Đừng để yêu thương đi lệch hướng

Thứ Hai, 16/04/2018, 08:37
Vụ nam sinh Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến (TP Hồ Chí Minh) tự tử do áp lực học tập và không đáp ứng được kỳ vọng của gia đình không phải là chuyện mới. Nhìn lại những câu chuyện đau lòng như vậy trong quá khứ mới thấy rằng, đã từng có những học sinh (HS) khác đã lựa chọn cái chết để “giải thoát” cho bản thân khi các em đã nỗ lực hết sức nhưng vẫn không thể nào đáp ứng được mong đợi của các bậc cha mẹ.

Đừng quá tham lam đặt nặng về tương lai của con

Đã có rất nhiều trường hợp tương tự đau lòng đã xảy ra, nhưng dường như vẫn không đủ để các bậc cha mẹ nhìn lại cách ứng xử của mình với con cái, họ vẫn nghĩ đó chỉ là trường hợp cá biệt và là “chuyện nhà người ta”. Chưa kể, có rất nhiều những HS khác đang hàng ngày phải oằn mình để học, học từ chính khóa đến học thêm, học từ sáng đến khuya, học từ ngày thường đến cuối tuần nhưng cha mẹ vẫn chưa hài lòng, vẫn muốn con mình phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Và hậu quả là áp lực từ việc học tập, tỷ lệ HS có vấn đề về sức khỏe tâm thần ở Việt Nam ngày càng tăng lên theo kết quả của những nghiên cứu về tâm lý gần đây.

Trong số những HS đó, liệu rằng sẽ có thêm bao nhiêu em vì không chịu đựng nổi áp lực, không biết cách vượt qua khó khăn để rồi tìm đến cái chết như một sự giải thoát sau cùng? Câu hỏi này không có bậc phụ huynh nào muốn đặt ra nhưng cũng không thể loại trừ vì rất có thể trong đó có cả con mình.

Có thể, sẽ là đụng chạm nhưng cũng không sai khi nói rằng xuất phát từ nỗi sợ hãi lẫn tham lam về tương lai của con cái, cha mẹ xuất thân từ mọi thành phần đều ít nhiều mong muốn con cái mình học thật giỏi để hy vọng chúng có một công việc ổn định, thu nhập cao. Quan niệm học để tiến thân, đặc biệt là mong con có một chỗ đứng trong chốn “quan trường” đã in hằn trong tâm trí của nhiều thế hệ phụ huynh, bất chấp thực tế hiện nay đã khác nhiều. Nếu thời xưa, học xong là chắc chắn có cơ hội làm việc tốt, nhưng ngày nay, học thôi là chưa đủ đảm bảo để có thể tìm được việc làm.

Những thứ bậc nghề nghiệp cũng có rất nhiều thay đổi và thật ra, không thể nói nghề nào là “vinh”, nghề nào là “nhục” mà quan trọng là người làm nghề có đóng góp được gì cho xã hội hay không. Đôi khi, chính cha mẹ cũng ngạc nhiên khi cho rằng mình không ép buộc con đạt thành tích nhưng tại sao chúng lại căng thẳng đến độ bị lo âu và trầm cảm, thậm chí còn có ý định tự sát.

Thật ra, cha mẹ không nói bằng lời mà thể hiện bằng hành vi của mình. Như sự trầm trồ thèm khát vinh quang của người khác có thành tích điểm số cao, chiếm được nhiều học bổng; hay lộ vẻ thất vọng khi con đem phiếu điểm thấp về nhà,... Những biểu hiện vô tình như những "vết cứa" vào trái tim con mình, đó cũng chính là những biểu hiện của việc ép buộc con phải đạt thành tích cao như con người khác.

Nhà tâm lý học Carl Rogers (1902-1987) cho rằng, để một cá nhân có thể phát triển toàn diện, họ cần một môi trường chân thật, chấp nhận, và đồng cảm. Một môi trường mà trẻ cảm nhận được sự cởi mở và trung thực, yêu thương không điều kiện, và được lắng nghe trong hiểu biết từ cha mẹ và kể cả những người giao tiếp với trẻ. Như vậy, điều mà trẻ cần để có thể phát triển và trưởng thành không có gì quá lớn lao và khó thực hiện mà nó hoàn toàn nằm trong tầm tay của các bậc cha mẹ.

Những kết quả khảo sát trên HS cho thấy, điều các em mong đợi ở cha mẹ chủ yếu là mong được cha mẹ hiểu mình. Dường như, các em cảm thấy khoảng cách giữa mình và cha mẹ xa quá và rất khó để có thể chia sẻ với cha mẹ mọi suy nghĩ, cảm xúc trong cuộc sống hàng ngày. Khi đó, các em sẽ tìm đến những đối tượng khác để được nhận sự cảm thông, chia sẻ hay chỉ biết vùi đầu vào bài vở để không còn thời gian suy nghĩ mông lung và khi đó, khoảng cách, nhất là khoảng cách về tâm lý giữa con cái và cha mẹ ngày càng xa hơn.

"Con sinh ra đã là món quà vô giá của ba mẹ, chính là con, nụ cười trong veo và tiếng nói hồn nhiên mỗi ngày"- trải lòng về tình thương con của người mẹ đã "lội ngược dòng". Ảnh minh hoạ.

Yêu thương con hãy giữ mãi "nụ cười trong veo"

Có rất nhiều bài học đau đớn từ câu chuyện nam sinh nhảy lầu tại Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến. Điều đầu tiên, cha mẹ hãy tự hỏi xem con mình thật sự mong đợi điều gì? Mỗi đứa trẻ có đặc điểm, tính cách hoàn toàn khác nhau nên nhu cầu của trẻ cũng hoàn toàn khác nhau. Khi cha mẹ đáp ứng đúng điều con mình mong đợi và đương nhiên, sự mong đợi ấy phải phù hợp với lứa tuổi, với hoàn cảnh gia đình thì trẻ sẽ cảm thấy hạnh phúc và cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ.

Việc tạo áp lực cho con để con có thêm những động lực cố gắng học tập là điều cần thiết. Tuy nhiên, áp lực ấy phải mang tính tích cực, phải phù hợp với tố chất của từng đứa trẻ và không được quá cao, quá xa với năng lực hiện có của con. Điều tuyệt vời nhất là hãy giúp con nhận thức được vai trò, ý nghĩa của việc học và khi ấy, bản thân con sẽ tự thân vận động, cố gắng để đạt được mục tiêu.

Cha mẹ hãy luôn đồng hành cùng con, luôn sẵn sàng làm bạn cùng con để bất cứ khi nào gặp khó khăn ngoài khả năng giải quyết hay có những dấu hiệu bất thường, cha mẹ sẽ kịp thời hỗ trợ con vượt qua khó khăn.

Xin được chia sẻ bức thư của một người mẹ “lội ngược dòng” gửi cho con gái khi con mình quyết định rời khỏi ngôi trường chuyên “danh giá” nhất TP Hồ Chí Minh để về học tại một trường THPT bình thường và ước mong rằng các bậc cha mẹ sẽ có những phút giây nhìn lại cách yêu thương con của mình để không bao giờ phải thốt lên những lời nói hối tiếc. “Nào ngờ! Không biết con chịu áp lực vậy, con mất tôi đau lòng lắm!”, mẹ của nam sinh trường Nguyễn Khuyến tử vong đã nói.

Con gái yêu của Mẹ,

Rời trường chuyên, con như trút bỏ tấm áo hào nhoáng bó sát để trở về những gì chân thực hồn nhiên của tuổi học trò. Con trút bỏ được những chuỗi ngày vội vã đến trường sáng dậy không thấy bình minh, chiều về không thấy hoàng hôn và những ngày thiếu ngủ. Bỏ hết đi những nỗi lo lắng trong giấc ngủ triền miên về những kỳ thi và điểm số trở về những thứ bình dị, giản đơn nhất… nụ cười trong veo.

Những tấm giấy khen không đánh đổi được sự hồn nhiên. Điểm số không quyết định tương lai. Con sinh ra đã là món quà vô giá của ba mẹ, chính là con, nụ cười trong veo và tiếng nói hồn nhiên mỗi ngày chứ không phải là điểm số con cao hay thấp, con học trường chuyên hay trường thường không ảnh hưởng đến tương lai của con. Ba mẹ không đặt kỳ vọng con là thiên tài, con hãy cứ là đứa con bình thường của ba mẹ, được học, được vui cười, được sống, được thành công, được thất bại. Chính vì con không là thiên tài, nên con cũng có thể làm sai nhưng quan trọng sau mỗi lần sai, con hãy tự mình tìm cách đứng lên và sửa nó. Con tự chịu trách nhiệm với chính bản thân mình.

Yêu con vô điều kiện, mãi mãi bên con!”.

Tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân
.
.
.