Nét đẹp “xin chữ” đầu năm

Thứ Ba, 31/01/2017, 23:26
Nhằm phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo và phong tục khai bút đầu xuân tốt đẹp từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam, UBND thị xã Chí Linh (Hải Dương) tổ chức Lễ khai bút với quy mô lớn. Các hoạt động của lễ hội Khai bút Xuân Đinh Dậu 2017 được diễn ra tại hai địa điểm: Đền Chu Văn An và Đền Nguyễn Thị Duệ - thờ nữ tiến sĩ đầu tiên của đất nước.

Thông qua lễ hội góp phần tuyên truyền quảng bá các giá trị của Khu di tích danh thắng Quốc gia Phượng Hoàng, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, duy trì và phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của nhân dân và du khách.

Tham gia lễ hội, du khách sẽ có cơ hội được hoà mình vào không khí trang nghiêm của các phần lễ, sự hân hoan trong lễ tôn vinh các thầy cô giáo, học sinh, sinh viên có thành tích cao trong sự nghiệp giáo dục đào tạo của thị xã Chí Linh và huyện Thanh Trì (Hà Nội). Đây là dịp để du khách được dâng nén hương thơm cùng tấm lòng thành tri ân các bậc tiền nhân, được tận tay xin chữ theo nguyện ý, cùng mong đợi một mùa xuân mới may mắn, bình an, hanh thông, phát đạt cho tất cả mọi người…

Khai bút tại đền Chu Văn An - Chí Linh.

Lễ hội khai bút Xuân Đinh Dậu năm 2017 tổ chức vào ngày 4-2 tức ngày 8-1 (Âm lịch), muộn hơn 2 ngày so với những năm trước đây. Lễ khai bút Xuân Đinh Dậu, ngoài các hoạt động như: Lễ dâng hương, lễ cáo yết, lễ rước bộ, lễ khai bút, còn tổ chức triển lãm lịch sử truyền thống khoa bảng và các di tích Nho học trên đất Hải Dương; triển lãm các tác phẩm thư pháp chữ Hán, chữ Quốc ngữ với chủ đề “Tôn sư trọng đạo”…   

 Thầy giáo Chu Văn An (1292 - 1370) nguyên có tên là Chu An, tự là Linh Triệt, ông là biểu tượng trong lịch sử giáo dục của Việt Nam, được tôn vinh là “vạn thế sư biểu” (người thầy của muôn đời). Do tài năng và phẩm hạnh, Chu Văn An được vua Trần Minh Tông mời vào làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy dỗ các thái tử và phò giúp nhà vua.

Những thái tử được ông dạy sau này lên ngôi như vua Trần Hiến Tông, Trần Dụ Tông. Các tác phẩm của ông theo sử sách ghi lại có: Tứ thư thuyết ước gồm 10 quyển, bộ sách nói đầy đủ những tư tưởng của Nho giáo qua các tài liệu chính truyền như Luận ngữ, Mạnh tử, Đại học, Trung Dung và Y học yếu giải (sách chữa bệnh cứu người) cùng một số sách khác và 12 bài thơ chữ Hán. Bằng tài năng và phẩm chất đạo đức cùng những đóng góp lớn của ông cho sự nghiệp giáo dục Việt Nam, khi qua đời, thầy giáo Chu Văn An đã được truy tặng tước Công - tước phẩm cao nhất trong các hạng tước, được tòng tự ở Văn Miếu và được hậu thế dựng đền miếu phụng thờ.

Tuy quê ở Thanh Trì, Hà Nội nhưng suốt quãng đời sau này khi lui về ở ẩn, thầy giáo Chu Văn An gắn bó với mảnh đất Chí Linh, Hải Dương. Sau khi Chu Văn An qua đời, tại nơi thầy làm nhà dạy học và sống những năm tháng thoái triều được dựng ngôi đền thờ thầy gọi là đền Phượng Hoàng. Bên cạnh đó còn có lăng mộ thầy và điện Lưu Quang, tương truyền là nơi thầy dạy học khi còn sống.

Hằng năm tại khu di tích Phượng Hoàng diễn ra hai kỳ lễ hội, gồm: “Lễ khai bút đầu năm” (ngày 6 tháng Giêng) và “Lễ hội về nguồn" (ngày 26-11 Âm lịch), thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên, giáo viên và những người quan tâm tới sự nghiệp giáo dục về đây làm lễ dâng hương báo công với thầy. Trong đó, tục khai bút và xin chữ đầu xuân là nét văn hóa đẹp được duy trì qua nhiều thế hệ tại vùng đất Chí Linh kể từ khi thầy Chu Văn An về đây mở lớp dạy học.

Tương truyền, xưa kia học trò đến thăm thầy, thường được thầy thăm hỏi, trò chuyện. Thông qua đó thầy thấu hiểu được tâm tư, nguyện vọng, công việc, cuộc sống của mỗi người. Khi chia tay, thầy tự tay viết tặng người đó một chữ ứng với những nhận định hoặc là ngầm ý gửi phương châm sống, phấn đấu cho người đó. Ai được tặng đều coi những chữ đó như báu vật, mang về treo ở nơi trang trọng nhất để chiêm nghiệm. Điều đặc biệt nữa là tại đây, xưa có khu giếng son, ở đáy giếng có lớp bùn son màu đỏ tươi, thầy Chu thường dùng để viết chữ.

Để tưởng nhớ và lưu giữ nét chữ son độc đáo đó, tục khai bút, xin chữ và cho chữ hiện nay vẫn được bảo tồn và phát huy với nguyên vẹn ý nghĩa. Hằng năm cứ vào dịp Tết đến xuân về, mọi người, nhất là thầy và trò các cấp thường đến thăm thầy và xin thầy một chữ. Người làm quan thường xin thầy chữ Tâm, Đức, Liêm, Chính. Người lao động thường xin chữ Chuyên, Cần. Người có tuổi xin chữ Phúc, Thọ, Trường. Người buôn bán xin thầy cho chữ Tín, Tài, Lộc. Học trò xin thầy chữ Trí, Tuệ, Minh, Thành, Đạt...

Trân Trân
.
.
.