Công bố trực tuyến nhiều tư liệu quý về quan hệ Việt – Nhật

Thứ Năm, 20/09/2018, 17:42

Ngày 20-9, hàng loạt tư liệu quý về quan hệ bang giao giữa Việt Nam - Nhật Bản được khai thác từ kho lưu trữ quốc gia hai nước đã được trưng bày trực tuyến và đồng thời khai mạc tại Việt Nam và Nhật Bản.



Có chủ đề “Việt Nam - Nhật Bản: Lịch sử quan hệ hợp tác qua tài liệu lưu trữ”, đây cũng là triển lãm trực tuyến đầu tiên do Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Việt Nam và Lưu trữ Quốc gia Nhật Bản hợp tác thực hiện nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Nhật.

Giới thiệu hơn 50 tài liệu bằng 3 ngôn ngữ: Tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Nhật Bản, triển lãm giúp người xem dễ dàng theo dõi tiến trình lịch sử mối quan hệ giữa hai nước qua nhiều thế kỷ.  Trải dài từ thời kỳ sơ khai, qua sơ kỳ cận đại, thời cận – hiện đại và Việt Nam – Nhật Bản “Đối tác cũ – Quan hệ mới”, triển lãm đưa người xem ngược trở về quá khứ. Những ghi chép của các trang sử ký cho thấy, từ năm 736, tăng sĩ Chăm-pa Phật Triết đã sang Nhật để truyền giảng Phật đạo. Ông được suy tôn là tông sư của Nhã nhạc Nhật Bản do đã có công truyền dạy các vũ điệu Lâm Ấp. Các vũ điệu sau này trở thành một phần quan trọng của Nhã nhạc Nhật Bản.

Đại biểu và khách tham quan triển lãm tại "đầu cầu" Hà Nội

Ở Việt Nam, Nhã nhạc cung đình đã xuất hiện từ sớm nhưng phải đến thời kỳ nhà Nguyễn mới phát triển rực rỡ và đạt đến trình độ uyên bác. Nhiều hình ảnh về ban nhạc cung đình Huế thời kỳ này đã được các nhiếp ảnh gia nước ngoài ghi lại. Đặc biệt, một tài liệu có nội dung về nhạc phổ và nhạc chương Nhã nhạc cung đình Huế đã được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế sưu tầm từ một nghệ nhân Nhã nhạc năm 2008.

Tư liệu về quan hệ 2 nước trưng bày tại triển lãm

Từ những giao lưu tôn giáo và văn hóa bước đầu, mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản không ngừng được mở rộng sang nhiều lĩnh vực như hàng hải, thương mại… Lịch sử đã chứng kiến những con thuyền Châu ấn của Nhật vượt biển sang Việt Nam buôn bán, góp phần tạo nên những thương cảng phồn thịnh ở miền Trung Việt Nam thời chúa Nguyễn, trong đó có Hội An với những dấu ấn văn hóa Phù Tang đậm nét còn lưu lại đến ngày nay mà tiêu biểu nhất là chùa Cầu -di tích quan trọng đánh dấu sự giao lưu kinh doanh buôn bán lâu dài của người Nhật tại cảng thị này.

Tài liệu lưu trữ giới thiệu trong triển lãm lần này cũng cho thấy, mặc dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử ở thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX nhưng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản chưa hề bị gián đoạn. Đã có những sinh viên Việt Nam được thụ hưởng nền giáo dục tiên tiến của Nhật Bản. Đã có những Hiệp hội Việt - Nhật, Hiệp hội Nhật – Việt được thành lập và nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tìm được con đường đến với đất nước mặt trời mọc. 

Góc triển lãm tại tư liệu tại Hà Nội

Đó chính là những tiền đề để Chính phủ hai nước đàm phán tiến tới chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 21 - 9 -1973 - dấu mốc quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản. 

 Ngoài các tài liệu về quá trình đi đến thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước được giới thiệu tại triển lãm, trong đó có bức ảnh ông Yoshihiro Nakayama, Đại sứ Nhật Bản và ông Võ Văn Sung, Quyền Đại sứ Việt Nam DCCH tại Pháp ký Công hàm trao đổi về việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước tại Văn phòng của Phái đoàn thường trực Việt Nam ở Paris, tư liệu về các hoạt động viện trợ kinh tế, kỹ thuật của Nhật Bản dành cho Việt Nam, các chuyến thăm cao cấp của lãnh đạo hai nước…


Hoa Nguyễn
.
.
.