Hoài niệm Tết Trung thu xưa
- Giáo dục di sản từ Lễ hội mặt nạ vui Tết Trung thu
- Phố cổ Hà Nội nhộn nhịp đón Tết Trung thu
- Để Tết Trung thu được trọn vẹn
Những đứa lớn trong độ tuổi thiếu niên được cắt cử vào các đội duyệt đội, đội múa hát, đội thể dục… đã chỉnh tề đầy đủ. Khi các anh chị phụ trách ra hiệu lệnh, các đội vào tập luyện. Những ngày đầu, đôi chân, đôi tay còn trục trặc, đứa chân trái, đứa chân phải, có đứa cùng tay cùng chân cứ loạn cả lên. Nhưng chỉ mất vài buổi tập luyện, hàng ngũ đã dần chỉnh tề và đều tăm tắp như hàng quân. Bọn trẻ nhỏ cũng tập theo các anh chị.
Vào những năm sáu bảy mươi của thế kỷ trước, lớp chúng tôi vào tuổi thiếu niên vui lắm, lúc đó chưa có học thêm và đang độ nghỉ hè, cho nên việc tập luyện cho chuẩn bị cắm trại vui Tết Trung thu là ưu tiên số một. Mỗi xóm là một đội thiếu nhi, xóm nào cũng muốn giành giải trong ngày hội trại nên không ai bảo ai cứ tự giác tập luyện.
Có khi đội nọ còn cử người đi trinh sát đội kia xem họ tập luyện thế nào, múa điệu gì, hát bài nào. Đội xóm tôi có anh phụ trách thông minh nghĩ ra các điệu múa khác với các điệu múa truyền thống diễn ra các năm trước. Nào điệu múa hải quê với điệu hò kéo thuyền trên sóng nước rập rờn, điệu múa phòng không bắn máy bay: “Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua đèo…”, bọn tôi mượn chiếc xe ba gác của gia đình, dựng trên đó một đoạn mương làm nòng pháo, thế là cứ năm đứa một bên khom lưng hò kéo pháo vào trận địa.
Tới đích rồi, đồng chí pháo binh ơi, vinh quang thay sức người lao động, hò dô ta pháo ta vượt đèo. Mọi người cùng vỗ tay, bỗng tiếng người chỉ huy vang lên: “Máy bay địch cách trận địa… mọi người sẵn sàng chiến đấu”, thế là mọi người vào vị trí, người nâng ống nhòm lên nhòm, người xoay nòng pháo, người chuyển đạn. Sau tiếng hò: “địch bổ nhào, bắn”!, tiếng trống đại vang lên cùng tiếng trống con rền vang như một trận địa có cả pháo to và súng liên thanh.
Chiếc đèn mô hình cá chép khổng lồ tại Tết Trung thu. |
Vào ngày thi, chúng tôi còn làm một chiếc máy bay bằng tre nứa, phất giấy treo vào dây qua các ngọn cây, chiếc máy bay cũng vòng lên lao xuống trận địa pháo. Sau tiếng hô bắn, là tiếng hoan hô máy bay rơi. Điệu múa bắn máy bay của đội tôi được nhiều điểm nhất trong hơn 10 đội dự thi.
Ngày thi chúng tôi còn làm súng bằng các bẹ lá chuối, làm các vòng ngụy trang bằng cành lá đeo trên vai để duyệt đội. Ngoài múa hát, duyệt đội, thể dục còn thi truyền tin. Mỗi đội cử hai bạn tham gia.
Ban tổ chức ra đề bằng cách cử một người đứng trên cao ra hiệu lệnh bằng ký hiệu của đôi cánh tay: tạch, tạch tè, tạch, tạch, tè, tè; mỗi ký hiệu là cánh tay đưa ngang vai, hay đưa xuống, đưa lên. Người nhận phải ghi nhớ và dịch ra chữ cái, sau khi hết ký hiệu, các đội ghép thành một câu, ví dụ: “Bạn hãy đến điểm A nhận thông tin”, thế là người trong đội nhanh chóng chạy đến điểm A, đội nào về sớm nhất sẽ được điểm cao.
Về trại, cũng thi đội nào cắm trại nhanh nhất, trại nào trang trí đẹp nhất. Trại nào cũng treo ảnh Bác Hồ, có khẩu hiệu cổ vũ học tập, sinh hoạt tốt.
Cả ngày mười tư và mười rằm làng xã vui tươi trong ngày hội. em nào trong đội thi, góp gạo, tiền để phụ trách đội phân công người nấu cơm mang ra trại để ăn tập trung.
Tối đến chỉ có chiếc đèn măng sông sáng nhất được treo lên cao còn các trại chỉ có những chiếc đèn chai, đèn hoa kì nhỏ. Chiều ngày mười rằm công bố điểm các đội dự thi, phần thưởng chỉ là một vài cuốn sổ, cuốn truyện cho thiếu nhi, nhưng niềm vui thì bất tận.
Tối mười rằm các đội về phá cỗ trông trăng, cỗ cũng chỉ là quả bưởi, quả hồng, gióng mía của các gia đình gom góp tổ chức cho các em.
Tết Trung thu vui là thế, đó là ký ức tuổi thơ của bao nhiêu người. Giờ đây rất ít thôn, xã còn giữ được nét truyền thống này.
Quảng bá giá trị văn hóa truyền thống trong lễ hội “Trung thu phố cổ” Ban Quản lý phố cổ Hà Nội cho biết, lễ hội “Trung thu phố cổ năm 2016” sẽ diễn ra từ ngày 9-9 đến 15-9 tại các điểm di tích phố cổ Hà Nội với rất nhiều hoạt động hướng về các giá trị văn hóa truyền thống. Tại đình Kim Ngân, 42 – 44 Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội, công chúng sẽ có dịp chiêm ngưỡng, tìm hiểu qua hình ảnh về các sản phẩm do các nghệ nhân, thợ thủ công làm đồ chơi trung thu: mặt nạ giấy bồi, tàu thủy sắt tây, đèn kéo quân Cao Viên, ông tiến sỹ giấy, đèn ông sao Báo Đáp - Nam Định, trống Đọi Tam, đầu lân sư làng Gạo, Thiên Nga nhồi bông, cốm làng Vòng... Đây là các hình ảnh được nhiếp ảnh gia Lê Bích ghi lại và giới thiệu đến công chúng qua bộ ảnh “Những người giữ hồn Trung thu”. Trong dịp này, người dân và du khách đến thăm ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, phường Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội sẽ có dịp đắm mình trong không gian Tết Trung thu của Hà Nội đầu thế kỷ XX. Bằng nghệ thuật sắp đặt, Ban tổ chức giúp người xem cảm nhận được không gian Tết trung thu truyền thống của một gia đình người Hà Nội xưa. Tại đền Quan Đế, 28 Hàng Buồm, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, ban tổ chức sẽ kết hợp triển lãm hình ảnh và biểu diễn nghệ thuật múa rối cạn Tế Tiêu, Mỹ Đức, Hà Nội... N.H. |