Nhớ họa sĩ Trần Khánh Chương – Chủ tịch lâu năm nhất của Hội Mỹ thuật Việt Nam
- Họa sĩ Trần Thế Vĩnh: Vẽ để tri ân
- Họa sĩ Trần Lưu Hậu - Lặng lẽ độc hành qua cõi sắc màu
- Họa sĩ Trần Lưu Hậu: Vẽ là một đạo sống
- Họa sĩ Trần Lưu Hậu: Để lại đôi bờ những lớp phù sa…
Nhớ về họa sĩ Trần Khánh Chương, họa sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ: Họa sĩ Trần Khánh Chương bắt đầu về công tác tại Hội Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1984 và xác định gắn bó lâu dài với hội nghề nghiệp. Ông từng làm Chánh Văn phòng rồi Phó Tổng thư ký rồi Tổng thư ký, Chủ tịch của Hội trong 4 nhiệm kỳ liên tục.
Trong 20 năm, từ năm 1999 đến năm 2019, ông đã chứng kiến rất nhiều sự đổi thay của Mỹ thuật Việt Nam và cũng là người có rất nhiều cống hiến cho nền Mỹ thuật nước nhà. Rất nhiều năm trước, các hoạt động mỹ thuật đều tập trung ở 2 đô thị lớn là Hà Nôi và TP HCM.
Nhiều nơi, nhất là các địa phương như như Lai Châu, Cà Mau, Kiên Giang, Hà Giang… còn là “vùng trắng” của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Đây là các địa phương làm nghệ thuật vô cùng khó.
Làm thế nào để hoạt động mỹ thuật không chỉ bó gọn trong 2 đô thị lớn nhất là Hà Nội và TP HCM mà vươn xa đến tất cả các vùng miền trên các tỉnh thành cả nước là một thách thức lớn của người làm công tác Hội.
Vì vậy, từ năm 1996, triển lãm khu vực đã được Hội triển khai thực hiện nhằm kích thích và đồng hành nhiều hơn đối với các nghệ sĩ mỹ thuật trên cả nước. Nhưng ngày ấy, triển lãm còn mang tính thử nghiệm.
Sau nhiều nỗ lực, đến nay, triển lãm được duy trì hàng năm, ngày càng mở rộng quy mô, được tổ chức ở nhiều khu vực khác nhau trên cả nước vào tháng 8 hàng năm, như là một trong những hoạt động không thể thiếu của giới mỹ thuật nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh mùng 2-9.
Với vai trò người đứng đầu Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Trần Khánh Chương đã có đóng góp rất lớn trong việc tạo ra mặt bằng mỹ thuật rộng hơn trên cả nước, tạo điều kiện để các họa sĩ được sống và làm việc tại chỗ, không phải tập trung về các thành phố lớn mà vẫn hoạt động sáng tạo hiệu quả, phát triển chuyên môn.
Qua các triển lãm khu vực, họa sĩ các địa phương được tạo điều kiện thuận lợi hơn trong sáng tạo, phát triển nghề nghiệp. Có những người là thầy giáo dạy vẽ ở các trường phổ thông rất khó khăn về điều kiện sáng tác, nhưng cùng với sự hỗ trợ của Hội, họ đã “bắt nhịp” được với đời sống hội họa, có những tác phẩm được đánh giá cao khi gửi về tham gia các triển lãm khu vực hằng năm.
Họa sĩ Trần Khánh Chương lúc sinh thời. |
“Trong 4 nhiệm kỳ liên tiếp, họa sĩ Trần Khánh Chương đã tạo được cách thức hoạt động đa dạng, đồng hành cùng các nghệ sĩ Mỹ thuật thay đổi và tự tin hơn trong thay đổi, phát triển hoạt động sáng tạo của bản thân.
Trong các chuyến đi thực tế, từ các khu công nghiệp, vùng nông thôn mới đến hải đảo, các lực lượng vũ trang…, bên cạnh các họa sĩ lớn tuổi, họa sĩ Trần Khánh Chương đã rất quan tâm tạo điều kiện cho các họa sĩ trẻ, vùng khó khăn đi thực tế để có tác phẩm tốt.
Làm thế nào để tạo điều kiện tốt nhất cho họ trong hoạt động sáng tạo, phát triển chuyên môn cùng lúc cho nhiều thế hệ không dễ vì mỗi thế hệ có những đặc điểm riêng. Nhưng họa sĩ Trần Khánh Chương đã làm được. Có được những thay đổi của Mỹ thuật Việt Nam trong 2 thập kỷ qua không thể không nhắc đến những đóng góp của ông.” Họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhấn mạnh.
Chia sẻ về họa sĩ Trần Khánh Chương, họa sĩ Thành Chương bùi ngùi nhớ lại: :Tôi với họa sĩ Trần Khánh Chương là bạn bè gắn bó lâu năm. Chúng tôi vừa hoạt động sáng tác, vừa cùng làm việc nhiều năm trong Ban chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Dưới góc độ con người thì anh là người nhiệt tình, cởi mở với mọi người. Về góc độ công việc, anh là một trong những người tiên phong hàng đầu trên mặt trận văn hóa, văn nghệ của Đảng. Suốt cả một đời, anh chiến đấu trên mặt trận văn hóa văn nghệ của Đảng, là chiến sĩ tiên phong xuất sắc.
Riêng về làm phong trào trong Mỹ thuật thì không ai có thể hơn anh. Những năm anh làm Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, phong trào hoạt động Mỹ thuật phát triển khắp từ Nam chí Bắc.
Dịp triển lãm khu vực mỗi năm đều như ngày hội của giới mỹ thuật cả nước. Nếu bây giờ cần tìm một người như anh về làm phong trào trong giới Mỹ thuật thì không có ai hơn anh. Anh ra đi là mất mát lớn cho hoạt động phong trào Mỹ thuật cả nước...”.
Họa sĩ Trần Khánh Chương sinh ngày 14/8/1943 tại xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông tốt nghiệp Trường Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, khoa gốm, khóa 1959-1963; sau đó, ông làm thực tập sinh về đồ gốm sứ tại Trung Quốc 1968-1970.
Ông tốt nghiệp khoa hội họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1975, trở thành hội viên của hội từ năm 1978. Ông là chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam trong 4 khóa liền, từ 1999 đến 2019; Đại biểu Quốc hội - Ủy viên Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh Thiếu niên Nhi đồng khóa XI (2002 - 2007); Phó chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam khoá VI và khóa VII (2000 - 2010) và khóa IX (2016 - 2021); Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương (từ năm 2002 đến năm 2015); Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam khóa III (2003 - 2008)…
Với những cống hiến không ngừng nghỉ, họa sĩ Trần Khánh Chương đã vinh dự được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007. Ngoài ra, ông từng nhận Giải thưởng chính thức Triển lãm Đồ hoạ Quốc tế “Integraphic 1984”; Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam và Giải thưởng ngành Phê bình Mỹ thuật; Huy chương Vàng Triển lãm Thủ công Mỹ nghệ toàn quốc; Huy chương Bạc Sách hay - Giải thưởng Sách Việt Nam; Tặng thưởng công trình Lý luận Phê bình VHNT của Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương; Huân chương Kháng chiến hạng III; Huân chương lao động hạng Nhất; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Huân chương Hữu nghị của nước CHND Lào; Huy chương Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp tư tưởng văn hóa…
Ông từ trần vào 17h29 phút ngày 19/4 tại Hà Nội, hưởng thọ 78 tuổi. Tang lễ được tổ chức vào sáng ngày 24/4 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Ông được hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, an táng tại Nghĩa trang Lạc Hồng viên, Kỳ Sơn, Hòa Bình.