Hồi sinh nhiều làng nghề sau mỗi kỳ Festival nghề truyền thống Huế

Thứ Bảy, 06/04/2019, 17:38
Gần như sau mỗi kỳ Festival nghề truyền thống Huế, chúng ta lại chứng kiến sự hồi sinh của nhiều cơ sở làng nghề đã mai một thời gian dài trước đó như: Gốm Phước Tích, mộc Mỹ Xuyên (Phong Điền), Mây tre đan Bao La (Quảng Điền), nghề nón, hoa giấy Thanh Tiên (Phú Vang) hay thêu, đúc đồng, kim hoàn (TP.Huế), nghề dệt Zèng A Lưới”…

Đó là khẳng định và cũng là những chia sẻ rất vui của bà Phạm Thị Quỳnh Dao, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP Huế ngay trước thềm Festival nghề truyền thống Huế năm 2019.

Festival nghề truyền thống Huế là sự kiện văn hóa du lịch hấp dẫn đông đảo du khách

Cũng theo bà Dao, hiện nay, Festival nghề truyền thống Huế không chỉ trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng của Huế. Đây còn là nơi hội tụ của rất nhiều nghệ nhân, thợ thủ công lành nghề của Huế và cả nước.

 Qua Festival, tài năng của các nghệ nhân  được nhiều người biết đến rộng rãi, tạo động lực mạnh mẽ cho người trẻ nuôi dưỡng đam mê, tiếp nối nghề truyền thống của cha ông. Các làng nghề  có điều kiện được quảng bá rộng rãi, gây được tiếng vang và ký kết nhiều hợp đồng trị giá vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng. 

Sản phẩm thủ công của các làng nghề là điểm nhấn của Festival

Mùa lễ hội 2019, làng nghề Mây tre đan Bao La – một trong những làng nghề từng đứng trước nguy cơ biến mất nhiều năm trước đó có nhiều sản phẩm không làm kịp nhu cầu đặt hàng, phải từ chối dù tiếc nuối. Hơn 100 xã viên và nghệ nhân hợp tác xã mây tre đan Bao La, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền cấp tập thiết kễ mẫu mã, thu mua nguyên liệu và sản xuất phục vụ các đơn hàng từ nước ngoài. Hơn 100 mẫu thiết kế mới cũng được chuẩn bị “trình làng” dịp festival năm nay.  

Festival tạo đầu ra cho sản phẩm làng nghề truyền thống 

Nghề dệt Zèng (A Lưới) cũng từng nằm trong tình trạng “báo động đỏ” trước đó, sau kỳ Festival nghề truyền thống Huế năm 2015 đã từng bước mở rộng cơ hội vươn ra thị trường nước ngoài. Năm 2017 nghề dệt này chính thức được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Cùng với những nỗ lực của nhà thiết kế Minh Hạnh, nghề dệt này đã được giới thiệu tại Nhật Bản và Pháp.

Festival năm 2019 vẫn giữ chủ đề "Tinh hoa nghề Việt", dự kiến diễn ra từ ngày 26-4 đến 2-5 tại Huế. Festival giới thiệu 16 nhóm nghề, các sản phẩm các sản phẩm có thương hiệu và truyền thống lâu đời của 62 làng nghề, cơ sở nghề, trên 350 nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, bàn tay vàng đến từ các làng nghề nổi tiếng trong nước, 68  nghệ nhân của 8 thành phố của các nước có quan hệ kết nghĩa, hợp tác với Huế và 3 Hiệp hội nghề, doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Brazil.

N.Hoa
.
.
.