Chung quanh chuyện làm mới tác phẩm cũ

Thứ Ba, 15/03/2016, 08:22
Làm lại, dựng lại, thậm chí chủ đích mượn ít nhiều những tác phẩm đã đi vào lòng người để làm tác phẩm mới hơn là cách thức đang được chọn lựa khá nhiều trong hoạt động nghệ thuật thời gian gần đây trong hành trình tìm kiếm khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Với người làm nghề, đây cũng là cơ hội để thỏa mãn đam mê, dù rằng, những sản phẩm này còn gây nhiều tranh cãi, thậm chí là nhiều luồng ý kiến trái chiều khiến dư luận ồn ào.

Tại TP Hồ Chí Minh, có lẽ sân khấu Hoàng Thái Thanh là đơn vị dẫn đầu về số lượng vở diễn dựng lại. Nhưng, khán giả trung thành với sân khấu này nói chung, Nghệ sĩ ưu tú Thành Hội, Ái Như nói riêng vẫn không thể không bất ngờ và tò mò trước những thông tin được tiết lộ trước ngày vở “Lan và Điệp” ra mắt. 

Xuất phát điểm là truyện dài “Tắt lửa lòng” của nhà văn Nguyễn Công Hoan nhưng sau hàng loạt phiên bản phim, kịch, cải lương, chuyện tình Lan và Điệp nổi tiếng đến mức hiện nay, không ít người quên hẳn hoặc không biết Lan và Điệp có “xuất xứ” từ tác phẩm văn học nổi tiếng một thời. 

Tất nhiên, “Lan và Điệp” trên sân khấu Hoàng Thái Thanh gây chú ý không chỉ bởi những hào quang đã qua. Vẫn là chuyện tình của Lan và Điệp nhưng thay vì bi quan, khuất phục trước số phận, cô Lan đã không chọn cửa Phật để quên đi tình cũ mà chọn cách thay đổi số phận, có tình yêu mới với… chồng Tây. Lan và Điệp trên sân khấu Hoàng Thái Thanh đã có một kết cục khác hẳn với phiên bản cải lương chuyện tình Lan và Điệp đã “ăn sâu bám rễ” vào nhiều thế hệ người mộ điệu.

 
  Hình ảnh nàng Lan và nhân vật thứ ba là chàng trai Tây tạo sự tò mò cho khán giả với vở “Lan và Điệp”.

Ngay cả giới truyền thông cũng trông chờ một sự bứt phá nhất định từ cuộc thử nghiệm nhiều mới mẻ của sân khấu Hoàng Thái Thanh. Chỉ có điều, “Lan và Điệp” lần này đã không như kỳ vọng. Nhiều người cho rằng, lý do là cái bóng quá lớn của chuyện tình Lan và Điệp trên  sân khấu cải lương. Không ít người khẳng định khán giả của cải lương không phải là kịch nói nên kết quả vở diễn chưa thực sự như mong đợi là từ tự thân chính vở diễn. Nhưng, dù với lý do nào thì rõ ràng vở kịch nói “Lan và Điệp” được dựng mới cũng đã không thành công như mong đợi.

Tương tự, trên sân khấu kịch của người đẹp Trịnh Kim Chi có “Chuyện tình Lương - Chúc”. Ít nhiều thu hút sự chú ý bởi có bóng dáng của Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, tuy nhiên “Chuyện tình Lương - Chúc” được cho là gần với tâm lý khán giả hiện nay hơn bởi vở diễn không kể lại chuyện tình nhiều nước mắt nói trên. Nội dung của “Chuyện tình Lương - Chúc” cũng được cho là thoát ly hoàn toàn khỏi cốt truyện trong các vở diễn nổi tiếng trên sân khấu trước đó về Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài. Song, “Chuyện tình Lương - Chúc” cũng khó trở thành hiện tượng của “làng kịch” với lối đi này.

Gần nhất và mới nhất có lẽ phải kể đến “Hãy nghe tôi hát” trên sóng truyền hình Vĩnh Long, kênh THVL1. Trong cuộc thi này, những gương mặt trẻ đã ít nhiều có danh vọng phải chinh phục người xem bằng các tiết mục biểu diễn các ca khúc đã gắn liền với những tên tuổi nổi tiếng của làng nhạc Việt và do chính nghệ sĩ này chấm điểm. Đây là một thách thức không chỉ dành riêng cho  6 ca sĩ - thí sinh của cuộc thi. 

Ngay đạo diễn của chương trình cũng tâm sự rằng, chị đã phải nỗ lực rất nhiều để dàn dựng sao cho thuyết phục và giữ “chân” khán giả, đặc biệt là các khán giả đã quen xem, nghe tác phẩm qua biểu diễn của giọng ca họ yêu thích. Vì vậy, rất nhiều “chiêu trò” đã được sáng tạo đặc biệt dành cho thí sinh, kể cả các màn… nằm mà hát. 

Trong khi những nỗ lực cách tân, làm mới tác phẩm cũ của các ca sĩ và êkip vẫn chưa “đo đếm” được sự ủng hộ của khán giả vì phải đợi sau vài số phát sóng thì ngay từ buổi ghi hình cho số đầu tiên đã có những bất đồng, thậm chí đối ngược hoàn toàn giữa các thành phần giám khảo khiến kết quả - mẫu số chung cho tiết mục bị cho là nhiều lấn cấn. 

Lý do là có tiết mục, giám khảo chính của chương trình, ca sĩ Phương Dung  - giọng ca gạo cội của dòng nhạc xưa chê “tơi tả” thì 100 giám khảo khán giả trong trường quay lại nhất loạt ủng hộ.

Trước đó, các sản phẩm âm nhạc có liên quan đến dòng nhạc này như của Đàm Vĩnh Hưng, gần đây có Lệ Quyên là những điển hình. Người chê, người khen đều không tiếc lời bảo lưu quan điểm của bản thân. Nhưng thực tế là người khen cứ khen, người chê cứ chê còn nhiều sản phẩm âm nhạc vẫn cứ tràn lan từ nhà ra đến quán cà phê khắp thành thị đến nông thôn.

Việc làm lại, thử nghiệm  làm mới các tác phẩm nổi tiếng cũ kể cả kịch, xiếc, cải lương đến âm nhạc sẽ là chuyện bình thường nếu không quá ồn ào. Nghệ sĩ Bạch Tuyết -  “cải lương chi bảo” của Việt Nam cũng từng chia sẻ trước thềm cuộc thi “Tài tử tranh tài” rằng chị và các bậc tiền bối đều khuyến khích và rất cảm ơn các bạn trẻ khi mạnh dạn làm mới tác phẩm. 

Bởi, đây cũng chính là cách để phát huy nghệ thuật mà bản thân các thế hệ nghệ sĩ đi trước đã dành nhiều tâm huyết vào đời sống hiện tại, tương lai. Tuy nhiên, nói như chia sẻ của nhạc sĩ Nguyễn Quang thì làm mới tác phẩm cũ cho phù hợp với đời sống hiện tại là cần thiết song phải giữ được tinh thần căn bản của tác phẩm.

Để tác phẩm cũ có đời sống của riêng nó trong đời sống xã hội đương đại, ngoài tài năng, nghệ sĩ trẻ cần biết lắng nghe, học hỏi và thế hệ trước cũng cần có cái nhìn cởi mở, bao dung hơn…

Ngọc Nguyễn
.
.
.