Cuộc đua gay cấn của những “ông vua” phòng vé
Với khẩu hiệu "Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam dân tộc, nhân văn, sáng tạo và hội nhập", liên hoan năm nay quy tụ 104 bộ phim tham gia chương trình toàn cảnh và tranh giải.
Trong đó, 74 phim tranh giải được chia thành bốn nhóm: 16 phim truyện điện ảnh, 29 phim tài liệu, 9 phim khoa học và 20 phim hoạt hình. Tuy số lượng còn khiêm tốn nhưng liên hoan lần này đã xuất hiện trở lại các bộ phim điện ảnh do nhà nước đầu tư sản xuất sau nhiều năm vắng bóng.
Phim “Hai Phượng” – “bom tấn” phòng vé năm 2019, tham gia tranh giải tại Liên hoan phim. |
Đó là bốn phim: “Nơi ta không thuộc về”, “Hợp đồng bán mình” (100% vốn Nhà nước), “Thạch thảo”, “Truyền thuyết về Quán Tiên” (Nhà nước bắt tay với tư nhân). Ngoài phim “Thạch thảo” đã được công chiếu và có mức doanh thu thấp, điều đáng tiếc là ba bộ phim Nhà nước còn lại đều chưa được chiếu rộng rãi đến công chúng. Chỉ trước thềm liên hoan, phim mới chiếu vài suất cho khán giả và báo giới.
Tuy nhiên, chính vì công chúng chưa tiếp cận nhiều với các bộ phim này nên không biết mức độ ăn khách, hay dở của phim như thế nào. Lâu nay, sản xuất ra để làm nhiệm vụ tuyên truyền, phục vụ nội bộ rồi cất kho là vấn đề nan giải của phim nhà nước.
Trong khi đó, phim điện ảnh của hãng tư nhân chiếm số lượng áp đảo với 12 phim gồm: “100 ngày bên em”, “Khi con là nhà”, “Hai Phượng”, “Người bất tử”, “Anh thầy ngôi sao”, “Cua lại vợ bầu”, “Lật mặt 4: Nhà có khách”, “Thưa mẹ con đi”, “Song lang”, “11 niềm hy vọng”, “Tháng năm rực rỡ”, “Hạnh phúc của mẹ”.
Theo PGS.TS Trần Luân Kim, Chủ tịch Ban Giám khảo hạng mục phim truyện điện ảnh, chất lượng các bộ phim dự thi năm nay khá đồng đều, ít phim thảm họa. Đề tài, nội dung, thể loại cũng phong phú, đa dạng, từ rom-com (lãng mạn – hài hước) đến kinh dị, hài – kinh dị, hành động, tâm lý tình cảm, lịch sử chiến tranh...
Những bộ phim đậm chất nghệ thuật, được dư luận đánh giá cao của các nhà làm phim độc lập như “Song lang”, “Thưa mẹ con đi” cũng được dịp so tài, hứa hẹn làm nên chuyện.
Năm 2018 và 2019 không chỉ đánh dấu sự tăng trưởng mạnh mẽ của điện ảnh nước nhà mà còn khẳng định sự lớn mạnh về mặt chất lượng, sáng tạo của người làm nghề. Trung bình có khoảng 70 phim ra rạp mỗi năm. Điều đáng mừng trên hết chính là năm qua, phim Việt đã có hàng loạt siêu phẩm khuấy đảo phòng vé cả về doanh thu lẫn chuyên môn.
Đó là những cái tên nổi bật như: “Hai Phượng” (doanh thu 200 tỷ, trở thành phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời), “Cua lại vợ bầu”, “Lật mặt 4: Nhà có khách”, “Tháng năm rực rỡ”, “Người bất tử”... Riêng “Hai Phượng”, “Lật mặt 4: Nhà có khách” không chỉ ra rạp trong nước mà còn chiếu thương mại ở các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc. Đây là bước đà để phim Việt tiếp cận cộng đồng yêu điện ảnh trên thế giới, giới thiệu một Việt Nam nhiều bản sắc. Tại Liên hoan phim Việt Nam lần 21, những “ông vua” phòng vé trên đều có mặt, hứa hẹn một cuộc đua khốc liệt, đáng kỳ vọng.
Nếu như mọi năm, Ban Tổ chức Liên hoan phim Việt Nam phải rất vất vả để gom phim dự thi và trao giải Bông sen Vàng theo kiểu “so bó đũa chọn cột cờ” thì năm nay, các ứng viên tăng dần.
Thế nhưng, đại diện ban tổ chức, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông thẳng thắn: “Nếu không có phim nào thật sự nổi trội, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu tính nhân văn và có dấu ấn sáng tạo để trao Bông sen Vàng thì chúng tôi cũng không gượng ép bằng mọi giá. Làm sao để chất lượng phim phải đảm bảo, giải phải có tính thuyết phục, uy tín”.
Riêng phim Nhà nước và phim tư nhân cũng không có sự phân biệt mà đánh giá chung dựa trên chất lượng để tránh tình trạng “hòa cả làng” - tư nhân có giải thì nhà nước cũng có giải. Đây được coi là động thái đáng hoan nghênh, góp phần làm cho nền điện ảnh được nhìn nhận, đánh giá đúng thực lực. Từ đó, người làm phim cố gắng hoàn thiện phấn đấu để có những tác phẩm tốt hơn trong tương lai.
Ngoài chương trình chiếu phim toàn cảnh, liên hoan phim còn có các hoạt động bên lề sôi nổi như: Hội thảo chuyên môn “Bối cảnh quay phim Việt Nam”; hội thảo “Nâng cao chất lượng phim Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế”; triển lãm “Biển đảo Việt Nam qua góc nhìn điện ảnh”; giao lưu giữa đoàn phim với khán giả... Lễ bế mạc và trao giải Liên hoan phim Việt Nam lần 21 sẽ diễn ra vào lúc 20h ngày 27-11 tại TP Vũng Tàu.