NSND Tự Long, Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội:

Nghệ sĩ phải chịu nhiều sức ép khi làm hài Tết

Thứ Năm, 11/01/2018, 08:52
Dù là nghệ sĩ mặc áo lính nhưng đã rất nhiều năm, NSND Tự Long đã trở thành gương mặt hài ăn khách. Anh cùng với NSƯT Xuân Bắc luôn là đôi bạn diễn được chờ đợi, cả trên các chương trình truyền hình giải trí nổi tiếng lẫn nhiều sản phẩm hài khác mỗi dịp Tết đến xuân về. Tết năm 2018, với Tự Long cũng không là ngoại lệ.

Giữa bộn bề công việc cuối năm, tranh thủ trao đổi giữa những phút nghỉ trưa ngắn, anh đã cũng đã kịp chia sẻ với chúng tôi khá nhiều chuyện bên lề quanh công việc tưởng vui mà không kém phần vất vả khi mang tiếng cười đến với khán giả ngày xuân này.

Phóng viên: Năm nào anh cũng tham gia chương trình “Gặp nhau cuối năm” (Táo quân) và là một trong những nghệ sĩ được đông đảo khán giả yêu mến, chờ đợi. Dịp Tết năm 2018, anh sẽ mang tiếng cười cho khán giả qua những chương trình nào?

NSND Tự Long: Năm nay chúng tôi không có chương trình biểu diễn Tết. Chương trình “Táo quân” không phải là chương trình biểu diễn. “Táo quân” năm nào cũng có, chỉ có điều là mỗi năm có cách làm khác và nghệ sĩ mỗi năm có sự bận rộn riêng. Năm nay là 1 năm sẽ rất bận rộn. Còn 1 tháng  nữa là Tết mà đến bây giờ Ban tổ chức vẫn chưa triển khai. Dự kiến, cách Tết khoảng 20 ngày thì chúng tôi mới tập Táo. Năm nay Ban tổ chức đã dự định làm Táo sớm hơn vì những năm trước, chúng tôi thường phải tập liên tục, thức thâu đêm.

Thực ra “Táo quân” là một chương trình hài mang tính chất báo chí nhiều hơn. Báo chí hay quan tâm đến Táo nhưng có những năm xem Táo và so sánh với chương trình “12 con giáp”, nhiều người nhận xét, “12 con giáp” còn hay hơn. Đây cũng là chương trình mà tôi rất thích. Năm 2018, tôi còn tham gia Gala chào xuân, phát sóng vào mùng 2 Tết, chương trình Xuân phát tài…

NSND Tự Long, Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội.

Phóng viên: Diễn nhiều, diễn liên tục, anh có sợ hình ảnh của mình lặp lại một cách nhàm chán?

NSND Tự Long: Về cơ bản các nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ hài đều mong muốn làm mới mình. Chỉ có làm mới mình thì công chúng mới yêu quý mình hơn. Nghệ thuật lại luôn luôn đòi hỏi sự thay đổi. Đối với nghệ sĩ hài, sự thay đổi ấy phải mang tính chất liên tục. Hài giống như một món ăn mà khi người ta đã xem rồi thì không muốn ăn lại, xem lại nữa, trừ những sản phẩm quá đặc biệt.

Vì vậy các nghệ sĩ luôn luôn phải làm mới. Đây là sức ép rất lớn. Ví dụ, với Táo quân, đây là năm thứ 15 chương trình này được sản xuất và phát sóng, sức ép bao giờ cũng nhiều. Sức ép từ những người làm chương trình. Sức ép của công chúng.

Là nghệ sĩ, ai cũng mong muốn mình có tác phẩm hay, có hình ảnh đẹp, có tiểu phẩm duyên dáng, có vai diễn khiến công chúng nhớ lâu. Tuy nhiên  điều ấy còn phụ thuộc khá nhiều vào kịch bản và tình hình biến động của cả một năm. Có những cái biểu đạt được, có những cái khó có thể biểu đạt được. Khi làm Táo, chúng tôi luôn cố gắng như làm một  “tờ báo” sinh động nhất, ai đọc cũng có thể hiểu được, dễ nghe, dễ nhìn, dễ đi vào lòng người.

Không một “tờ báo” nào có thể tiếp cận khán giả một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất như Táo. Phải tổng kết lại suốt từ đầu năm những cái được, cái không được của tình hình kinh tế, chính trị, xã hội. Những biến động trong cả 1 năm rất nhiều. Táo quân bao giờ cũng phải cô đọng được tất cả những biến động ấy và làm được chương trình hay đến đâu còn phụ thuộc vào tình hình của năm ấy có cái gì hấp dẫn hay không.

Phóng viên: Với nghệ sĩ như anh, khán giả chờ đợi không chỉ là biểu diễn các chương trình truyền hình dịp Tết?

NSND Tự Long: Có rất nhiều công ty, nhà sản xuất kết hợp với mình sản xuất ra những chương trình trong dịp cuối năm nhưng có một cái khó là cuối năm, thời gian eo hẹp. Có cái khó nữa là nếu mọi người đều làm với tinh thần tổng kết cuối năm, phục vụ giải trí cuối năm thì dễ rơi vào tình trạng giống nhau về mặt format, hình thức thể hiện. Vì cái gì người ta cũng để tâm, để ý thể hiện vào Tết.

Thực ra, tôi và Xuân Bắc đã có chiến lược cho mình. Trước đây, chúng tôi ra mắt khán giả nhiều đĩa hài như “Không hề biết giận”, “Quan trường trường quan” hay “Cả ngố”. Thường thì 2 năm chúng tôi mới tổ chức sản xuất một lần song đến nay 3 năm vẫn chưa làm được vì bận quá. Nhưng hài kịch có cái hay là “cơm không ăn thì gạo còn đấy”.

Các công ty sản xuất thì năm nào cũng muốn làm nhưng làm như thế thì tần suất nhiều quá. Làm như thế thì khó có thể hay được. Năm nào cũng chạy theo nhà sản xuất thì đề tài sẽ cạn kiệt và không có thời gian để mình chuẩn bị một cách kỹ lưỡng. Chạy theo thị hiếu, theo thị trường thì cũng tốt vì giữ được hình ảnh, tiếp cận liên tục với khán giả.

Nhưng, thay vì chạy theo số lượng, mình vẫn có thể chiết xuất đi nhưng mỗi lần mình xuất hiện thì sẽ mang lại những cảm giác mới, sản phẩm có sự đầu tư tìm tòi kỹ. Vì vậy, trừ các chương trình thường niên như Táo quân, các chương trình mang tính chất giải trí, kết hợp với các công ty biểu diễn, hãng phim làm các seri hài…, chúng tôi đều xây dựng lộ trình riêng. Thậm chí, chúng tôi phải chuẩn bị cả 1 năm trời cho 1 đĩa hài.

Chúng tôi luôn xác định làm thì phải làm đến nơi đến chốn. Không phải cứ có kịch bản là làm được mà thường thì phải bàn bạc cùng nhau tìm được kịch bản hay, thậm chí là cùng xây dựng kịch bản để ra một sản phẩm hài hấp dẫn thì mới làm.

Tự Long, Xuân Bắc – đôi bạn diễn ăn ý, luôn được nhiều khán giả chờ đợi trong nhiều chương trình, sản phẩm hài Tết.

Phóng viên: Nghệ sĩ hài ngày càng nhiều. Chương trình hài Tết ngày càng đa dạng. Anh làm thế nào để các vai diễn, sản phẩm hài Tết của mình khác biệt, hấp dẫn?

NSND Tự Long: Nếu làm hài Tết thì phải có hơi thở về ngày Tết nhưng cũng không nên định nghĩa tiếng cười ngày Tết phải là tiếng cười như thế nào còn với những ngày bình thường thì tiếng cười phải như thế khác. Ngày Tết chỉ là cái cớ để chúng ta truyền cảm xúc, cảm hứng còn tiếng cười thì không hẳn phải đợi đến ngày Tết. Thời gian, không gian chỉ là yếu tố phụ thôi. Trong cuộc sống, tiếng cười lúc nào cũng cần.

Phóng viên: Nhưng hài thì cũng có 5,7 kiểu. Ví dụ có nhiều nghệ sĩ chọn hài tục để gây chú ý với khán giả chẳng hạn?

NSND Tự Long: Trong hài phải có yếu tố mỉa mai, châm biếm, có cả sự dung tục của cuộc sống đời thường. Nhưng sự dung tục phải nằm trong giới hạn nghệ thuật cho phép chứ không phải đưa cái tục tĩu của đời thường. Có thể có những sự dung tục ở đời thường được chấp nhận trong hoàn cảnh này hay hoàn cảnh khác nhưng đưa lên sân khấu thì phải có giới hạn.

Sự dung tục của đời thường khác hẳn với việc tả nó trên sân khấu. Ta không thể bê nguyên sự dung tục của đời thường lên sân khấu mà phải diễn tả nó bằng ngôn ngữ của sân khấu, của nghệ thuật thì khán giả mới chấp nhận được. Nghệ sĩ diễn hài thì nhiều mà mỗi nghệ sĩ đều có khán giả riêng của mình. Dù diễn gì, sáng tạo như thế nào, mình cũng phải xác định, nghệ sĩ làm nghệ thuật, trước tiên phải có văn hóa.

Đây không phải là văn hóa ứng xử mà là văn hóa được học để làm nghề, để nhìn nhận vấn đề trong cuộc sống, xử lý vấn đề bằng lăng kính của mình, bằng kiến thức của mình để khi chuyển tải lên sân khấu người xem cảm thấy đúng là xem nghệ thuật. Công chúng bây giờ họ tinh lắm. Họ lại có rất nhiều sự lựa chọn. Vì vậy, nghệ sĩ càng phải trau chuốt hơn cho tác phẩm, tinh tế hơn trong diễn xuất, giữ được bản lĩnh, bản sắc riêng của mình trong quá trình làm nghề.

Nếu chạy theo nhu cầu, làm một cách bạt mạng thì mỗi người sẽ tự đào thải mình, đánh mất khán giả của mình.

Phóng viên: Cảm ơn anh.

Ngọc Nguyễn (thực hiện)
.
.
.