Người nghệ sĩ 80 năm lưu giữ khoảnh khắc Thủ đô

Thứ Hai, 16/10/2017, 09:19
Ngay sau khi Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Lê Vượng được vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú, chúng tôi đã tìm đến thăm ông. Căn phòng nhỏ ông ở đã ngả màu thời gian được tạo điểm nhấn bằng những bức tranh nổi tiếng của danh họa Lê Phổ và những bức ảnh do chính ông bấm máy.

Ngay sau khi Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Lê Vượng được vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú, chúng tôi đã tìm đến thăm ông. Căn phòng nhỏ ông ở đã ngả màu thời gian được tạo điểm nhấn bằng những bức tranh nổi tiếng của danh họa Lê Phổ và những bức ảnh do chính ông bấm máy.

Ở tuổi 99 xưa nay hiếm, NSNA Lê Vượng vẫn còn khá minh mẫn nhưng đôi tai thì phải đeo máy trợ thính. Những câu chuyện mà ông và người con trai Lê Cường chia sẻ với tôi không chỉ gói gọn trong nghề nhiếp ảnh mà cả đời ông đam mê.

Bắt đầu cầm máy từ năm 18 tuổi, sau 3 cuốn phim chụp trong chuyến đi chơi xuyên Đông Dương không thành công, NSNA Lê Vượng bắt đầu trăn trở và say mê với nghệ thuật “vẽ” bằng ánh sáng. Từ đó, với chiếc máy ảnh trên tay, ông đã lang thang khắp Hà Nội để ghi lại nhịp sống, phong cảnh và kiến trúc của Thủ đô.

NSNA Lê Vượng xem lại những tấm ảnh mà ông tâm đắc.

NSNA Lê Vượng chia sẻ, công việc đi săn tìm những bức ảnh nghệ thuật không phải là những cuộc rong chơi mà đòi hỏi người nghệ sĩ phải làm việc nghiêm túc, khoa học. Với ông, để ghi lại được một khoảnh khắc đẹp tại một nơi nào đó, có khi phải mất cả tuần, cả tháng, đi lại nhiều lần vào nhiều thời điểm khác nhau.

Trước khi chụp ảnh, ông thường suy nghĩ, ngắm khuôn hình rất lâu và khi đã bắt được khoảnh khắc quan trọng thì bấm máy liên tục để kịp thời lưu giữ được trọn vẹn cái hồn cốt của con người, cảnh vật.

Một đời gắn bó với nhiếp ảnh, ông đã gặt hái được nhiều thành công, nhận được nhiều giải thưởng nhiếp ảnh danh giá trong nước và quốc tế như: Giải thưởng Bifota của Đức; giải ACCU của Nhật; Huy chương Bạc FIAP năm 1996… Giải thưởng Lớn – Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2016 được trao cho NSNA Lê Vượng là minh chứng cho những đóng góp, tâm huyết của ông với Thủ đô Hà Nội, nơi mà theo gia phả, các thế hệ tổ tiên ông đã sống và lập nghiệp gần 600 năm.

Ít người biết rằng, từ trước Cách mạng Tháng 8-1945, NSNA Lê Vượng và những người thân trong gia đình ông đã hết lòng giúp đỡ cán bộ Việt Minh hoạt động ngay trong lòng Hà Nội. Tôi đọc trong cuốn “Nghệ thuật cải lương trên đất Bắc (1919-1954)” của tác giả Ngọc Văn, Viện Sân khấu, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh xuất bản năm 2000, có đoạn: “…Tháng 5-1945, tại sân khấu đoàn Tố Như rạp cải lương Hý viện (phố Hàng Bạc).

Đêm đó diễn tuồng Phụng Nghi Đình, đến lớp Đổng Trác hý Điêu Thuyền, thì trong tổ chức của cán bộ Thái Hy (tức Thái Hùng Tiến) phân công ông Lê Trường họa bản đồ đường lối trong rạp và phụ trách dẫn cán bộ trong tổ vào hậu trường. Soạn giả Sĩ Tiến phụ trách sân khấu, bố trí anh em công nhân hạ phông màn và bật tắt điện để cán bộ ra diễn thuyết…

Chấm dứt bài, ông Lê Trường đón dẫn cán bộ rút lui an toàn. Ông Lê Vượng đại diện đoàn Tố Như phụ trách đề phòng phía khán giả.

Ông Lê Cường chia sẻ: “Bố tôi vẫn kể lại rằng, khí thế cách mạng của Hà Nội lúc đó thật sôi động. Việt Minh rất cần vũ khí, bố tôi đã nhiều lần lái xe xuống Hải Phòng mua vũ khí ủng hộ Việt Minh. Đoàn Tố Như còn biểu diễn một số buổi lấy tiền ủng hộ quỹ kháng chiến. Việc làm của bố tôi và gia đình ngày ấy được cụ Huỳnh Thúc Kháng khen ngợi.

Một đêm biểu diễn, thân chinh cụ đã tới xem”. Sau ngày đất nước giành được độc lập, NSNA Lê Vượng cũng trải qua nhiều vị trí công tác nhưng ông thành công nhất với nghệ thuật nhiếp ảnh, bộ môn mà ông đã đam mê từ trước đó.

Người con trai Lê Cường chia sẻ thêm, dù từ lâu trên thị trường đã có máy ảnh rất hiện đại nhưng NSNA Lê Vượng vẫn chỉ dùng máy ảnh phim. Và chỉ cách đây 4 năm, năm ông 95 tuổi, sau lần mổ đại tràng, người NSNA tài hoa ấy mới không thể chụp ảnh được nữa.

Tuổi tác đã khiến ông phải dừng bước trước đam mê cháy bỏng. Tuy vậy, với gần 80 năm cầm máy, ông đã để lại một kho tư liệu đồ sộ về nghệ thuật nhiếp ảnh, góp phần lưu giữ cho thế hệ ngày nay và mai sau của Thủ đô những khoảnh khắc mà thời gian có thể cuốn trôi vào dĩ vãng.

Vũ Cảnh
.
.
.