Công bố những phát hiện mới về khảo cổ học tại Việt Nam
- Cơ hội khám phá nhiều báu vật khảo cổ học Việt Nam
- Khảo cổ học Mông Cổ lâm nguy
- Sẽ khai quật khảo cổ học tại nút giao Đào Tấn và tuyến đê Bưởi
Chiều 29-9, tại TP Huế, Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích (BTDT) Cố đô Huế đã tổ chức hội nghị thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học Việt Nam lần thứ 53 năm 2018.
Hội nghị diễn ra trong 2 ngày với sự tham gia của gần 400 đại biểu là các nhà nghiên cứu khảo cổ học và các lĩnh vực khác thuộc khoa học xã hội và tự nhiên, cơ quan quản lý văn hóa, bảo tàng học.
Theo PGS.TS Nguyễn Giang Hải, Viện trưởng Viện Khảo cổ học, hội nghị có hơn 350 báo cáo, tham luận được trình bày tại 4 tiểu ban gồm: Khảo cổ học tiền sử, khảo cổ học lịch sử, khảo cổ học dưới nước và khảo cổ học Chămpa-Óc Eo.
Hội nghị thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học Việt Nam lần thứ 53 năm 2018 được tổ chức tại TP Huế vào chiều 29-9. |
Theo đó, trong năm 2017-2018, hoạt động khảo cổ học trên toàn quốc diễn ra rất sôi nổi, rộng khắp và đạt hiệu quả cao. Cụ thể, năm 2018, Viện Khảo cổ học phối hợp với Viện Khảo cổ học - Dân tộc học Novosibirsk (CHLB Nga) và Sở VHTT&DL tỉnh Gia Lai khai quật mở rộng nhóm di tích Rộc Tưng (gồm Rộc Tưng 1, Rộc Tưng 4, Rộc Tưng 7) và thám sát Rộc Tưng 6 và 8 thuộc thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai.
Kết quả khai quật bước đầu ghi nhận ở thung lũng An Khê tồn tại nhóm di tích cư trú, tiêu biểu là Rộc Tưng 1. Tất cả di tích và di vật của hố khai quật Rộc Tưng 1 đã được bảo lưu tại chỗ trong nhà mái che và là điểm tham quan, nghiên cứu duy nhất hiện nay về khảo cổ học sơ kỳ đá cũ ở Việt Nam.
Hình ảnh xương răng và võ nhuyễn thể trong hang khai quật C6 được công bố tại hội nghị. |
Ngoài ra, Viện Khảo cổ học còn phối hợp với Bảo tàng Đắk Lắk tiến hành khai quật thăm dò tại 3 địa điểm Chàng Hai, Sình Mây, buôn Tơ Roa (xã Cư A Mung, huyện Ea Hleo). Kết quả cho thấy tầng văn hóa các di chỉ này khá mỏng, mang tính chất di chỉ xương có niên đại khoảng 3000 – 2500 năm cách ngày nay.
Khai quật di tích Khu Đường (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) còn phát hiện 6.717 mảnh gốm và 78 hiện vật đá của các loại hình rìu, bôn, mảnh vòng tay. Kết quả khai quật tiếp tục khẳng định Khu Đường là một di tích cư trú một tầng văn hóa thuần nhất, thuộc giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên điển hình.
Mảnh gốm, công cụ đá được phát hiện ở di tích Đồng Chổi (Vân Đồn, Quảng Ninh) trong chương trình hợp tác quốc tế khảo cổ học dưới nước năm 2018. |
PGS.TS Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học còn cho biết: “Thực hiện khuyến nghị của UNESCO, Viện còn phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội tiến hành khai quật khu vực phía Đông Bắc di tích nền điện Kính Thiên- Hoàng thành Thăng Long và phía Đông Nam khu vực hành cung thời Nguyễn. Các dấu tích kiến trúc xuất lộ với tầng văn hóa diễn biến phức tạp, các di tích chồng xếp, cắt phá nhau, đáng chú ý là các dấu tích kiến trúc thời Trần được phát hiện có dải nền trang trí hoa chanh lớn nhất từ trước tới nay".
Các hiện vật thu được từ khảo cổ chứng minh di tích Bãi Làng (Quảng Nam) là thương cảng trên con đường buôn bán Trung Quốc - Đông Nam Á - Tây Á vào thế kỷ 9 - 10. |
Hay cuộc khai quật phế tích kiến trúc tại khu vực phía sau chùa Hoa Yên (tỉnh Quảng Ninh) đã tìm thấy dấu vết hai lớp kiến trúc, trong đó lớp thứ nhất có niên đại thời Mạc, thế kỷ 16; lớp thứ hai là kiến trúc thời Lê Trung Hưng, thế kỷ 18. Ngoài ra còn có các di vật, chủ yếu là vật liệu kiến trúc như một số viên ngói có in nổi chữ Hán với nội dung Tam Bảo và Chân Không.
Đặc biệt, trong khuôn khổ chương trình hợp tác quốc tế về khảo cổ học dưới nước năm 2018 giữa nhóm chuyên gia quốc tế VMAP với Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Lịch sử tỉnh Quảng Ninh, đoàn đã tiến hành thám sát di tích Đồng Chổi, Vân Đồn. Kết quả thám sát cho thấy dấu tích cư trú của con người thời kỳ văn hóa Hạ Long được phát hiện phân bố rộng trên gò Đồng Chổi với mật độ dày đặc và số lượng rất lớn mảnh gốm cùng nhiều loại hình công cụ đá.
Những phát hiện mới về khảo cổ học ở Việt Nam trong năm 2018 được công bố thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học. |
Tiếp đó, công tác khai quật di tích Bãi Làng (Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam) cho thấy Bãi Làng là một khu cư trú của người Champa với di vật chủ yếu gồm các loại hình vật dụng thường ngày như nồi, bát, cốc, bình, hạt chuỗi. Ngoài ra, những sản phẩm mang đặc trưng của con đường buôn bán trên Biển Đông như thủy tinh Islam, hạt chuỗi indopacific, gốm Đường… minh chứng Bãi Làng là một thương cảng trên con đường buôn bán Trung Quốc - Đông Nam Á - Tây Á vào thế kỷ 9 - 10...
Và những phát hiện mới, những kết quả nghiên cứu trong công tác khảo cổ học sẽ là động lực để Viện Khảo cổ học và các cơ quan liên quan phối hợp xây dựng các chương trình nghiên cứu, góp phần bảo vệ, phát huy các giá trị của di sản trong lòng đất.