Nhiều trở ngại trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản qua không gian số
- Ứng xử thế nào với di sản văn hóa?
- Quy định mới về quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới
- Hiến kế để di sản văn hóa có thể phát triển bền vững
Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản, việc số hóa tư liệu, hiện vật, hỗ trợ người dân và du khách có được những giây phút khám phá, thưởng lãm thú vị thông qua các không gian số (không gian ảo) là giải pháp được hàng loạt đơn vị quản lý, nghiên cứu di sản chọn lựa, mang lại những hiệu ứng tích cực. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, việc phát huy di sản văn hóa qua không gian ảo còn nhiều vấn đề cần phải bàn.
Theo TS Từ Mạnh Lương, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì hiện nay cả nước có 156 bảo tàng (124 bảo tàng công lập và 32 bảo tàng ngoài công lập) lưu giữ và trưng bày gần 3 triệu tài liệu hiện vật; 118 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia.
Đến nay, hệ thống bảo tàng đã xác lập được vị thế của mình trong hệ thống thiết chế văn hóa, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước giao cho trong công tác giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức tôn vinh bản sắc dân tộc, phổ biến kiến thức khoa học, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, trở thành những điểm đến hấp dẫn trực tiếp góp phần phát triển du lịch.
Các bảo tàng ảo dành cho công chúng tham quan trực tuyến, các hình ảnh 3D của hiện vật, công nghệ thuyết minh tự động, tự dịch ra các ngôn ngữ khác nhau, thậm chí có thể tự trả lời, tương tác với công chúng tham quan bảo tàng.
Công nghệ quét và in 3D được sử dụng để phục chế, nhân bản, sản xuất các hiện vật, di sản cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau từ trưng bày, nghiên cứu, hay bán hàng lưu niệm. Hình thành dữ liệu số hóa về di sản văn hóa sẽ làm thay đổi trong việc bảo tồn, phát huy, quảng bá di sản trong tương lai bằng IoT.
Các hiện vật hoặc di sản được gắn các chip cảm ứng để thu thập thông tin liên tục về tình trạng hiện vật và di sản, giúp hoạt động quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản hiệu quả hơn.
Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Cường, cán bộ nghiên cứu của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cũng chỉ ra rằng, trong lĩnh vực di sản văn hóa, việc ứng dụng các sản phẩm khoa học công nghệ để bảo tồn, quảng bá giá những trị của di sản văn hóa đang được chú trọng phát triển.
Nhờ công nghệ số, tư liệu, hình ảnh về cầu Long Biên được Trung tâm Lưu trữ quốc gia phổ biến rộng rãi mà vẫn đảm bảo an toàn cho hiện vật gốc. |
Ở một số điểm di sản như Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, Bảo tàng Điêu khắc Chămpa - Đà Nẵng, Bảo tàng Hải dương học - Khánh Hòa, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh -TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật - TP Hồ Chí Minh, Dinh Độc Lập, Văn Miếu - Quốc Tử Giám… đã ứng dụng thuyết minh tự động (Audio Guide) với nhiều ngôn ngữ khác nhau trên cơ sở kết nối tai nghe với bộ định vị cài sẵn ở các địa điểm cần thuyết minh của di sản.
Chương trình ứng dụng phần mềm thuyết minh tự động của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã cho phép tất cả mọi người có thể khám phá Hoàng Thành Thăng Long bằng thiết bị điện thoại thông minh kết nối Internet từ kho ứng dụng App Store.
Nội dung thuyết minh di sản được thể hiện dưới hình thức văn bản, hình ảnh tĩnh và động. Ứng dụng trên không chỉ khắc phục được những hạn chế của loại hình Audio Guide, mà còn có thể giúp cho khách tham quan nắm bắt được thông tin về thời gian mở cửa, địa điểm tham quan, giá vé, gửi phản hồi của mình đến nhà quản lý để kịp thời bổ sung, điều chỉnh, xây dựng các sản phẩm dịch vụ chất lượng hơn.
Nhà nghiên cứu tại Huế, ông Trần Văn Dũng cũng cho hay, tại hệ thống di sản Phủ Đệ của triều Nguyễn ở Huế, việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số góp phần quản lý và bảo tồn di sản đang là giải pháp tích cực kịp thời nhằm bảo vệ hệ thống di sản này.
Trong đó, công tác số hóa tài liệu Hán - Nôm tại các phủ đệ nhằm lưu giữ những văn bản gốc, phục vụ công tác nghiên cứu, giúp kết nối thông điệp giữa quá khứ và hiện tại, vừa bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử đậm nét văn hóa cung đình, tái hiện về đời sống sinh hoạt của các ông hoàng, bà chúa triều Nguyễn xưa, giúp các điểm tham quan hấp dẫn đông đảo du khách.
Tại Cung An Định, công trình kiến trúc độc đáo của triều Nguyễn, gần 100 tư liệu hình ảnh cùng các công cụ hỗ trợ (bản vẽ, sa bàn, mô hình bằng nghệ thuật xếp giấy Kirigami, thiết bị trình chiếu 3D), đặc biệt là ứng dụng thử nghiệm khám phá di tích bằng công nghệ QR code và hình ảnh 360 độ đã mang đến cho công chúng những hiểu biết, khám phá mới về di tích.
Công tác quản lý, bảo tồn tại khu vực di sản Huế thông qua ứng dụng bản đồ thông tin địa lý (GIS) đang được chú trọng và phát triển đảm bảo tính khoa học và bền vững.
Bản đồ GIS điểm di sản, sẽ tích hợp và triển khai có hiệu quả hơn nữa việc quản lý di sản, đáp ứng các yêu cầu của UNESCO và là một công cụ để giám sát việc quản lý, bảo tồn di sản văn hóa, khai thác và phát triển tiềm năng kinh tế du lịch một cách bền vững tại khu vực di sản Huế.
Về di sản văn hóa phi vật thể được số hóa, GS.TS Nguyễn Chí Bền, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho hay, Viện đang có ngân hàng dữ liệu về di sản văn hóa phi vật thể của 54 dân tộc ở Việt Nam.
Từ năm 1997 đến năm 2008, Viện đã thực hiện 229 dự án. Ngoài ra, Viện Âm nhạc thuộc Học viện Âm nhạc quốc gia đã thực hiện 18 dự án, 64 tỉnh/thành phố đã thực hiện hơn 640 dự án sưu tầm, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể.
Từ năm 2004 đến nay, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã xây dựng hồ sơ quốc gia về nhiều di sản văn hóa phi vật thể của đất nước, được UNESCO thông qua. Việc xây dựng hồ sơ này không thể hoàn thành nếu không có vai trò to lớn, rất lớn của Ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể nói trên.
Như vậy, cả dữ liệu lẫn cách xử lý dữ liệu của cán bộ của Viện đều đáp ứng được chuẩn mực của một tổ chức quốc tế. Kho dữ liệu di sản văn hóa có giá trị cả về văn hóa lẫn kinh tế và công nghệ thông tin. Nhưng xử lý hệ thống dữ liệu ấy theo tiêu chuẩn, yêu cầu của khoa học dữ liệu, phục vụ cho cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 thì còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết.
Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Cường cho rằng việc nhận thức và ứng xử đối với di sản văn hóa trong thời công nghệ số còn đang còn nhiều vấn đề. Sự tụt hậu kiến thức công nghệ, phụ thuộc quá lớn vào công nghệ, khi tiếp cận theo hướng không gian ảo cũng làm thay đổi cách nhìn nhận không trung thực về di sản văn hóa là nguy cơ cần cảnh báo.
Tình trạng có những di vật, cổ vật, hoặc những công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị khi được phục dựng trên không gian ảo 3D không đúng với nguyên mẫu… có thể làm cho người xem có cái nhìn thiên lệch về di sản. Nếu ứng dụng những sản phẩm trên để phục dựng ngoài đời thực sẽ làm méo mó những giá trị của sản…
Thời gian tới, sẽ còn nảy sinh những thách thức khác trong việc ứng dụng công nghệ trong bảo tồn, phát huy di sản. Để vượt qua các thách thức này, cần có nhiều nhóm giải pháp đồng bộ về cơ chế chính sách, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nguồn lực về tài chính.