Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: Vọng mãi những dư âm

Thứ Bảy, 28/12/2019, 09:04
Sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý trút hơi thở cuối cùng vào lúc 17h15 ngày 26-12 tại tư gia trên đường Trần Khắc Chân, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Về cõi vĩnh hằng ở tuổi 94, ông để lại cho đời dư âm những nhạc phẩm bất hủ đậm tình quê hương non nước...

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là một trong những “cây đại thụ” của nền âm nhạc Việt Nam, cùng thời với thế hệ nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Tô Vũ, Phạm Duy... Ông là một trong năm nhạc sĩ đầu tiên, cùng Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Hàng loạt ca khúc nổi tiếng của ông như: “Dư âm”, “Mẹ yêu con”, “Dáng đứng Bến Tre”, “Bài ca năm tấn”, “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”, “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”, “Cô đi nuôi dạy trẻ”...  làm mê đắm công chúng nhiều thế hệ.

Sinh ra tại Vinh, Nghệ An nhưng nguyên quán nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý lại ở Vĩnh Phúc. Cha ông vốn thạo hát Văn, hát Chèo, hát Ả Đào. Ngày bé, Nguyễn Văn Tý học ở trường Quốc học Vinh và được một giáo viên người Pháp dạy một số bài hát. Khi tham gia dàn nhạc nhà thờ hát Thánh ca, ông được học nhạc lý cơ bản. Từ đó, cậu bé có căn bản để tập tành chơi guitar do một ông thầy người Hoa dạy.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.

Năm 1945, Nguyễn Văn Tý tham gia phong trào Việt Minh, sáng lập và xây dựng đoàn kịch thơ, kịch nói của Thanh niên Cứu quốc Nghệ An. Sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Văn Tý bắt đầu năm 1947 khi ông là Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền huyện Thanh Chương. Sau đó, ông nhận nhiệm vụ đi xây dựng Đoàn Văn công của Sư đoàn 304. Đây chính là thời điểm “Dư âm” – một ca khúc nổi tiếng viết về tình yêu đôi lứa của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, ra đời.

Đến tận bây giờ, bản nhạc đó vẫn làm đắm say bao người bởi lời ca đẹp đến vô ngần: “Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ/ Không gian trầm lắng như âu yếm ru ai trong giấc mơ/ Mái tóc nhẹ rung, trăng vờn làn gió/ Yêu ai anh nắn cung đàn đầy vơi đôi mắt xa vời…”.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý còn được mệnh danh là nhạc sĩ chuyên trị “tỉnh ca”. Sinh thời, bước chân ông rong ruổi từ Bắc đến Nam, và dường như nơi nào có bàn chân người nhạc sĩ lãng tử ấy đặt đến, nơi đó sẽ đi vào bản nhạc sống mãi với thời gian. Ông hòa mình vào đời sống cần lao của người dân Điện Biên, Hưng Yên, Thái Bình... Những vùng đất mến yêu này đã cho ra đời bao nhạc phẩm như “Tiếng hát bản Mèo” (1958), “Chim hót trên đồng đay” (1963), “Dòng nước quê hương” (1963), “Tiễn anh lên đường” (1964), “Bài ca năm tấn” (1967).

Cuối năm 1972, Mỹ trở lại đánh phá Miền Bắc dữ dội bằng bom B-52. Trong đợt đến thăm Hà Bắc, nhạc sĩ gặp một bà mẹ đang ngồi vá áo bộ đội. Dưới ngọn đèn dầu leo lét, bé như đốm sáng đom đóm, bà mẹ già nheo đôi mắt, bàn tay chai sần vá vội manh áo rách cho bộ đội kịp giờ hành quân. Ngồi lặng lẽ nhìn bà mẹ từ phía sau lưng, nhạc sĩ cứ ngỡ như dáng mẹ mình đang cặm cụi vá áo cho con.

Sau này, nhớ lại kỉ niệm ấy, nước mắt ông lại tràn. Tay ông run rẩy viết nên những khúc nhạc chứa chan bao tình cảm của một người con nhớ mẹ: “Tấm áo ấy bấy lâu nay con thường vẫn mặc/ Để nhớ ngày chúng con về Hà Bắc/ Quần nhau với giặc, áo con rách thêm/ Nên các mẹ già lại phải thức thâu đêm vá áo./ Tấm áo ấy bấy lâu nay con quý hơn cơm gạo/ Đời mẹ nghèo trong áo rách, áo rách nên thương…”.  “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” trở thành bài ca của lòng biết ơn vô hạn, thương tấm lòng bao la chở che cho bộ đội một thời lửa địch, bom thù của các bà, các mẹ.

Trong số các bài “tỉnh ca”, không ít sáng tác theo đơn đặt hàng nhưng hễ đặt ngòi bút, ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý không hề khiên cưỡng mà luôn có sức lôi cuốn diệu kỳ. Tiêu biểu nhất là “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, “Dáng đứng Bến Tre”, “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”...

Nhớ lại, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cười rung mái tóc bạc: “Ông Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh khi ấy cứ khen mãi, bảo: anh không phải là người Hà Tĩnh mà viết hay như vậy thì là người Hà Tĩnh chính hiệu rồi đấy”. Nhạc sĩ bảo rằng bí quyết thành công khi viết “tỉnh ca” chính là nắm được tinh thần, hồn cốt mỗi vùng đất mà mình đặt chân đến. Để làm được như thế, nhạc sĩ phải chịu khó tìm tòi, học hỏi, hiểu dân, gần dân. Những bài hát về Hà Tĩnh đúng “chất Nghệ” nhờ ông biết cách khai thác khéo léo âm hưởng dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh. Hay khi viết “Dáng đứng Bến Tre”, để bài hát ra cốt cách người Nam Bộ, ông mất đến 5 năm học làm… người Nam. Học từ cách ăn, cách nói, cách nghĩ và cả… cách nhậu!

Với những đóng góp to lớn cho nền âm nhạc Việt Nam, năm 2000, ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Cả một đời “tằm nhả tơ”, dâng hiến cho đời bao tuyệt phẩm, tuổi già, người nhạc sĩ tài hoa ấy lại sống trong cảnh bệnh tật, đơn chiếc. Mọi sinh hoạt của ông phải nhờ vào người giúp việc. Ông mắc nhiều bệnh tuổi già như viêm phổi, tiểu đường, cao huyết áp... Ba cơn tai biến quật ngã khiến lão nhạc sĩ phải gắn bó với chiếc xe lăn, cây nạng.

Đi lại khó khăn nên ông ít khi ra khỏi nhà. Thế nên ông thèm lắm tiếng người. Mỗi lần có khách đến chơi, ông mừng hớn hở như con trẻ, chuyện trò không biết mệt. Chi tiêu hằng ngày của ông phần lớn dựa vào lương hưu, tiền tác quyền và lòng hảo tâm của người hâm mộ... Báo Công an nhân dân cũng từng nhiều lần đến thăm hỏi và hỗ trợ nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.

Lễ viếng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý diễn ra trong hai ngày 27 và 28-12 tại Nhà tang lễ TP Hồ Chí Minh. Ngày 29-12, công chúng tiễn biệt người nhạc sĩ tài hoa về nơi yên nghỉ cuối cùng tại Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương.

Quỳnh Nga
.
.
.