Phim mang thương hiệu Việt: "Bao giờ cho đến tháng 10"!
- Nhiều kỳ vọng về một bức tranh toàn cảnh điện ảnh
- Liệu điện ảnh Việt có 'thay máu'?
- Cổ phần hóa hãng phim nhà nước: Diện mạo điện ảnh Việt liệu có thay đổi?
"Chưa bao giờ chúng ta có nhiều phim và trong đó có những phim chất lượng cao, có doanh thu cao không kém phim “bom tấn” của nước ngoài khi phát hành tại thị trường trong nước như hiện nay.Từ thực tế này, chúng ta hoàn toàn có thể mơ ước về thương hiệu phim Việt, sự khẳng định vị thế của phim Việt trong lòng công chúng trong nước và nước ngoài với những tác phẩm vừa có hiệu quả kinh tế, vừa có hiệu quả xã hội…". Đó là khẳng định của Cục trưởng Cục Điện ảnh, bà Ngô Phương Lan ngày 2-12 tại TP Hồ Chí Minh nhân Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19. Tuy nhiên, xây dựng thương hiệu phim Việt như thế nào lại là cả một câu chuyện dài mà không phải không còn nhiều ý kiến trái chiều cũng như không ít trở ngại trong thực tế.
Theo nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, mặc dù số lượng phim Việt Nam được sản xuất ngày càng nhiều nhưng cho đến nay, chúng ta chưa xác định được vị thế của phim Việt như thế nào trong lòng khán giả trong nước cũng như thế giới. Chúng ta thường trầm trồ trước những siêu phẩm điện ảnh của Mỹ nhưng phim Mỹ thành công và được yêu thích không chỉ bởi các phim hành động…
Điện ảnh Mỹ không hô hào phải giữ bản sắc văn hóa, không chịu quy trình kiểm duyệt khắt khe nhưng xem phim Mỹ vẫn luôn thấy văn hóa Mỹ, vẫn cảm nhận được tinh thần thượng tôn pháp luật, sự nhân văn.
Điện ảnh Hàn Quốc với sự phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm trở lại đây cũng là một tấm gương lớn để chúng ta học tập. Phải khẳng định, nhà nước Hàn Quốc đã hoạch định phát triển điện ảnh rất giỏi nên mới có được một nền điện ảnh như hiện nay. Với Việt Nam, sau 60 năm, điện ảnh Việt vẫn chưa hẳn thực sự đã có thương hiệu. Mặc dù, sau năm 1975, chúng ta đã có một số phim tiêu biểu được công nhận ở các nước khác, nhưng hiện nay, sự thành công của phim Việt không nhiều. Số lượng phim tăng cao song chủ yếu là phim hài nhảm, phim dọa ma. Trong khi đó, muốn xây dựng thương hiệu, phim Việt phải mang phong vị Việt, đồng thời hướng tới mục đích chung của sáng tạo nghệ thuật là cái đẹp, cái thiện. Nói cách khác, thương hiệu phim Việt thì không thể xa rời thương hiệu đất nước và phải bán được cả trên thị trường trong nước lẫn nước ngoài.
“Thiên mệnh anh hùng” – Một trong những phim Việt thành công cả về nghệ thuật và doanh thu. |
Soi chiếu qua điện ảnh Hàn Quốc, đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh phân tích: Điện ảnh Hàn Quốc cũng có cả 2 dòng phim, nói nôm na là dòng phim cho đại chúng và dòng phim tác giả - phim kén khách. Tuy nhiên, cả 2 dòng phim này đều có điểm chung là sẵn sàng vay mượn của quốc gia khác và xây dựng cho phù hợp với Hàn Quốc, không được tách rời đám đông. Sự phát triển điện ảnh của bất kỳ quốc gia nào, xét cho cùng đều phải là sự sáng tạo và thích ứng với sự thay đổi của xã hội, phải tìm ra cái mới mẻ, những sắc thái riêng biệt thì mới khẳng định được thương hiệu và vị thế trong cuộc sống.
Ngược lại, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã khẳng định: Chúng ta không nên so sánh với điện ảnh Hàn Quốc, Mỹ và điện ảnh Việt Nam cũng không thể đi theo con đường của điện ảnh Mỹ, Hàn đang đi mà phải tìm được lối đi riêng cho chính mình. Nhìn sang các nước như Campuchia, Iran, tại sao chúng ta không đặt câu hỏi vì sao các nước nhỏ, kém phát triển như họ mà điện ảnh lại có tác phẩm đoạt giải quốc tế. Theo nhà biên kịch, sở dĩ điện ảnh các nước này làm được điều đó là vì tác phẩm điện ảnh của họ có tính dân tộc đặc trưng để ghi dấu trên bản đồ điện ảnh thế giới.
Cũng khẳng định lịch sử là "mỏ vàng" chưa được điện ảnh khai thác xứng tầm nhưng theo nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc, việc nhận định phim lịch sử của chúng ta hay hoặc không hay lâu nay thường chỉ là những nhận định cảm tính. Với các nền điện ảnh lớn như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, phim lịch sử được đầu tư sản xuất có hiệu quả cả về nghệ thuật lẫn kinh tế. Phim lịch sử cũng được phân loại với tiêu chí rõ ràng...
Ông Nguyễn Thiên Phúc, Giám đốc Công ty Du lịch VidoTour thì cho rằng, việc gắn kết điện ảnh với du lịch rất cần thiết cho sự phát triển của cả 2 ngành. Thực tế, rất nhiều khách du lịch Pháp đến Việt Nam, đến Vịnh Hạ Long là nhờ các phim "Đông Dương", "Người tình", "Điện Biên Phủ". Phim “Chuyện của Pao” cũng là cầu nối tích cực để đưa du khách đến khám phá Tây Bắc. Thế nhưng, xưa nay, việc quảng bá du lịch qua điện ảnh Việt chưa thực sự được quan tâm nhiều…
Về phía cơ quan quản lý, đại diện Cục Điện ảnh, bà Ngô Phương Lan cho biết, hiện nay, nhà nước đang tiến hành nhiều chương trình nhằm gắn kết phát triển điện ảnh với các hoạt động du lịch, ngoại giao, sự kiện kinh tế, các liên hoan phim quốc gia, quốc tế. Tất nhiên, trước khi tìm cách khẳng định vị thế ở nước ngoài, điện ảnh Việt phải chinh phục được công chúng Việt và tác phẩm phải truyền đạt được những thông điệp tốt đẹp, có giá trị với cuộc sống hiện đại và tương lai.