Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19:

Nhiều kỳ vọng về một bức tranh toàn cảnh điện ảnh

Thứ Tư, 02/12/2015, 10:00
Ngày 1-12, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19 chính thức khai mạc tại TP Hồ Chí Minh. Có sự tham gia của gần 1.000 đại biểu là các nghệ sĩ, nhà sản xuất, phát hành, tổ chức điện ảnh, 125 bộ phim các loại, đây cũng là liên hoan có quy mô lớn nhất trong lịch sử Liên hoan phim Việt Nam.

Với chủ đề “Điện ảnh Việt Nam: Dân tộc, nhân văn, sáng tạo, hội nhập”, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19 diễn ra tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 1-12 đến 5-12. Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Điện ảnh, bà Ngô Phương Lan, không khí Liên hoan đã “nóng” lên từ nhiều ngày trước thông qua các tuần phim Việt Nam tại các địa phương. Đối lập với sự thiếu vắng khán giả thực sự của một số mùa liên hoan trước đó, tại liên hoan phim lần này, công chúng đến với liên hoan phim nhiều hơn, thậm chí có những buổi chiếu phim quá tải.

Khán giả phải xếp hàng nhiều giờ đồng hồ mới có được vé xem phim và các phòng chiếu không còn chỗ trống. Để đáp ứng nhu cầu của khán giả, thay vì tổ chức công chiếu phim tại 4 điểm rạp như kế hoạch, Ban tổ chức đã quyết định tăng thêm 1 điểm chiếu và phòng chiếu này cũng sẽ phục vụ liên tục trong suốt liên hoan phim.

Ngay trước lễ khai mạc Liên hoan, buổi sáng cùng ngày, triển lãm “Điện ảnh Việt Nam đồng hành cùng đất nước” được Cục Điện ảnh phối hợp với Viện Phim Việt Nam đã diễn ra tại Nhà hát TP Hồ Chí Minh. Triển lãm giới thiệu trên 200 hình ảnh về những sự kiện, con người, tác phẩm tiêu biểu góp phần làm nên diện mạo điện ảnh nước nhà hơn 60 năm qua, cũng như những đóng góp của điện ảnh đối với lịch sử dân tộc, nhất là từ sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng đến nay.

“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” – tác phẩm dự Liên hoan mang dấu ấn của cả nhà sản xuất tư nhân và nhà nước.

Tại triển lãm, người xem có dịp tìm hiểu về điện ảnh Việt Nam thời kỳ trước kháng chiến: điện ảnh Bưng biền Nam Bộ từ những năm 1947 – 1953, điện ảnh Đồi Cọ. Khu vực trưng bày về điện ảnh Việt Nam thời kỳ kháng chiến từ 1953 đến 1975 khiến người xem xúc động không chỉ bởi những tấm áp phích, những hình ảnh kỷ vật đã ngả màu mà còn bởi 163 liệt sĩ ngành Điện ảnh đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Rất nhiều hình ảnh, thông tin, tư liệu tóm tắt về các sự kiện điện ảnh nổi bật, của Liên hoan phim Việt Nam qua các đợt tổ chức và chân dung nghệ sĩ điện ảnh được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cũng được giới thiệu đến người dân và du khách thành phố.

Thực tế, với 20 phim truyện điện ảnh, 6 phim truyện video, 6 phim tài liệu nhựa, 27 phim tài liệu video, 10 phim khoa học, 23 phim hoạt hình của 41 nhà sản xuất phim gửi về tham gia, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19 đã mờ dần ranh giới khu biệt sản phẩm điện ảnh của tư nhân và đơn vị công lập. Thể loại phim truyện điện ảnh – “khu vực” được quan tâm nhiều nhất tại Liên hoan phim, các đơn vị sản xuất tư nhân đã không chỉ “đóng đinh” với các sản phẩm nghiêng hẳn về tính giải trí và các đơn vị sản xuất phim công lập cũng không nhất định gắn với các tác phẩm điện ảnh bị mặc định là nặng tính tuyên truyền. Có lẽ, đây cũng là một trong số những lần tổ chức hiếm hoi từ trước đến nay, ban tổ chức mạnh dạn từ chối các tác phẩm không phù hợp với tiêu chí của Liên hoan phim.

Thông tin từ Ban tổ chức, đã có 5 tác phẩm của cả tư nhân lẫn công lập bị loại. Số lượng phim dự thi tăng cao, cũng như động thái này của Ban tổ chức - nói như chia sẻ của Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan, là tín hiệu thực sự đáng mừng cho điện ảnh Việt. Điều này cũng đồng nghĩa Liên hoan sẽ phản ánh được bức tranh toàn cảnh của điện ảnh Việt, đúng như phần nào sự kỳ vọng về giải thưởng điện ảnh mang tầm quốc gia.

Không chỉ hướng đến sự bao quát cho được diện mạo điện ảnh hiện tại, việc Ban tổ chức khẳng định Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19 không nhất thiết trao tất cả các giải thưởng như đã đề ra, nhất là đối với các thể loại có dưới 10 tác phẩm tham dự đã ít nhiều hạn chế tâm lý về các “cơn mưa” giải thưởng của các Liên hoan.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Luân Kim, Chủ tịch Ban giám khảo phim tài liệu – khoa học cũng chia sẻ rằng, rất khó nếu không muốn nói là không có trường hợp 2 tác phẩm cùng đoạt giải vàng. Quy trình chấm giải năm nay cũng được tổ chức chặt chẽ, kỹ càng. Các thành viên trong mỗi Ban giám khảo đều có quá trình thẩm định độc lập, sau đó tất cả cùng ngồi lại thảo luận về những điểm mạnh, điểm yếu, cái được và hạn chế của từng tác phẩm. Từng người chấm điểm, cho vào phong bì dán kín rồi mới chuyển về Ban tổ chức. Việc đưa các giám khảo trẻ, có chuyên môn về điện ảnh vào các Ban giám khảo là sự đổi mới tích cực nhằm trẻ hóa và thu gần khoảng cách hơn giữa các thế hệ. Đây cũng là động thái tích cực từ Ban tổ chức. Tuy nhiên, để tạo nên thành công của Liên hoan, góp phần thúc đẩy điện ảnh Việt Nam phát triển, ngoài sự nỗ lực của Ban tổ chức sẽ luôn cần sự quan tâm đồng hành của tất cả những người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, kể cả sự chung tay của nhiều ngành, đặc biệt là giới truyền thông…

N.Nguyễn
.
.
.