Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm 2016: Đích đến phải là khán giả

Thứ Sáu, 18/11/2016, 09:16
Được kỳ vọng thổi làn gió mới cho “làng” sân khấu vốn bị cho là đình trệ trong nước, Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ 3 năm 2016 tại Hà Nội đã đi qua 1/2 chặng đường. Tuy nhiên, ngay trong buổi đầu tiên cùng ngồi lại để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, đánh giá về 9 trong số tổng số 18 vở diễn được giới thiệu đến công chúng trong dịp này, những tranh cãi quanh câu chuyện thử nghiệm vẫn không tìm được tiếng nói chung.

Ngay từ ngày khai mạc liên hoan, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã khẳng định: Sân khấu thử nghiệm là một thuật ngữ tiên phong của các trào lưu nghệ thuật nhằm đưa sân khấu phát triển. Với mục đích đổi mới, khám phá, sân khấu thử nghiệm muốn trình bày sự cách tân của tác giả, đạo diễn, diễn viên, nhằm mở ra cấu trúc hình thức mới làm giàu thêm ngôn ngữ nghệ thuật sân khấu, góp phần đáp ứng thị hiếu của khán giả trong xu thế hội nhập và phát triển…

Theo kế hoạch dự kiến, buổi hội thảo đầu tiên trong chuỗi hoạt động của liên hoan sẽ là dịp để các nghệ sĩ, ê kip thực hiện 5 vở đã được biểu diễn (Dưới cát là nước (Nhà hát Kịch Quân đội), Con tàu này không trôi mãi (Panama), Ionah (Star Galaxy), Hồn Trương Ba da hàng thịt (Nhà hát Múa rối Thăng Long), HamLet (Nhà hát kịch Việt Nam) chia sẻ yếu tố thử nghiệm trong vở của mình. Thế nhưng, khái niệm thế nào là thử nghiệm lại chiếm khá nhiều thời gian với nhiều luồng ý kiến hoàn toàn trái ngược.

Nếu giám đốc nhà hát múa rối Thăng Long, ông Nguyễn Hoàng Tuấn cho rằng thử nghiệm không nhất thiết phải thành công ngay về mặt khán giả thì đại diện Nhà hát Kịch Quân đội, nhà văn Nguyễn Quang Vinh lại cho rằng, lâu nay chúng ta chỉ thử nghiệm với người làm nghề mà chưa thử nghiệm với khán giả. Thử nghiệm là nghệ sĩ làm những gì khác với mình. “Dưới cát là nước” là vở diễn khai thác đề tài rất lạ và mới so với các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Quân đội. Và, nghệ sĩ muốn thử nghiệm phải lấy khán giả làm trung tâm, phải làm sao để thu hút và thuyết phục được người xem…

Nhà phê bình Nguyễn Văn Thành lại cho rằng: “Dưới cát là nước” vẫn rất ít tính thử nghiệm so với mặt bằng chung. Việc sử dụng dàn đế và mặt nạ không mới so với cách dàn dựng của chính đạo diễn Lê Hùng trước đó.

Với vở “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, mặc dù nghệ sĩ Hoàng Tuấn khẳng định các nghệ sĩ đã nỗ lực rất nhiều để biến sân khấu truyền thống thành sân khấu của ý niệm nhưng theo nhà phê bình Nguyễn Văn Thành thì cách thử nghiệm của Nhà hát Múa rối Thăng Long không mới vì trong vở rối, rối phải là chủ đạo, còn trong “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, yếu tố con người trên sân khấu lấn át cả yếu tố rối.

Với vở “Con tàu này không trôi mãi”, nhà phê bình Nguyễn Văn Thành cũng cho rằng không mới, trong khi nhiều đại biểu lại cho rằng cách làm của các nghệ sĩ Panama rất đáng để học hỏi vì trước một vấn đề mang tính chính trị, nghệ sĩ vẫn tìm được cách nói tiếng nói của mình mà không ai bắt bẻ được…

Cảnh trong vở “Dưới cát là nước” – tác phẩm gây nhiều tranh cãi trong Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm 2016.

Vở HamLet của Nhà hát Kịch Việt Nam nhận được sự đồng thuận, đánh giá khá cao của các đại biểu trong nước và quốc tế. Thực tế, trước đó, có luồng ý kiến cho rằng sân khấu kịch cần phải bứt phá mình ra khỏi những bục bệ của sân khấu truyền thống. Với HamLet, nhiều đại biểu quốc tế lại bày tỏ rằng họ rất thích thú trước cách sử dụng bục bệ thông minh và sáng tạo của ê kip vở diễn trong việc hỗ trợ chuyển tải tâm trạng của nhân vật. Từ vở diễn nguyên bản dài đến 7 tiếng đồng hồ, ê kip đã rút ngắn thời gian và Việt hóa kịch của Shakespeare, rất thú vị.

Đạo diễn Chua Soo Pong đến từ Singapore cho biết, chính cách đưa dân ca dân vũ, đưa nghệ thuật truyền thống của Việt Nam vào vở diễn khiến HamLet mang một diện mạo mới dù người xem vẫn cảm nhận được đây là vở của Shakespeare. Sự mới lạ và thú vị ấy giống như một ngày nào đó khán giả Việt Nam được xem vở diễn về nàng Kiều qua cách dàn dựng của nghệ sĩ của nước Anh vậy…

Ít gây tranh cãi nhất là tiết mục Ionah của Star Galaxy. Đây cũng là kịch mục duy nhất của một đơn vị sân khấu xã hội hóa được chọn tham gia Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm năm 2016. Được đánh giá cao bởi sự sáng tạo trong kết hợp xiếc, múa, công nghệ 3D, sử dụng tiếng động…, Ionah cũng là hiện tượng của phòng vé trong năm nay.

Theo Giám đốc Star Galaxy, bà Hà Nguyên Hương, sau 1 năm kể từ ngày công diễn, Ionah vẫn được biểu diễn đều đặn mỗi tuần 3 buổi mà vẫn thu hút được khán giả. Với Star Galaxy, khán giả là một trong các thước đo quan trọng nhất để quyết định sự thành công của sân khấu thử nghiệm.

Đồng quan điểm lấy khán giả làm đích đến của các thử nghiệm cho sân khấu, đạo diễn Alain Destandau, Giám đốc Nhà hát Monte-Charge, Pháp chia sẻ rằng, việc không tuân thủ không gian, thời gian, địa điểm có thể còn mới với Việt Nam nhưng sân khấu các nước châu Âu, việc này đã trở thành rất bình thường. Có khi người nghệ sĩ lên sân khấu giống như “viết lại” vở diễn theo một cách hoàn toàn mới…

Nhiều đại biểu khách quốc tế cũng cho biết, tính tương tác với khán giả của sân khấu quốc tế hiện nay đã rất cao. Có khi, nghệ sĩ mời chính khán giả cùng tham gia vào vở diễn của mình, cùng để trí tưởng tượng bay bổng theo câu chuyện của họ. Ngoài các chất liệu truyền thống việc tận dụng yếu công nghệ hiện đại, kể cả các bộ môn nghệ thuật khác để tăng hiệu quả chuyển tải của sân khấu rất cần thiết. Tuy nhiên, dù thử nghiệm như thế nào thì đích đến không bao giờ họ được quên chính là khán giả.

Hoa Nguyễn
.
.
.