanh Hữu là nhân vật cực kỳ đặc biệt. 

Một chàng trai nông thôn vào lính, cầm súng chiến đấu từ Trường Sơn sang Lào và suốt đời là một người lính với ý nghĩa tốt đẹp, căn cốt và cháy bỏng nhất của từ này. Thanh Hữu không khi nào bạc nhược, đầu hàng thử thách, hiểm nguy, bẫy hại. Anh lao động, khát khao đóng góp thành quả, tạo nên những dấu mốc không ai làm hoặc không thể làm, bắt chước. Lúc nghèo đói hay khi quyền chức, phong lưu, Thanh Hữu đều hào hiệp, nghĩa tình, sống quân tử, đàng hoàng và thông tuệ.

Sự đặc biệt trong số phận của Hữu Ước là hy hữu: ở Việt Nam chưa ai từng bị đi tù mà phấn đấu lên hàm Trung tướng như ông, nuôi dạy hai con ngoan ngoãn, du học châu  Âu và trở về là những cán bộ Nhà nước có năng lực. Đời Hữu Ước hơn cả tiểu thuyết và tiểu thuyết này chắc chắn là sách để đời của nhà văn. 

Rất nhiều người đã ví câu này, rất nhiều nhà văn, nhà thơ, biên kịch đã dùng vốn sống để đưa vào trang viết, xem đó là lợi điểm, lại là hạn chế khi quá lệ thuộc, khai thác nhiều sẽ hết vốn.

Thẳng thắn và trung thực, tôi ít thấy một cuốn tiểu thuyết nào gây ấn tượng mạnh đến thế. Những nghiệm sinh và tâm hồn nghệ sỹ nhạy cảm, đa tình, ắp niềm ham sống đã giúp Hữu Ước lập được nhiều “biên bản” về cuộc đời, về cuộc sống có giá trị tư liệu lịch sử. 

Hữu Ước với sự sành sỏi của nhà báo giỏi nghề, am tường mọi giai đoạn của quy trình làm báo mà còn truyền tỏa hứng say, những kinh nghiệm của nghề quyền lực mà nguy hiểm cho đồng nghiệp, đồng môn lớp sau. 

Tác phẩm này của Hữu Ước ngang tầm một công trình, luận án về làm báo, nghề báo chứ không đơn thuần mang tính tự sự. Bởi ông là nhân chứng, quyết liệt để có thành công từ ý chí, thử thách khốc liệt nhất cũng không gục ngã.

Hữu Ước đã và tiếp tục dựng được bộ phim Kiếp người về cuộc đời ông, về thời ông sống bằng sự quyến rũ của văn Hữu Ước càng gia tăng ở tập 2 và sẽ đẩy lên đỉnh cao khi ông xong tập 3 vào mùa thu năm nay.

Tôi bị khuất phục hoàn toàn với sự nể trọng lớn về trí nhớ, sức viết, nội lực, năng lượng của ông qua dung lượng, bối cảnh - ý tưởng tới những mối dựng (montage), chuyển cảnh tài tình trong cuốn phim đời mà xem đến đâu bị cuốn hút đến đấy. Tôi bị mâu thuẫn trong xúc cảm, vừa muốn đọc ngấu nghiến, vừa “ăn dè” vì sợ hết.

Ông đã xây dựng nhân vật quá hấp dẫn. Thanh Hữu là một trong những nhân vật nam hay nhất mà tôi được đọc bao năm qua. Chỉ tiếc, nhân vật này hơi đơn điệu ở mảng ái tình, vì chỉ yêu vợ, hay vì sự đời nghiệt ngã nhiều nên hắn phải căng não thường xuyên, đến mức ngại yêu?

Đọc hết tập 2 Kiếp người 275 trang bản thảo, tôi nhận ra sức mạnh nghệ thuật thật ghê gớm và phi giới tính. Khi một ca khúc, bản nhạc, bộ phim, bài thơ giàu sức lay động người xem, dù thưởng thức bằng bản năng cảm tính hay có nghề sành sỏi cũng sẽ có lúc rơi vào bối rối khi bị mê hoặc lẫn lộn. 

Không thể và không muốn phân định mình yêu chàng/ nàng diễn viên kia, hay yêu nhân vật họ đóng? Và với Kiếp người, tôi tin, không chỉ đàn bà mà đàn ông “chuẩn men” không thể không thốt lên thán phục. 

Tính chịu chơi, quảng giao, đa tài, dũng cảm, dấn thân và mãnh liệt sống, cá tính của Thanh Hữu thật đáng mê. Họ đọc kỹ, hình dung nối nhân vật sang tác giả và có quyền cho mình bí mật tương tư ám ảnh mà không cần công khai xác nhận: “Si tình Thanh Hữu hay mê mệt nhà văn?”.

Vi Thùy Linh
.
.
.