Lồng đèn trung thu truyền thống được người dân tìm mua

Thứ Tư, 23/09/2020, 21:22
Mặc dù do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều hợp đồng làm lồng đèn trung thu bị huỷ, nhưng người làm lồng đèn trung thu truyền thống ở giáo xứ Phú Bình trên đường Lạc Long Quân (phường 5, quận 11, TP Hồ Chí Minh) vẫn còn “vớt vát” vào “phút cuối” khi dịch bệnh COVID-19 được khống chế. 

Chỉ còn một tuần nữa là đến trung thu, nhưng con đường vào giáo xứ Phú Bình vẫn chưa được trang trí đèn lồng như những năm trước. Hai bên đường cũng “lác đác” chỉ có mấy gia đình làm lồng đèn truyền thống.

Con đường vào giáo xứ Phú Bình năm nay vẫn chưa thấy trang trí đón trung thu

Ngay gần đầu đường là căn nhà 423/4, có 5 người đang miệt mài làm lồng đèn. Đây là quán phở, nhưng những ngày này tạm ngừng bán, chủ quán tập trung làm lồng đèn trung thu.

Tại đây, vợ chồng chị Nguyễn Kim Thu là chủ nhà đang cùng các con và cháu thoăn thoắt làm lồng đèn. Chị Thu cho biết, mấy ngày nay mới bán được nhiều đèn lồng trung thu, còn trước đó do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên các hợp đồng đều bị huỷ.

Chị Thu miệt mài làm đèn truyền thống

Dịch bệnh nên đầu mùa chị giảm giá nhưng vẫn có nhiều công ty huỷ hợp đồng, cứ tưởng năm nay thất thu hoàn toàn từ nghề làm lồng đèn. May mà dịch bệnh được khống chế, bây giờ nhiều người chấp nhận mua giá cao nhưng không có hàng để bán và cũng không thể nhận thêm hợp đồng, vì làm không kịp. Hiện nay chị chủ yếu bán lồng đèn cho các trường học.

Năm ngoái gia đình chị bán được 10 ngàn chiếc lồng đèn, năm nay chưa tổng kết nhưng từ những hợp đồng mới nhận gần đây thì bán được khoảng 5 ngàn chiếc. Giá bán hiện tại cũng như năm ngoái từ 11.000 đồng/chiếc đến 800.000 đồng/chiếc tuỳ loại. Nhưng giá nguyên liệu lấy vào tăng 10% so với năm ngoái.

Chị Thu cho biết, quê chị ở miền Tây, về làm dâu ở đây được hơn 20 năm cũng từng ấy năm chị làm lồng đèn trung thu. “Thấy nghề này cũng hay nên mình tự học và làm cho đến nay. Cứ đến mùa trung thu thì cả gia đình cùng làm lồng đèn, các con đi học về thì phụ cha mẹ làm. Ấy vậy mà các con của tôi nó không muốn làm, nó nói không theo nghề của cha mẹ, cực lắm. Tôi nói với chúng nó là sống nhờ nghề mà con bỏ nghề là không được”.

Qua tìm hiểu, được biết muốn làm được một chiếc lồng đèn phải trải qua rất nhiều công đoạn, nhưng hai công đoạn khó nhất là tạo khung và vẽ họa tiết. Tất cả các công đoạn đều được phân công cho các con và cháu thực hiện, riêng 2 công đoạn khó nhất là anh chị làm.

Lồng đèn truyền thống được trang trí đẹp mắt

Tận mắt thấy quy trình làm lồng đèn truyền thống mới thấy sự tỉ mỉ của nghệ nhân khi làm mỗi sản phẩm. Nếu tính từ khi chọn nguyên liệu cho đến hoàn tất sản phẩm, có đến hơn 10 công đoạn. Công đoạn nào cũng phải bỏ công sức và tâm huyết vào. Khi uốn nan hay chẻ nan phải thật đều tay thì chiếc nan mới đều, mới tạo được dáng đẹp cho chiếc lồng đèn. Chồng chị Thu cho biết, làm nhiều nên có kinh nghiệm sẽ quen, tuy nhiên cũng cần sáng tạo theo thị hiếu người tiêu dùng hiện nay, trong đó chủ yếu vẫn là trang trí cho bắt mắt.

Dù không còn nhiều gia đình giữ nghề nhưng mỗi năm, cứ đến dịp tết Trung thu, nơi làm lồng đèn truyền thống ở giáo xứ Phú Bình lại góp phần tô thêm sắc màu lung linh của những chiếc lồng đèn, đem lại niềm vui cho biết bao trẻ em ở khắp nơi.

Tôi nhớ mùa trung thu những năm trước, khi đến nơi đây vào dịp này, hai bên đường từ cổng chào của con đường vào đến nhà tận nhà thờ dài khoảng 300 mét, nhiều gia đình quây quần tất bật làm lồng đèn, số cửa hàng bán lồng đèn cũng nhiều, con đường cũng được trang trí rất đẹp để đón trung thu. Nhưng năm nay, dọc con đường này có chưa đến 10 điểm làm và bán lồng đèn, việc trang trí vẫn im lìm. Năm nay, dịch bệnh COVID-19 đã kéo làng nghề vốn đã ít ỏi lại càng thêm ảm đạm.

Bà Năm ngồi bên đường nhìn xa xăm nói: “Dịch bệnh nên kinh tế khó khăn, bây giờ hết dịch mọi người ai cũng lo làm ăn nên trung thu năm nay may ra chỉ có bọn trẻ quan tâm thôi”.  

Anh Tú (chủ cửa hàng Nam Ký bán lồng đèn ở đây) cho biết năm nay anh bán được khoảng 70% số lồng đèn so với năm ngoái. Ban đầu nhiều người đặt hàng, nhưng khi bị dịch COVID-19, nhất là khi Đà Nẵng bị dịch bệnh thì nhiều người huỷ hết toàn bộ hợp đồng làm lồng đèn. Do dịch bệnh hạn chế tập trung đông người và kinh tế khó khăn, khách mối không đặt hàng vì sợ bán không được, nhiều trường học, điểm tổ chức trung thu cũng không lấy hàng như mọi khi.

Lồng đèn được bày bán 

Hơn một tuần trở lại đây mới có nhiều người đặt hàng, chủ yếu là trường học đặt để tổ chức trung thu cho học sinh. “Cũng may là khống chế được dịch bệnh nên chúng tôi còn vớt vát được chút đỉnh. Bây giờ có nhiều người đặt hàng nhưng không giám nhận vì không còn nhiều cơ sở làm lồng đèn và cũng cận ngày trung thu làm không kịp”, anh Tú cho biết.

Cũng theo anh Tú, lồng đèn trung thu truyền thống luôn bán được nhiều, năm nào cũng vậy, lồng đèn truyền thống mẫu mã ngày càng đẹp, sắc sảo, phù hợp với trung thu nên được người tiêu dùng chọn mua.

Có mặt tại một số cửa hàng bán lồng đèn tại đây, tôi thấy nhiều phụ huynh đưa con đến tìm mua lồng đèn truyền thống làm bằng giấy kiếng như ông sao, bướm, gà, cá, thỏ… loại chưa trang trí đem về tự trang trí. Anh Tuấn (phụ huynh, nhà ở quận 11) đưa con gái đến đây mua đèn lồng cho biết: “Mấy đứa nhỏ thì thích lồng đèn làm sẵn, còn mấy đứa lớn hơn một chút lại thích mua về để tự vẽ, tự trang trí thêm theo sở thích của các bé. Con gái tôi rất thích chiếc đèn lồng ông sao đỏ rực đem về để vẽ những hình mà nó thích”.

Khách đến mua lồng đèn truyền thống về tặng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn 

Chị Nguyễn Thị Tươi, chủ cửa hàng bán lồng đèn ở đây cho biết, khi xảy ra dịch COVID-19, đầu mùa không ai dám đặt hàng, hơn một tuần nay mới có nhiều người đặt, năm nay bán được khoảng 70% so với năm ngoái. “Như vậy cũng là may lắm rồi, cứ tưởng năm nay thất thu hoàn toàn”, chị Tươi nói.

Chị Tươi cũng chia sẻ, cách đây 10 năm về trước, khu vực này có nhiều gia đình làm lồng đèn truyền thống, nhưng hiện nay chỉ còn chừng chưa đến 10 gia đình làm nghề này. Bây giờ những người lớn tuổi nghỉ làm, một số người làm nghề này tuổi già đã qua đời, con cái ít người theo nghề cha mẹ mà đi học đại học để làm việc khác. Với lại công việc này làm theo mùa, không phải làm quanh năm, thu nhập không đảm bảo nhu cầu cuộc sống.

Ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tại đây không có nhiều cửa hàng bán lồng đèn

Anh Võ Thành An, Nhà văn hoá thiếu nhi TP Hồ Chí Minh cho biết, năm nào anh cũng đến đây mua lồng đèn để tổ chức trung thu cho các cháu thiếu nhi. Năm nay cứ tưởng dịch bệnh kéo dài không tổ chức được trung thu, nhưng rất may đã ổn nên đơn vị tổ chức đi tặng quà và tổ chức cho các cháu vui chơi. “Do dịch bệnh, nhiều nơi gặp khó khăn nên năm nay chúng tôi tổ chức đi tặng nhiều hơn những năm trước, ngoài tổ chức tại địa bàn thành phố, chúng tôi còn tổ chức trung thu và tặng quà cho các cháu thiếu nhi ở tỉnh Hậu Giang”, anh An cho biết.

Dù không còn nhiều gia đình làm lồng đèn truyền thống nhưng nơi đây vẫn góp một phần không nhỏ đem niềm vui đến cho các thiếu nhi vào mỗi dịp trung thu.


Nguyễn Cảnh
.
.
.