Đạo diễn Matthieu Haag: 5 năm và 70 phút phim về Việt Nam

Thứ Ba, 19/06/2018, 13:53
Những ngày diễn ra Liên hoan phim châu Âu - Việt Nam 2018, nhiều khán giả trong và ngoài nước vô cùng ngạc nhiên, thích thú với bộ phim tài liệu “Mái ấm xa mẹ”. Với chất liệu mộc mạc từ đời sống hiện thực, dưới lăng kính của một đạo diễn nước ngoài, bộ phim mang đến cái nhìn mới, giúp khán giả có thêm cách hiểu về đất nước, cuộc sống và văn hóa Việt.


Đây cũng là tác phẩm từng đạt được nhiều giải thưởng uy tín như Giải Phim Tài liệu hay nhất Liên hoan phim Quốc tế Martinique, được bình chọn trong Liên hoan Phim Quốc tế Nyon “Tầm nhìn thưc tiễn”, chọn chiếu bế mạc của Liên hoan Phim Olonne, Pháp năm 2018.  Đạo diễn Matthieu Haag cũng đã chia sẻ khá nhiều điều thú vị về quan điểm nghệ thuật cũng như hậu trường của tác phẩm nhiều giải thưởng này.

Phóng viên: Thưa đạo diễn Matthieu, điều gì đã thôi thúc ông làm dày công đầu tư cho bộ phim tài liệu về trại trẻ mồ côi Việt Nam “Mái ấm xa mẹ”?

 Đạo diễn Matthieu Haag: Dưới góc nhìn của 1 đạo diễn phim tài liệu thì đề tài trẻ mồ côi không có gì thu hút tôi cả. Đơn giản là tôi không phải chuyên gia trong chủ đề này. Điều thu hút tôi không liên quan gì đến chủ đề phim. Mọi chuyện bắt đầu khi chúng tôi có một phim đã quay xong ở Việt Nam và quyết định dành 15 ngày để khám phá đất nước này. Sau đó chúng tôi không đi du lịch mà thống nhất là nên làm một phim khác. 

Tôi vô tình gặp ông Tiến (nhân vật chính trong phim – ông Vũ Tiến), mang camera quay nhưng nói thật là chúng tôi không hiểu nhau vì không nói cùng 1 ngôn ngữ. Cái khiến tôi có cảm giác thấu hiểu ông chính là giọng kể của ông. Sau đó, khi trở lại Pháp, tôi đã xem đi xem lại video rất nhiều lần, rồi nhận được bản dịch cái đoạn mà ông Tiến kể về cuộc đời ông ấy và mái ấm xa mẹ. Khi đấy, tôi mới bắt đầu có ý tưởng làm một bộ phim về ông và mái ấm này. Kết quả là bộ phim hôm nay mà các bạn đã thấy.

Đạo diễn Matthieu Haag

Phóng viên: Cơ duyên nào để đạo diễn gặp nhân vật chính của phim – ông Vũ Tiến?

Đạo diễn Matthieu: Cơ duyên  đến với tôi một cách rất tình cờ. Như tôi đã chia sẻ là tôi đến Việt Nam với mục đích ban đầu là làm 1 bộ phim ngắn đã được đặt hàng từ trước. Đó là năm 2013. 

Theo kế hoạch, chúng tôi quay tại Việt Nam trong 1 tháng nhưng đã hoàn thành công việc trong 15 ngày sau đó. Chúng tôi đã dự định ở lại để tận hưởng một chuyến du lịch, khám phá Hạ Long, đi Sapa hay bất kỳ đâu. Nhưng sau đó, chúng tôi lại thay đổi ý định, dành thời gian để làm 1 phim ngắn khác về Việt Nam và là phim giả tưởng. Bộ phim này kể về 2 cha con. Người cha sắp lìa xa cõi đời. Ông có người con trai 12 tuổi. Ông phải nói với con mình là hiện tại cha sắp qua đời và con sẽ là chủ gia đình, là người chăm sóc mẹ, chăm sóc các em.Thế nhưng, rất là khó để người cha có thể nói với đứa con nhỏ của mình như vậy.

 Tôi đã gặp diễn viên người Việt. Anh này đã nhận lời giúp chúng tôi vào vai người cha và tìm giúp nhân vật chính thứ 2 vào vai người con trai. Anh còn khuyên chúng tôi đến trại trẻ mồ côi để gặp gỡ với các em nhỏ ở đó vì các em nhỏ này sẽ  có những trải nghiệm rất là khác, có thể có nhiều kinh nghiệm sống hơn. Chúng tôi đã đến gặp ông Vũ Tiến, tìm hiểu về “Mái ấm xa mẹ” của ông. Quá trình tiếp xúc, tôi nhận thấy, bộ phim tài liệu về mái ấm này mới chính là điều mình muốn làm.

Cảnh trong phim "Mái ấm xa mẹ"

Phóng viên: Trong phim, ông nhấn mạnh về tình cảm cha con. Ông nghĩ sao về mối quan hệ giữa cha và con cũng như tình cảm gia đình nói chung trong các bộ phim 10 năm trở lại đây?

Đạo diễn Matthieu Haag: Cách đây 20 năm khi tôi bắt đầu bước chân vào lĩnh vực làm phim thì các đạo diễn kì cựu, các bậc đàn anh của tôi có chia sẻ rằng sau này sẽ có lúc tôi làm bộ phim về cuộc đời tôi, làm những bộ phim mà có khi cùng một chủ đề nhưng làm đi làm lại. Khi ấy tôi chỉ cười mà không nói gì cả. Thực tế, trước bộ phim “Mái ấm xa mẹ”, tôi đã có 2 phim về chủ đề gia đình. Với tôi, chủ đề về cha con rất là quen thuộc nhưng các phim trước khai thác dưới góc độ khác. Phim này, tôi khai thác tình về cha con, về mối quan hệ gia đình không cùng chung huyết thống.

 Phóng viên: Đạo diễn và nhân vật chính trong phim - ông Vũ Tiến không nói cùng ngôn ngữ. Làm thế nào để ông vượt qua được khó khăn này?

Đạo diễn Matthieu Haag: Không nói cùng ngôn ngữ đúng là khó khăn của tôi khi thực hiện phim và khó khăn nhất là lúc vào dựng phim. Khi mà làm việc với đoàn làm phim của mình lần thứ 2, đoàn đã quyết định tôi là người đứng ra dựng 1 mình bộ phim này chứ không nhờ chuyên gia bên ngoài. Lý do là để tôi có thể cảm nhận hết bộ phim  và vì những người bên ngoài sẽ để lại hay thiếu sót 1 phần nào đấy. Tôi lại không biếttiếng Việt. Khi dựng phim,  tôi phải nhờ rất nhiều phiên dịch viên giúp đỡ. Chưa kể, tôi là người nước ngoài đến Việt Nam, có góc nhìn khác và có thể là không tương đồng với các bạn. 

Tôi đã buộc mình phải hòa nhập vào cuộc sống của các bạn, nắm được nhịp điệu ngôn ngữ của các bạn. Để có được bộ phim 70 phút mà bạn xem hôm nay, tôi đã phải mất 5 năm. Thời gian này, tôi phải xoay sở rất nhiều. Đầu tiên, tôi chọn cách kể câu chuyện qua lời của tôi, sau đó là người cha nuôi của lũ trẻ - ông Vũ Tiến rồi cậu bé Kiên, một cậu bé rất nhỏ, được ông Tiến nhận về nuôi.  Cuối cùng, tôi chọn cho mình vai trò của người giám sát cuộc sống của mái ấm, trực tiếp tham gia vào đó, cảm nhận mình trong vai trò của người cha. Tôi lựa chọn những thời điểm phù hợp để quay, sau đó dựng lại. Tôi rất vui vì mình đã lựa chọn cách làm này. Xét cho cùng thì nghệ thuật cần có sự quyết liệt, chấp nhận dấn thân như thế.

Phóng viên: Xin cảm đạo diễn. Chúc ông có những ngày lưu lại Việt Nam vui vẻ và tìm thêm được nhiều cảm hứng cho các sáng tạo nghệ thuật của mình.


Nguyễn Thị Thủy
.
.
.