Nhà văn Hữu Ước: Chật chội dưới trời xanh...

Chủ Nhật, 02/02/2014, 10:07
Tôi không chắc Hữu Ước có phải là người quá may mắn hay không khi phải gồng gánh cái số phận khốc liệt mà vinh quang, anh hùng mà gian khó, thanh khiết mà bụi trần, hạnh phúc mà cũng bật máu vì số phận của anh.

Hữu Ước sở hữu một cuộc đời như một cuốn tiểu thuyết lịch sử nhiều chương. Chương nào cũng kịch tính bởi những biến động. Số phận bé nhỏ của ông nằm trong dòng chảy thời cuộc ấy, và ông là một trong những số phận điển hình ít nhiều có hàm chứa, ghi dấu những kịch tính của giai đoạn lịch sử. Tôi nói vậy không ngoa, bởi những ai đã từng sống, chiến đấu, làm việc và có thời gian trải nghiệm cùng ông trong cuộc đời, dù dài, hay vừa, nhiều hay ít thì cũng đủ để biết về đời ông.

1. Tôi chọn một khoảng lặng, một ngày bình thường, một thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới để ghé thăm ông, lắng nghe ông trò chuyện. Hữu Ước vẫn thế, kẻ sỹ giữa số đông, chất anh hùng lãng tử đậm đặc nổi bật trong bạn hữu. Ông đang say sưa rít thuốc lào và uống rượu với mấy người bạn nghệ sỹ mừng danh hiệu 40 năm tuổi Đảng. Có lẽ, đó là những lúc Hữu Ước thư giãn nhất, buông tuồng nhất, và cũng dễ thương nhất trong cái nhìn đầy nỗi thế sự song lại ấm áp bao dung với bạn hữu, với cuộc đời. Bữa rượu suông nào ở căn phòng nhỏ nơi ông gắn bó cả đời đèn bút ở 100 Yết Kiêu cũng nao nức khí thế.

Trong những ngày cuối năm Quý Tỵ này, Hữu Ước vừa vinh dự nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng. Có lẽ, sau những danh hiệu cao quý khác mà ông đã đạt được trong bước đường công danh của mình như AHLĐ cấp hàm Trung tướng, vị trí Tổng Biên tập của một tập đoàn báo chí lớn mạnh, Phó Tổng cục trưởng; hay những thành công trên văn đàn với bộ sưu tập những tác phẩm văn chương nhạc họa ghi dấu sức lao động khổng lồ, bền bỉ nhưng cũng đầy khổ hạnh của ông vì đam mê nghệ thuật; so với những danh xưng đầy kiêu hãnh ấy thì niềm vui lớn của ông tôi chứng kiến hôm nay thật đáng để cho tất cả các bậc hậu sinh như chúng tôi, những người lính của thủ trưởng Ước phải nặng lòng suy nghĩ. Cái huy hiệu đơn sơ, nhỏ bé, trên đó ghi dấu ông đã trải qua 40 năm tuổi Đảng trong 60 năm cuộc đời mình đã khiến cho ông quá xúc động.

Với một người lính, một chiến binh thực thụ, một người mà cả đời sống trong một lý tưởng trong sáng của cuộc trường chinh vạn dặm, 17 tuổi đã cầm súng đi chiến trường, 20 tuổi đã vinh dự tự hào được đứng trong hàng ngũ của Đảng thì không gì xúc động hơn khi đến cuối đời, ngoảnh lại 60 năm đã trôi qua, ông đã tuyệt đối đúng và tự hào với lý tưởng của mình. Đó cũng là một minh chứng tuyệt vời nhất, sống động nhất cho con đường ông đã đi, đã tới. Vinh dự cài lên ngực áo Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, tôi thấy Hữu Ước rưng rưng trong khoảng lặng của mình…

2. Một năm nữa trong chuỗi thời gian 2 năm nhiều biến động của Hữu Ước vừa trôi qua. Một chương mới lặng buồn trong cuốn tiểu thuyết đời khốc liệt. Hai năm với vui có, buồn có nhưng lớn hơn cả vẫn là sự mất mát khôn cùng trong đời riêng khi người vợ hiền yêu dấu của ông đột ngột ra đi, người đã cùng ông chia ngọt sẻ đau trong mấy chục năm kết nghĩa chồng vợ. Hữu Ước là vậy, tận cùng của đau khổ, tận cùng của mất mát, thì ông lại bật dậy mạnh mẽ như cây xương rồng đơn độc trên sa mạc cát, tự chắt lọc những giọt sương thanh khiết để lau vết thương, để gói ghém nỗi đau để gượng đứng lên, tiếp tục sống và chiến đấu. Có lẽ hai từ Chiến đấu luôn thường trực trong cõi phận của ông, và mệnh người anh hùng như ông thì gian nan là món nợ tiền kiếp phải trả trong cõi phận ấy.

Để có được vinh quang, để thành đạt, danh tiếng như hôm nay, ông phải trả giá biết bao máu và nước mắt. Nhưng so với những cú ngã lịch sử của số phận trong quá khứ của ông: ví như cú ngã năm ông 30 tuổi, một cú ngã đau mà ông đã đứng dậy, đã chiến đấu và giành lại những gì đã mất, đi đến được vinh quang. Thì cú ngã lần này số phận đã lấy đi của ông thứ quý giá nhất mà ông đành phải bất lực bó tay chấp nhận vì không có cách chi để chiến đấu, để giành giật lại. Và cũng chỉ đến lúc này ông mới thấm thía hình thù rõ rệt, trực diện của nỗi đau.

Trung tướng, nhà văn Hữu Ước đón nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.

Trong cơn đau khôn cùng ấy, Hữu Ước không gục ngã, không buông xuôi, không bi lụy. Có chăng chỉ là một nỗi u sầu rực rỡ, một nỗi đau câm được dồn nén trong tâm cảm, để đúng đến ngày giỗ đầu của vợ trong năm 2013, ông khai mạc một triển lãm tranh lớn, ra mắt một tập thơ mới là “Giọt thời gian” để dâng vợ, để trao trọn cho vợ trong nén hương tâm linh của người chồng khóc vợ mà để cho hậu thế cháu con bạn hữu cũng phải thốt lên hai chữ quá trân trọng. Trong nỗi buồn đau mất mát ngày một sâu hơn, cụ thể hơn, rõ rệt hơn, Hữu Ước tiếp tục lao động sáng tạo, ra mắt đĩa nhạc chọn lọc, ra mắt toàn bộ những tác phẩm hội họa của ông in thành sách để làm quà cưới cho con trai duy nhất của mình trong những tháng cuối năm vừa rồi. Hẳn sau tất cả những gì Hữu Ước đã làm trong hai năm vừa qua, điều quan trọng với ông nhất là linh hồn của vợ ông trên cao xanh kia sẽ ấm áp thỏa nguyện mỉm cười. 

3. Căn phòng nhỏ của ông ở 100 Yết Kiêu chiều cuối năm, nơi ông vẫn trung thành suốt mấy chục năm qua làm một Tổng Biên tập “thét ra lửa” nhưng lại vô cùng giản dị đơn sơ, đời thường khi ngập lút trên bàn làm việc là băng đĩa, báo chí, là sặc mùi sơn dầu và ngổn ngang cọ vẽ. Hữu Ước ngồi lặng lẽ bên bản thảo những bài thơ vừa viết. Sau sự đam mê kiệt cùng trên những tấm toan trắng, lên đồng với những hình khối và màu sắc, hối hả trút lên đó bao khát vọng bao lý tưởng của một người đàn ông luôn cảm thấy chật chội dưới gầm trời xanh, thì thơ mới là khoảng lặng lớn nhất của Hữu Ước. Thơ mới chính là người tri âm tri kỷ sót cuối còn lại sau cuộc tàn rượu, còn lại sau cùng trong đám bạn hữu, kiên nhẫn ở lại với ông, lắng nghe ông, và mở ra cái thăm thẳm vô biên của cõi lòng để cho Hữu Ước trút vơi bầu tâm sự. Cầm trên tay bài thơ mới của ông vừa viết trong xuân Giáp Ngọ này, tôi tin ai đó khi đọc những câu thơ đau này, khó để lòng mình không rơi lệ. “Cây bàng nhà mình đã hai mùa lá/ Thời gian trôi đi hai mùa xuân/ Và cũng hai năm em Tết không về…"

Đọc bài thơ “Hai Tết em không về, trong xuân Giáp Ngọ này, lại nhớ tới bài thơ cũ Hữu Ước viết trong dịp Tết Quý Tỵ, cái Tết đầu tiên ông mất đi người vợ hiền: “Không đào/ Không mai/ Không cả cánh hoa khô/ Chỉ có tranh vẽ treo tường đớn đau rỉ máu/ Bàn thờ/ Những cây nhang run rẩy/ Đôi mắt ai nhòa khói hương..."

Có lẽ sẽ không vui khi đón xuân vui Tết, tôi lại viết những dòng trầm trong khoảng lặng của đời ông. Nhưng làm sao để tránh được cõi phận. Người đàn ông luôn có cảm giác chật chội dưới gầm trời xanh, luôn cấu xé mình ra, nung đốt mình tan chảy trong cõi sống với đủ tâm thế ái nộ, yêu ghét đến tận cùng. Nhưng đằng sau những hỉ nộ, ái ố đó, trên tất cả vẫn là tấm lòng rộng của một kẻ sỹ quân tử, hào sảng… Những ngày tháng này, Hữu Ước thấm thía một cõi buồn khi tập sống phần đời đơn lẻ. Cái bài tập nghiệt ngã cuối đời mà ông buộc phải trần trụi đối diện. Tập dần với phần đời đơn lẻ. Tập dần với nỗi chông chênh khi chỉ còn lại một mình trong cõi thế. Tập đối diện với giọt đắng, giọt cay, giọt buồn, giọt đau của cõi phận mình như một lần nữa ông buộc phải đi qua con đường đời nhiều gai nhọn, chấp nhận đặt bàn chân là chấp nhận tứa máu. Nhưng dẫu thế nào thì tôi và nhiều người nữa từng biết ông vẫn tuyệt đối một niềm tin rằng, với Hữu Ước thì “Chết đến tận cùng cũng không chết được/ Trên đỉnh núi kia lại nảy một bông hồng" (Thơ Nêruđa). 

                                   Hữu Ước 
                                            Hai Tết em không về

                                                       (Nén hương viếng hương hồn vợ)

Cây bàng nhà mình đã hai mùa lá
Thời gian trôi đi hai mùa xuân
Và cũng hai năm em Tết không về
Anh nhìn mảnh sân nhỏ nơi em hay đứng
Cây dong riềng úa lá tự bao giờ
Giường rộng quá và đêm dài quá
Bóng tối thì dầy chẳng thấy tiếng em… 

Từ ngày em không về ngôi nhà linh thiêng
Anh tập phần đời đơn lẻ
Giọt đau
           Giọt buồn
                              Giọt đắng
                                           Giọt cay
Nước mắt trộn cơm canh anh vừa lùa vừa húp
Nhưng vẫn phải nói cười
Như giọt nước trôi qua bao mùa mưa bão
Bây giờ anh hiểu
Con người sinh ra chỉ khóc không cười
Cám ơn bậc tiền nhân đã nói
“Một ngày dài hơn cả trăm năm”.

                                                            01/01/2014

L.T.T.B.
.
.
.