Gia đình cố nhà thơ Xuân Quỳnh, nhạc sĩ Thuận Yến nói gì về chỉ đạo của Thủ tướng?
“Không được để các quy trình máy móc cản trở việc tôn vinh các tác giả có các tác phẩm văn học nghệ thuật nổi tiếng và có những đóng góp to lớn cho dân tộc” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định như vậy khi nói về việc xét tặng Giải thưởng Hồ chí Minh.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 (ngày 1-3), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ VH-TT&DL nghiên cứu sửa đổi quy định xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, trong đó bổ sung quy trình để Hội đồng xét tặng các danh hiệu này báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét các trường hợp đặc biệt trước khi trình Chủ tịch nước quyết định.
Các trường hợp đặc biệt này là các tác giả, tác phẩm không có giải thưởng trong các cuộc thi hay liên hoan chuyên nghiệp do điều kiện chiến tranh hoặc tác giả đã mất nhưng có những tác phẩm nổi tiếng được xã hội tôn vinh.
Thủ tướng nói rõ, những tác giả thực sự có đóng góp cho xã hội, cho dân tộc, nhất là những người đã qua đời thì càng phải chú ý tôn vinh. Dù trước đây trong thời chiến tranh thì không ai đặt vấn đề khen thưởng hay giải thưởng, nhưng những tác phẩm đó còn mãi với dân tộc.
Danh sách các tác giả được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2016 được công bố ngày 20-2-2017. Tuy nhiên, trước và sau khi danh sách này được công bố, gia đình nhiều nghệ sĩ đã lên tiếng bày tỏ ý kiến vì họ cho rằng cách thức xét tặng chưa thỏa đáng.
Cụ thể, trước ngày danh sách được công bố, gia đình cố thi sĩ Xuân Quỳnh đã gửi thư ngỏ tới các cơ quan chức năng về việc, dù qua 3 vòng xét nữ thi sĩ luôn đạt số phiếu bầu cao trên 90%, nhưng cuối cùng vẫn loại ra khỏi danh sách.
Cố nhà thơ Xuân Quỳnh và cố nhạc sĩ Thuận Yến. (ảnh Tư liệu). |
Trao đổi với phóng viên Báo CAND ngày 2-3, bà Lưu Khánh Thơ, đại diện gia đình cố thi sĩ Xuân Quỳnh đã bày tỏ niềm vui, sự ủng hộ đối với chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. “Giải thưởng mang tính định lượng nhưng các tác phẩm đã đi vào đời sống của nhân dân thì không thể tính bằng định lượng được. Bên cạnh những nguyên tắc, nghị định thì đối với văn học nghệ thuật phải có những khoảng mở. Tôi thấy chỉ đạo của Thủ tướng rất là cần thiết, kịp thời phù hợp với những đánh giá về văn học nghệ thuật”.
Ngoài ra, gia đình cố nhạc sĩ Thuận Yến cũng mới gửi đơn tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị xem xét lại việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Cố nhạc sĩ Thuận Yến là người có nhiều đóng góp cho nền văn hóa, nghệ thuật Việt Nam. Tài năng và công lao của ông cũng đã được Nhà nước ghi nhận với các giải thưởng: Giải thưởng nhà nước được trao 2001; 1 Huân chương Lao động Hạng Ba; 2 Huân chương Lao động hạng Hai; 1 Huân chương Lao động hạng Nhất.
Trao đổi với phóng viên Báo CAND ngày 2-3, NSƯT Hồ Thanh Hương, vợ cố nhạc sĩ Thuận Yến cho biết: “Tôi rất vui mừng khi hay tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo về việc nghiên cứu sửa đổi qui định về xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh bởi trong đời sống nghệ thuật có nhiều người rất giỏi nhưng do hoàn cảnh, họ không có điều kiện để đi thi nhưng tác phẩm của họ được nhân dân cả nước ghi nhận, đánh giá cao”.
Trao đổi với báo chí ngày 2-3, ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ thi đua khen thưởng (Bộ VH-TT&DL) cho biết, sau khi tổ chức lễ trao giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật vào ngày 11-3, Bộ sẽ tổ chức hội nghị lắng nghe ý kiến của tất cả mọi người xung quanh việc thực hiện ba Nghị định (bao gồm Nghị định về xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuât; Nghị định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT).
“Phải xem xét từ cơ sở pháp lý và thực tiễn cuộc sống thì chúng tôi mới đề xuất Thủ tướng chỉnh sửa quy định cho hợp lý” – ông Phùng Huy Cẩn khẳng định.