“Hội họa Truyện Kiều” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
- Giải ngộ nhận về nguồn gốc Truyện Kiều
- Minh họa “Truyện Kiều” dưới cách nhìn minh triết Việt
- Kể “Truyện Kiều” bằng ngôn ngữ ballet
Theo Ban tổ chức, trong lịch sử hội họa Việt Nam đã có rất nhiều danh họa vẽ Kiều như Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Gia Trí, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân... Tuy nhiên, 96 tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn được trưng bày trong triển lãm lần này được kỳ vọng sẽ đem lại cho người thưởng lãm những giá trị nhân văn mới, từ góc nhìn hội họa về các nhân vật đã rất quen thuộc trong Truyện Kiều.
Tranh sơn dầu “Tiếng sắt, tiếng vàng” của họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn. |
Họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn (nghệ danh Sơn Kiều) từng tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc Họa Trung ương và Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Anh đã có thâm niên hơn 20 năm sáng tác tranh lấy cảm hứng từ Truyện Kiều và có nhiều hoạt động gắn với Truyện Kiều như vẽ minh họa kết hợp với thư pháp chữ Nôm của nhà nghiên cứu Châu Hải Đường, giới thiệu các tác phẩm vẽ về Truyện Kiều giới thiệu tại nước ngoài…
Ngoài vẽ Kiều, họa sĩ còn là nhà sưu tập truyện Kiều cổ xưa. Vào tháng 8/2020, tại hội thảo và triển lãm minh họa Truyện Kiều dưới góc nhìn minh triết Việt do Viện Pháp Hà Nội tổ chức, họa sĩ đã công bố bản Kiều Kinh 1898, giới thiệu tới công chúng tác phẩm Truyện Kiều dưới dạng bản kinh ngự dụng (chuyên dành cho vua chúa).
Cuốn Kiều Kinh này được Công Thiệu Đường in vào mùa Đông năm Mậu Tuất (1898), dưới thời vua Thành Thái và được lưu giữ như một tài liệu văn học cho hoàng thân quốc thích sử dụng.
Họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn. |
Họa sĩ còn cho biết, anh vẫn luôn mơ ước về một “không gian văn hóa Kiều” tại Hà Nội, nơi mà chúng ta, bạn bè nước ngoài đều có thể đến và cảm nhận. Ở đó sẽ trưng bày các tác phẩm liên quan đến Kiều như tranh, ảnh, tài liệu cổ. Hiện tại, anh đang cố gắng từng ngày để biến mơ ước này thành hiện thực.
Riêng triển lãm “Hội họa Truyện Kiều” trưng bày chọn lọc các tác phẩm – thành quả hơn 20 năm theo đuổi nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo với các nhân vật Truyện Kiều của họa sĩ. Các tác phẩm được anh vẽ theo xúc cảm, cảm hứng, những nét vẽ trừu tượng khiến người xem tranh phải soi kỹ nhiều lần, khám phá từng đường nét của bức họa và không ngừng tưởng tượng.
Tuy nhiên, các tác phẩm không đơn giản là sự thỏa mãn cá nhân, mà anh còn mong muốn đây sẽ là một phương tiện hữu ích cho giáo dục đương thời, thúc đẩy sự sáng tạo trong mỹ thuật, lan tỏa những giá trị văn hóa của Truyện Kiều trước thời đại mới.
Về họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn, nhà điêu khắc Kù Kao Khải cũng nhận định: Ở Nguyễn Tuấn Sơn có một tố chất hội họa tài năng. Với các tác phẩm minh họa Truyện Kiều, anh vẽ theo một hình thức không gian ước lệ, hình bóp rất đẹp, miêu tả có độ nhấm nháy, bóng, mọng và giàu chất mỹ thuật. Đặc biệt ở những tác phẩm của Nguyễn Tuấn Sơn, các nhân vật mang đậm hơi thở Việt Nam, văn hóa Việt Nam không hề tạp lẫn.