Cuộc thi “Văn học tuổi 20” lần 6 không có giải nhất

Chủ Nhật, 23/12/2018, 16:11

Vượt qua gần 500 tác phẩm, “Wittgenstein của Thiên đường đen” của tác giả Maik Cây và “Người lạ” của Mai Thảo Yên đồng đoạt giải nhì trị giá 50 triệu đồng. Cuộc thi lần này không có giải nhất vì chất lượng tác phẩm rất đồng đều, ngang tài ngang sức.


Ngày 23-12, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra lễ tổng kết và trao giải cuộc thi “Văn học tuổi 20” lần 6. Kéo dài 3 năm (từ tháng 12-2015 đến tháng 5-2018) với chủ đề “Viết về cuộc sống của giới trẻ hiện nay, với những suy nghĩ, ước mơ, hành động”, cuộc thi lần này nhận số lượng tác phẩm dự thi vượt trội và đa phần tập trung ở những tác giả trẻ thế hệ 9x dù ban tổ chức không giới hạn độ tuổi thí sinh. Đặc biệt, có 14  bạn trẻ Việt Nam đang làm việc và học tập ở nước ngoài gửi tác phẩm về dự thi (Úc, Nhật, Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Singapore,Anh, Mỹ, Thụy Điển, Bỉ, Đài Loan).

Tác giả Maik Cây và Mai Thảo Yên đoạt giải nhì.

Vượt qua gần 500 tác phẩm, “Wittgenstein của Thiên đường đen” của Maik Cây và “Người lạ” của Mai Thảo Yên đồng đoạt giải nhì trị giá 50 triệu đồng. Giải ba thuộc về các tác phẩm: “Sau những ngày mưa” của Phạm Thu Hà, “Yagon - Những kẻ vô cảm” của Phạm Bá Diệp, “Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa” của Hiền Trang. Giải tư thuộc về “Chuyến tàu nhật thực” - Đinh Phương, “Cửa sổ phía đông”  – Nguyễn Thị Kim Hòa, “Độc hành” – Nguyễn Đình Khoa, “Nhân gian nằm nghiêng” – Đặng Hằng. Riêng tác phẩm “Cánh đồng ngựa” của Nguyên Nguyên được trao giải “Tác phẩm được yêu thích nhất” do bạn đọc bình chọn.

Ban giám khảo Giải thưởng “Văn học tuổi 20” lần 6 gồm: PGS.TS Nguyễn Thành Thi, nhà văn Phan Hồn Nhiên, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, nhà văn Nguyễn Bình Phương. Cuộc thi lần này không có giải nhất và ở hạng mục giải nhì, giải ba có nhiều tác phẩm đồng đoạt giải vì theo ban giám khảo, chất lượng tác phẩm rất đồng đều, ngang tài ngang sức.

Các tác giả đoạt giải cuộc thi “Văn học tuổi 20” lần 6.

Ông Dương Thành Truyền, Trưởng ban tổ chức cuộc thi đánh giá: “Điều khiến Văn học tuổi 20 lần này khác biệt và hấp dẫn chính là những góc nhìn mạnh mẽ và thẳng thắn của người viết về chính mình trên con đường tìm kiếm bản ngã khi đối diện và trả lời những vấn đề gai góc của con người và xã hội. Các tác giả hầu hết đều thuộc lứa tuổi 20 nhưng đã có cái nhìn sâu rộng với vốn hiểu biết dày dặn bởi học thức và trải nghiệm. Họ đã đi để khám phá thế giới và khám phá bản thân. Họ khao khát trả lời những câu hỏi “vì sao”, “tôi là ai”, “thế giới này tại sao như vậy”. Họ là những người trẻ chọn xê dịch làm một phần tất yếu của cuộc sống, chọn tri thức làm nền tảng của sức mạnh sáng tác và chọn phá cách làm cảm hứng sáng tạo”.


Quỳnh Nga
.
.
.