Đẹp mê hồn với "áo mới" của một làng chài

Thứ Sáu, 24/06/2016, 19:08
Mặc cho cái nắng của buổi trưa hè vẫn còn oi ả, những ngày qua, một nhóm thiết kế mỹ thuật Hàn Quốc cùng sinh viên tình nguyện Việt – Hàn vẫn đang miệt mài trong việc tạo nên hàng chục bức tranh vô cùng sống động tại thôn Trung Thanh (xã Tam Thanh, TP. Tam Kỳ, Quảng Nam).


Hơn hai tuần qua, 5 họa sĩ Hàn Quốc cùng 12 tình nguyện viên là sinh viên Hàn Quốc và Việt Nam vẫn đang miệt mài với nhiệm vụ của mình. Đó là vẽ hàng chục bức tranh lên các bức tường trong thôn (nghệ thuật bích họa), với hy vọng mang lại diện mạo mới cho những ngôi nhà ven biển Tam Thanh.

Những bức bích họa đã thay đổi hẳn diện mạo của thôn Trung Thanh.

Đây là dự án giao lưu mỹ thuật cộng đồng giữa Việt Nam và Hàn Quốc, do Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc (KF), chương trình định cư con người Liên Hợp Quốc (UN Habitat) cùng UBND TP. Tam Kỳ phối hợp thực hiện.

Nhiều ngày qua, các họa sĩ vẫn miệt mài tạo nên nhiều bức tranh đẹp mắt. 

Khác xa với không khí ảm đạm những ngày trước, những ngôi nhà cấp 4 vốn đã nhạt màu, cũ kỹ giờ đây lại được trở nên tươi mới hơn. Từ ngoài đường lớn cho đến tận cùng các ngõ hẻm, bây giờ nơi đâu cũng ngập tràn màu sắc.

Đời sống của bà con trong vùng được khắc họa rất chân thực trên mỗi bức tranh

Từ những hoa văn trang trí đến những hình hoạt họa, hay cao siêu hơn là những bức chân dung vẽ chính những người con của mảnh đất này, có những bức tranh gần lấp cả một mảng tường... Tất cả được tạo nên từ lòng say mê, nhiệt tình của những vị khách phương xa đã làm cho vùng quê nghèo này bỗng dâng tràn sức sống...

Đường quê rực rỡ sắc màu.

Có lẽ trong số họ, không mấy ai biết được đơn vị nào đã tổ chức hoạt động này, nhưng ai cũng yêu mến và trân trọng những gì mà người ta đã làm cho quê hương mình. Bà Nguyễn Thị Qua (60 tuổi) cho biết:

“Từ hồi thấy người ta về vẽ tranh lên tường thì bà con ở đây thấy vui hẳn lên, vì nhà cửa sáng sủa hơn trước nhiều, với lại thấy họ vẽ rất đẹp nữa, nhất là mấy bức vẽ người trong thôn giống y như thật làm ai cũng hào hứng lắm”.

Ấn tượng với những bức tranh chân dung nhìn như thật.

Chị Trần Diệu Ly – Điều phối chương trình của quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc, cho biết, đây là một hoạt động thiết thực và ý nghĩa nhằm giúp cho thôn Trung Thanh trở nên sạch sẽ, tươi mới mẻ hơn. Đồng thời góp phần vào sự phát triển du lịch và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho địa phương.

Còn chị Park Jeong Ju (sinh viên Hàn Quốc) thì chia sẻ: “Ban đầu các hình vẽ còn chưa nhiều, nhưng khi những bức tường dần được tô kín thì nhìn nơi đây rất tuyệt đẹp. Con người Việt Nam rất thân thiện và mến khách, nên tôi rất vui khi được tham gia và góp sức vào hoạt động văn hóa ý nghĩa này và hy vọng thành quả này của chúng tôi sẽ được nhiều người đón nhận”.

Qủa thật, không chỉ những người dân sinh sống ở đây mới thấy tự hào về bộ mặt mới của địa phương, mà những du khách từ xa đến cũng sẽ cảm thấy vô cùng thích thú khi được tận mắt chiêm ngưỡng loại hình hội họa này.

Từ một bức tường cũ, trải qua nhiều lần sơn lót, phác họa rồi mới đến vẽ màu. Từ đó mới thấy được sự vất vả và say mê không ngừng của các họa sĩ. Đặc biệt hơn nữa, khi đây là lần đầu tiên hoạt động được tổ chức ở Việt Nam thì những bức bích họa này lại mang một ý nghĩa to lớn hơn rất nhiều.

Hà Ngọc
.
.
.