Các nhà khảo cổ tìm thấy gì tại khu vực nghi dấu tích lăng mộ vua Quang Trung
Công tác thăm dò khảo cổ tại khu vực gò Dương Xuân để tìm dấu tích cung điện Đan Dương, lăng mộ vua Quang Trung đã khép lại sau gần 10 ngày thăm dò.
- Phát hiện móng tường, om lạ tại khu vực tìm dấu tích lăng mộ vua Quang Trung
- Khai quật dấu tích lăng mộ vua Quang Trung
- Hơn 3,8 tỷ đồng tu bổ di tích lăng mộ chúa Nguyễn Hoàng
Sáng 16-10, công tác thăm dò khảo cổ tại khu vực gò Dương Xuân (phường Trường An, TP Huế) do Viện khảo cổ học phối hợp Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên- Huế thực hiện đã chính thức khép lại.
Mở hố thăm dò khảo cổ tại chùa Thiền Lâm, TP Huế. |
Trước đó, công tác thăm dò khảo cổ được thực hiện từ sáng 7 đến hết ngày 15-10 theo quyết định của Bộ VHTT&DL. Công tác thăm dò tiến hành tại 5 vị trí chùa Vạn Phước, chùa Thiền Lâm, nhà ông Nguyễn Hữu Oánh (ở phường Trường An, TP Huế).
Công tác thăm dò khảo cổ được tiến hành cẩn trọng từng bước một. |
Theo PGS.TS Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện khảo cổ học, đoàn thăm dò đã tiến hành mở các hố với tổng diện tích 22m2 đúng quy định, trình tự thực hiện, qua đó phát hiện nhiều hiện vật sành, sứ, kim loại.
Hố thăm dò tại chùa Vạn Phước.
|
Đặc biệt, tại vị trí hố thăm dò ở sân nhà 13/120 Điện Biên Phủ (TP Huế) được mở vào sáng 11-10, đoàn đã phát hiện một nền móng đá với diện tích khoảng 2,6m2.
Ngay sau đó, PGS.TS Bùi Văn Liêm đã cho mở thêm một hố phụ tại gần vị trí này và cũng phát hiện một nền đá tương tự, có dấu hiệu nối dài...
Các chuyên gia khảo cổ đào cẩn trọng từng khoảnh đất nhỏ để tìm kiếm các hiện vật nằm dưới lòng đất. |
Sau khi kết thúc đợt thăm dò khảo cổ, các vị trí thăm dò đã được hoàn thổ, riêng vị trí phát hiện nền móng đá được đơn vị chức năng cho san lấp bằng lớp đất cát để phục vụ công tác bảo tồn, nghiên cứu sau này.
Các hiện vật được tìm thấy, dù rất nhỏ cũng được các đơn vị chức năng bảo quản cẩn thận để phục vụ công tác nghiên cứu. |
Ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng lịch sử tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, toàn bộ số hiện vật được phát hiện trong đợt thăm dò sẽ được bảo tàng bảo quản cẩn thận để các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu, đánh giá.
Một lớp đất có màu vàng rắn chắc được phát hiện tại hố thăm dò ở nhà ông Nguyễn Hữu Oánh. |
Được biết, sau quá trình nghiên cứu, Viện khảo cổ học sẽ có báo cáo gửi Bộ VHTT&DL, đồng thời sẽ tiến hành công bố kết quả thăm dò khảo cổ đến dư luận sau 3 tháng.
Đoàn thăm dò của Viện khảo cổ học kiểm tra, đo đạc nền móng đá được phát hiện tại sân nhà số 13/120 Điện Biên Phủ, TP Huế. |
Đợt thăm dò khảo cổ tại gò Dương Xuân lần này dựa trên kết quả nghiên cứu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (TP Huế) khi ông có hàng chục năm trời nghiên cứu sử sách, điền dã, qua đó khẳng định tại khu vực gò Dương Xuân từng có sự tồn tại của cung điện Đan Dương và là nơi chôn cất thi hài vua Quang Trung.