Khai bút đầu Xuân - nét đẹp truyền thống

Thứ Sáu, 08/02/2013, 11:51
Lễ khai bút năm nay diễn ra trong 3 ngày 15, 16 và 17/2/2013 tức 6, 7 và 8 năm Quý Tỵ sẽ được đón đại diện lãnh đạo các ban, ngành Trung ương, các địa phương và lãnh đạo thành phố Hải Phòng cùng nhân dân và du khách.

Người Việt Nam từ xa xưa đã rất đề cao đạo học: Học nghề, học lễ tiết; học nữ công gia chánh; đặc biệt từ khi có chữ viết thì đạo học càng được chú ý và lễ khai bút đầu năm trở thành một phong tục đẹp vừa mang ý nghĩa nhân văn vừa mang tính giáo dục sâu sắc.

Ngay từ khi còn nhỏ, mỗi độ Tết đến xuân về, tối 30 Tết tôi đã được bà nội nhắc chuẩn bị cuốn vở mới cùng bút mực để khai bút sau giờ giao thừa hoặc vào sáng mồng một Tết để học hành tấn tới. Việc khai bút không cần viết nhiều hay viết những chữ cầu kỳ, có khi chỉ là: “Chúc mừng năm mới” hoặc “học hành tiến bộ nhiều điểm mười”, có người viết một vài câu thơ, đoạn văn, một ước nguyện cho năm mới. Như vậy ở đây mới duy trì thành thói quen trong một gia đình, một cá nhân, chưa thể hiện rõ nét tính cộng đồng.

Từ những suy nghĩ với ý tưởng nhân văn, nhà thư pháp Lê Thiên Lý đã làm kế hoạch gửi lãnh đạo TP Hải Phòng tổ chức Lễ hội khai bút đầu năm trong cộng đồng xã hội, kế hoạch đã được nhiều ban, ngành ủng hộ.

Song đến năm 2012, Lễ khai bút lần đầu tiên được tổ chức tại khu tưởng niệm các Vua nhà Mạc (xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) vào ngày 28/1, tức mồng 6 Tết Nhâm Thìn. Lễ hội đã thu hút nhiều ban, ngành, nhà trường, các em học sinh các cấp, nhân dân địa phương và du khách hưởng ứng nhiệt tình.

Năm 2013, TP Hải Phòng là địa phương tổ chức Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia đồng bằng Bắc Bộ, Lễ khai bút đầu năm sẽ là một trong những sự kiện khởi đầu cho Năm Du lịch quốc gia đồng bằng Bắc Bộ. Lễ khai bút sẽ được tổ chức trên vùng đất Dương kinh xưa, tại khu tưởng niệm vương triều nhà Mạc.

Theo sử sách, vương triều nhà Mạc có công lớn trong phát triển giáo dục và đào tạo nhân tài cho đất nước. Trong 65 năm triều Mạc trị vì đã diễn ra 22 kỳ thi đại khoa, đào tạo 13 trạng nguyên và 487 tiến sĩ, trong đó có 43 tam khôi, 344 tiến sĩ. Có nhiều người kiệt xuất như trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thiến, Nguyễn Quyện, Phùng Khắc Khoan…

Lễ khai bút năm nay diễn ra trong 3 ngày 15, 16 và 17/2/2013 tức 6, 7 và 8 năm Quý Tỵ sẽ được đón đại diện lãnh đạo các ban, ngành Trung ương, các địa phương và lãnh đạo thành phố Hải Phòng cùng nhân dân và du khách.

Lễ sẽ được tổ chức với qui mô và nghi thức: Lễ rước “Thần bút” (Thần bút được lấy từ sự linh ứng của Đức Thái Tổ trong từ đường Mạc Tộc), rước ngai, bát biểu, bài vị trang trọng và thành kính.

Nghi lễ chính thức được khởi đầu với bản chúc thư ôn lại truyền thống vùng đất Dương kinh, trong không khí trang trọng, nhà thư pháp Lê Thiên Lý kính cẩn lấy giấy điều trên hương án, vái lậy và dùng bút viết hai chữ Đức – Tài, đó chính là hai yếu tố cần có ở mỗi người trong xã hội hiện nay. Sau đó sẽ là 156 học sinh các cấp khai bút để viết lên những ước mơ với các nét chữ thanh thoát đẹp đẽ. Sau đó mọi người dự lễ cùng khai bút, xin chữ của các thầy đồ, các nhà thư pháp. Hai ngày tiếp theo sẽ là hội với các thú vui chơi vật, kéo co, ca hát, thả vịt, đẩy gậy…

Chắc chắn Lễ khai bút đầu Xuân sẽ mở đầu một năm nhiều điều tốt đẹp được nhân rộng ra nhiều địa bàn khác và giữ lâu dài cho các thế hệ mai sau

Duy Tường
.
.
.