Muốn vượt qua khó khăn, Cải lương buộc phải đổi mới
- Liên hoan vọng cổ, cải lương, ca khúc mang âm hưởng dân ca
- Dàn dựng vở cải lương về con trai vua Hồ Quý Ly – Hồ Nguyên Trừng
- Trăn trở công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật cải lương
- Để phục hưng cải lương
Giữa thời điểm sân khấu, đặc biệt là sân khấu truyền thống chưa thoát khỏi khủng hoảng, sự bận rộn của Nhà hát là câu chuyện khá… lạ. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, NSƯT Triệu Trung Kiên, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương khẳng định, đây là chuyện tất yếu nếu nghệ sĩ của nhà hát nói riêng, sân khấu truyền thống nói chung muốn vượt qua khó khăn trong giai đoạn chuyển mình nhiều nhọc nhằn từ cơ chế bao cấp sang có chế tự chủ dần dần.
Phóng viên: Sau “Lý Triều dựng nghiệp”, “Vua Phật”, “Người đi tìm minh chủ” thì “Vì sao lạc xứ” cũng là vở diễn về đề tài lịch sử. Đây là vốn là mảng đề tài đang được mặc định là khó, tốn kém, kén khán giả. Vì sao Nhà hát vẫn quyết định trung thành với lựa chọn này?
Đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên: Lịch sử Việt Nam hàng ngàn năm là kho dữ liệu khổng lồ, vô cùng phong phú, hấp dẫn. Các nhân vật lịch sử, người tài đất Việt xưa nay rất nhiều. Sử sách chính thống có ghi chép về họ với những dấu mốc, năm tháng cụ thể.
Nhưng tôi nghĩ, khoảng giữa của những dấu mốc ấy giống như những trang trắng trong cuốn sách, vô cùng hấp dẫn. Cũng vì đây là những trang trắng nên nghệ sĩ càng có nhiều cơ hội cho trí tưởng tượng bay bổng, sáng tạo. Tất nhiên là sáng tạo nhưng vẫn phải đảm bảo tính logic, thuyết phục người xem.
Đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên. |
Nếu là anh hùng dân tộc thì không thể làm xấu xí, hoen ố hình ảnh đẹp đã trở thành biểu tượng đẹp của dân tộc qua nhiều thế hệ. Tác phẩm nghệ thuật sẽ giúp người xem dễ hiểu, dễ nhớ, cảm nhận lịch sử, những bài học lịch sử sâu sắc hơn rất nhiều những trang viết khô khan trong sách giáo khoa. Với người nghệ sĩ, dựng vở diễn về tiền nhân còn là niềm tự hào về giống nòi, dân tộc nữa.
Phóng viên: Điều gì khiến anh chọn Tả Tướng quốc Hồ Nguyên Trừng, con trai vua Hồ Quý Ly làm nhân vật chính để khai thác trong vở “Vì sao lạc xứ”?
Đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên: Đây là nhân vật mà theo tôi là cuộc đời ông còn nhiều điều hậu thế chưa biết. Dù công lao của ông, chính sử có ghi nhận nhưng không nhiều. Có lần đến thăm thành nhà Hồ, tôi vô cùng xót xa khi không thấy nơi thờ tự ông. Xây thành không dễ. Công trình như thành nhà Hồ chứng tỏ tài năng lỗi lạc của tiền nhân và cũng chứng tỏ, tài năng của người Việt không thua kém dân tộc nào.
Tả Tướng quốc Hồ Nguyên Trừng vẫn được ghi nhận, theo cách nói của người hôm nay là nhà khoa học quân sự tài ba. Ông sáng chế, chỉ đạo chế tác thành công súng thần cơ. Phải nói thêm là, thuốc súng là thành tựu tự hào của nền văn minh Trung Hoa. Nhưng khi nhà Minh xâm lược nước ta, nhòm ngó nhân tài, bắt cha con Hồ Quý Ly về nước, buộc Hồ Nguyên Trừng phải cống hiến tài năng cho Trung Hoa. Không thể phát huy tài năng cho đất nước là bi kịch của nhân tài trong thời loạn.
Với Hồ Nguyên Trừng, tôi nghĩ, chuyện ông làm việc cho nhà Minh cần nhìn nhận thấu đáo. Trong vở diễn lần này, chúng tôi mong muốn đưa ra được lời giải thích thuyết phục nhất cho câu hỏi, vì sao Hồ Nguyên Trừng phải dâng thành quả sáng tạo của mình cho phương Bắc.
Vở diễn khai thác đậm nét những tháng ngày cha con ông lưu lạc xứ người. Chúng tôi mong muốn thông qua câu chuyện của tiền nhân để khẳng định: Con người Việt Nam, người tài Việt Nam, dẫu có trôi dạt, bôn ba phương trời nào thì vẫn có tấm lòng ái quốc trung quân, không phản bội giống nòi, đất nước. Vở diễn sẽ chạm đến cả câu chuyện chảy máu chất xám, tạo sự cộng cảm nhất định về nỗi niềm của nhân tài đất nước xa xứ hôm nay…
Phóng viên: Nhưng cũng có một thực tế nữa là hầu hết các vở diễn khai thác đề tài lịch sử đang được dựng bằng nguồn đầu tư kinh phí của Nhà nước . Nếu không còn “bầu sữa bao cấp”, liệu có còn tiếp tục dựng được những vở diễn về đề tài lịch sử lâu nay?
Đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên: Ý bạn muốn đề cập đến câu chuyện xã hội hóa sân khấu? Nhà hát Cải lương Việt Nam đã khó khăn rất nhiều năm. Chúng tôi là đơn vị sân khấu công lập nhưng không có nhà hát như các đơn vị khác thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Mỗi năm được đầu tư dựng 2 vở nhưng không có điểm diễn cố định, phải đi thuê sân khấu.
Việc đầu tư dàn dựng công phu, diễn vài buổi rồi “cất kho” và nhiều bất cập khác nữa không chỉ của riêng nhà hát nhiều năm qua chứng tỏ cơ chế bao cấp đã không còn phù hợp. Ngược lại, xã hội hóa hoạt động sân khấu như lâu nay cũng cho thấy đang có những vấn đề phải bàn bạc, đánh giá và điều chỉnh lại. Tôi nghĩ, tháo gỡ các nút thắt này, đòi hỏi phải có những giải pháp căn cơ, lâu dài về cơ chế, chính sách cho sân khấu cải lương, cho nghệ thuật truyền thống.
Phóng viên: Anh là người trong cuộc. Theo anh, cơ chế, chính sách như thế nào thì ổn thỏa hơn cả?
Đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên: Đây là câu chuyện dài, chúng tôi cũng không hy vọng sẽ sớm được giải quyết trong một sớm một chiều. Trong khi chờ đợi cơ chế chính sách mới, chúng tôi vẫn nỗ lực khắc phục khó khăn để tồn tại, sáng tạo. Ngoài các vở được đầu tư kinh phí từ ngân sách, chúng tôi vẫn có những vở khác được dựng từ nguồn xã hội hóa.
Chúng tôi tự hào là vở nào cũng làm chỉn chu, được đồng nghiệp đánh giá cao, đạt giải cao tại các liên hoan, hội diễn. Tiếc là các vở diễn, dù chúng tôi có đưa đi lưu diễn ở ngoại tỉnh, thì với sân khấu nhỏ, tạm ở địa phương, khó phát huy tối đa được thành quả sáng tạo của nghệ sĩ. Nhưng chúng tôi vẫn đang cố gắng, kết nối và đoàn kết với các đơn vị, cá nhân để có thêm nhiều dự án mới.
Năm vừa qua, người làm nghề đã chung sức làm nên thành công cho chuỗi sự kiện kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương. Sau sự kiện này, sân khấu cải lương đang rất rộn ràng với nhiều dự án mới từ các đoàn xã hội hóa, hoàn toàn tự túc kinh phí. Chúng tôi sẽ có mặt trong một số dự án này và sẽ có nhiều nỗ lực để mang lại những trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn người xem, ít nhất là cũng góp phần làm thay đổi cách nhìn về cải lương lâu nay.
Sân khấu cải lương không chỉ có nước mắt, bi lụy mà đương đại hơn. Dân tộc nhưng phải hiện đại. Muốn cải lương vượt qua giai đoạn khó khăn này, không có cách nào khác là phải đổi mới. Chúng tôi vẫn đang thể nghiệm, cải cách dần dần, thậm chí đã có ý tưởng thử sự giao thoa cải lương với các môn nghệ thuật hiện đại, như mời các ngôi sao của Vpop hát cải lương…
Phóng viên: Xin cảm ơn đạo diễn. Chúc anh và các nghệ sĩ thành công với các dự án, ý tưởng của mình!