Dấu ấn một triển lãm ảnh của vị Đại tá Công an

Thứ Ba, 06/09/2016, 08:34
Trung tuần tháng tám vừa qua, triển lãm ảnh “Hình tượng người chiến sỹ Công an nhân dân Việt Nam” tại Trung tâm triển lãm 29 Hàng Bài – Hà Nội đã thu hút khá nhiều người tới xem.


Với hơn 100 bức ảnh về người chiến sĩ Công an, từ học tập rèn luyện đến việc thực thi nhiệm vụ hoặc cuộc sống đời thường đã phản ánh khá sinh động nét đặc thù của nghề nghiệp những người bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tác giả của bộ ảnh là nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Duy Tường, người mà giới nhiếp ảnh Hà Nội biết đến với tinh thần khắc phục khó khăn về sức khỏe, đam mê nhiếp ảnh.

Ông đã từng bị căn bệnh ung thư, bị cắt bỏ toàn bộ dạ dày từ năm 2004 tưởng chừng không thể vượt qua, nhưng bằng nghị lực phi thường ông tiếp tục lao động sáng tạo trong công tác chuyên môn và sáng tác ảnh.

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Duy Tường.

Là một chiến sĩ Công an đã qua làm trinh sát rồi làm công tác giảng dạy tại Trường Trung cấp An ninh nhân dân, ông thấu hiểu công việc của người Công an đầy thầm lặng và gian khó. Nguyễn Duy Tường cho biết, các bức ảnh của ông luôn xoay quanh chủ đề: Công an nhân dân làm theo 6 điều Bác Hồ dạy, Học  tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại các đơn vị và từng cá nhân.

Với điều kiện công tác và sức khỏe như vậy ông làm thế nào để có thể sáng tác được nhiều bức ảnh ở nhiều thời gian, địa điểm, thời tiết như vậy. 

Trả lời băn khoăn của nhiều người, Đại tá Nguyễn Duy Tường cho biết: Vì đã đam mê nên biết sắp xếp thời gian vừa có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ vừa tham gia sáng tác. Tôi không muốn có thời gian nhàn rỗi để gặm nhấm bởi bệnh tật, “Quẳng gánh lo đi mà vui sống” chính là câu khẩu hiệu nằm lòng khiến tôi xách máy ra đường mỗi khi có điều kiện.

Duy Tường đã nhiều năm cộng tác với các báo trong và ngoài ngành, cộng tác với các nhà xuất bản làm sách như với Viện Khoa học xã hội Việt Nam làm sách “1000 năm Thăng Long - Hà Nội” 3 tập, với Liên hiệp Khoa học kỹ thuật và công nghệ 4 tập cuốn “Tổng tập văn hiến nghìn năm Thăng Long” với hơn 300 ảnh được sử dụng và được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen là tác giả có nhiều ảnh nhất được đăng tải trong sách.

Một bức ảnh của Đại tá Nguyễn Duy Tường ghi lại hoạt động giúp dân của Công an cơ sở.

Từ khi nghỉ hưu, ông càng có điều kiện về thời gian để cùng câu lạc bộ, hoặc các bạn bè đi sáng tác ở nhiều nơi từ Nam ra Bắc. Đôi khi các bạn bè cũng ngại vì sức khỏe của ông yếu nên khuyên nghỉ ngơi, nhưng ông hứa sẽ đi được không để ảnh hưởng đến anh em.

Trong 3 cuộc thi do Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội và Công an thành phố Hà Nội phát động với chủ đề: “Công an Hà Nội vì nhân dân phục vụ, vì Thủ đô bình yên”, là điều kiện để ông được xâm nhập thực tế tại nhiều đơn vị để tác nghiệp nên có nhiều ảnh được treo triển lãm và giải.

Với hàng nghìn bức ảnh về chiến sĩ Công an để chọn ra bộ ảnh hơn một trăm ảnh triển lãm chính là lòng tri ân với lực lượng Công an đã rèn luyện và tạo điều kiện để ông có kết quả như hôm nay trong sự nghiệp công tác và sáng tác.

Trong buổi khai mạc 22-8-2016, các nghệ sĩ nhiếp ảnh đến dự khá đông; Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng và Vũ Văn Cảnh đã phát biểu: “Tôi tỏ lòng khâm phục nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Duy Tường với điều kiện sức khỏe do căn bệnh ung thư hàng chục năm như vậy mà vẫn sáng tác và tổ chức cuộc triển lãm hoành tráng như thế này”; “Cuộc triển lãm của tác giả như một thông điệp gửi tới giới nghệ sĩ như chúng tôi cần hăng hái hơn nữa trong sáng tác để có hiệu quả hơn”.

Trong năm ngày, triển lãm đã đón gần 20 đoàn của các đơn vị Công an thành phố Hà Nội  tới tham quan. Nhiều chiến sĩ Công an ghi vào sổ cảm tưởng: “Chúng tôi rất tự hào khi xem các hình ảnh về người Công an trong các lĩnh vực hoạt động, chúng tôi như thấy mình trong các hình ảnh mà Đại tá Duy Tường đã ghi nhận được”. 

Những người dân khi xem ảnh thì phát biểu: “Đúng là khi xem ảnh mới thấy lực lượng Công an rất âm thầm và gian khó trong công tác bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, từ đây cũng xóa đi hình ảnh không đẹp của một số cá nhân làm ảnh hưởng đến truyền thống tốt đẹp của lực lượng Công an”.

Nguyễn Đức Căn
.
.
.