Khó khăn trong xã hội hóa công tác tu bổ di tích lịch sử văn hóa

Thứ Hai, 21/01/2019, 09:09
Nghệ An là địa phương có nhiều di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng. Song hiện nay, nhiều hạng mục của các di tích đã xuống cấp trầm trọng do nhiều nguyên nhân.

Đền Cả nằm ở xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, được xây dựng từ thế kỷ XVI, thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang và các vị phúc thần, nhân thần cùng các tướng lĩnh, đại khoa có công bảo quốc hộ dân. 

Trải qua nhiều thế kỷ, hiện đền Cả vẫn còn giữ được khá nhiều hạng mục như tam quan, nhà ca vũ, tả vu, hữu vu, bái đường, thượng điện với lối kiến trúc khá đặc sắc. Năm 2012, Đền được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Với những giá trị đặc biệt nên nhiều năm nay, di tích Đền Cả luôn được chính quyền xã Hoa Thành quan tâm và lên kế hoạch tu bổ sửa chữa. Song do ngân sách của xã hạn hẹp nên việc sửa chữa chỉ được tiến hành ở phía ngoài khuôn viên và chắp vá trong nhiều năm, với tổng kinh phí 100 triệu đồng. Còn phía trong khu đền, từ khi được công nhận di tích đến nay, chưa được trùng tu, nhiều hạng mục đã xuống cấp.

Đền Cả, xã Hoa Thành, Yên Thành, Nghệ An nhiều hạng mục đã xuống cấp.

Hoa Thành là một xã có nhiều di tích văn hóa lịch sử, trong đó có 9 di tích được công nhận là di tích cấp tỉnh và cấp quốc gia. Ông Nguyễn Khắc Đức – Chủ tịch UBND xã Hoa Thành cho biết: Mỗi di tích có một giá trị lịch sử riêng và rất đáng được quan tâm, đầu tư. 

Tuy vậy, những năm gần đây, trong khi các di tích dòng họ ngày càng được con cháu trong từng dòng họ quan tâm đầu tư thì việc đầu tư cho các di tích văn hóa lịch sử thuộc quản lý của chính quyền địa phương còn rất "nhỏ giọt". 

Nguyên nhân do kinh phí để tu bổ cho các di tích rất lớn, nhưng ngân sách của các địa phương lại không có hạng mục dành cho tu bổ, sửa chữa các di tích.

Huyện Yên Thành có 81 di tích được xếp hạng, trong đó có 24 di tích cấp quốc gia và 57 di tích cấp tỉnh. Về nguồn xã hội hóa, hầu hết chỉ huy động được cho các di tích thuộc dòng họ. 

Chia sẻ thêm về điều này, ông Hoàng Danh Truyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: Việc huy động xã hội hóa di tích văn hóa, lịch sử gặp nhiều khó khăn vì hiện nay công tác quảng bá cho các di tích còn nhiều hạn chế.

Tại huyện Diễn Châu, trong số 48 di tích được công nhận là di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia, số di tích bị xuống cấp đã chiếm gần 80%, đặc biệt là những di tích cộng đồng như đình Cháy, đình Phượng Lĩnh, đình Tám Mái. 

Đình Cháy ở xã Diễn Yên mặc dù là một công trình có giá trị được xây dựng từ đầu thế kỷ XIX và đã được công nhận là di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh, nhưng đến nay nhiều hạng mục ở di tích như rui mè đã hư hỏng; cột, kèo bị mối mọt. 

Do không có kinh phí nên nhân dân trong thôn sửa chữa đình một cách tạm bợ, thiếu sự thống nhất. Ngoài ra, khu vực trong đình cũng đang được người dân tận dụng để làm nhà văn hóa nên một phần kiến trúc bị thay đổi, khiến đình không được bảo tồn đúng như nguyên bản.

Ông Phạm Hùng, xóm trưởng xóm 8, xã Diễn Yên, chia sẻ: Sau khi đình Cháy được công nhận di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh, người dân trong xóm rất tự hào và mong muốn di tích được tu bổ, sửa chữa. Nhưng trong điều kiện hiện nay, để huy động nguồn kinh phí lớn là không dễ vì điều kiện người dân chưa cho phép.

Thực tế cho thấy, xã hội hóa được xem là giải pháp then chốt trong huy động nguồn lực để trùng tu, tu bổ các di tích. Tuy nhiên, nhiều địa phương còn gặp khó khăn do việc huy động xã hội hóa chủ yếu thực hiện được ở các di tích có nhiều yếu tố tâm linh. 

Ông Nguyễn Nhã Sơn – Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Diễn Châu cho biết: Việc kêu gọi xã hội hóa các di tích là rất khó vì nhiều người dân cho rằng, đó là trách nhiệm thuộc về Nhà nước. Vì vậy, khi cấp bổ ngân sách tu bổ hàng năm, tỉnh cần quan tâm đến các di tích này và hỗ trợ một phần kinh phí, coi đó là “đòn bẩy” để kêu gọi, huy động các tổ chức, cá nhân khác.

Nghệ An hiện có hơn 2.300 di tích, di sản, trong đó có gần 1.200 di tích văn hóa lịch sử, gần 400 di tích đã được xếp hạng. Dù số lượng di tích khá lớn, nhưng hàng năm ngân sách tỉnh chi cho việc tu bổ, tôn tạo các di tích rất hạn chế. Đơn cử năm 2018, Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An trình tỉnh cấp ngân sách để tu bổ cấp thiết cho 13 di tích bị xuống cấp trầm trọng, nhưng nguồn ngân sách chỉ chi được cho 9 di tích. 

Thực tế cũng cho thấy, do kinh phí hạn hẹp nên nhiều năm qua các giải pháp trùng tu, tôn tạo còn hạn chế, thiếu khoa học. Nhiều di tích chưa có thiết kế cảnh quan, tôn vinh giá trị truyền thống. Bên cạnh đó, một số di tích, di sản đặt xen kẽ khu dân cư, đô thị, song không có giải pháp kết nối không gian, làm bối cảnh không hài hòa, không làm nổi bật các giá trị.

Xác định việc thực hiện xã hội hóa để bảo vệ, tôn tạo các di tích văn hóa lịch sử không chỉ góp phần bảo vệ, gìn giữ các giá trị di sản văn hóa, mà còn là cơ hội để các địa phương phát triển các sản phẩm phục vụ ngành du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền nhận thức cho nhân dân nắm được Luật Di sản văn hóa và các kiến thức, quy định chuyên ngành; tăng cường công tác quản lý Nhà nước, nhất là hướng dẫn, giám sát và quản lý việc trùng tu, tôn tạo các di tích. 

Bên cạnh huy động sự đóng góp từ nhân dân, chính quyền địa phương nên huy động từ các tổ chức, cá nhân trong xã hội đầu tư vào việc bảo tồn di sản. Ngành Văn hóa và Thể thao phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo xây dựng các chương trình giáo dục về bảo vệ di sản văn hóa nhằm nâng cao ý thức tôn trọng, giữ gìn, phát huy những giá trị di sản văn hóa cho thế hệ trẻ.

Bích Huệ
.
.
.