Vẫn nôn nao đợi chờ Tết

Chủ Nhật, 03/02/2019, 17:10
Với những người con xa quê lập nghiệp như tôi, năm nào cũng dịp Tết đã cận kề là thường nôn nao nhớ Tết. Phố thị ồn ào dường như chỉ là chốn tạm bợ, hồn cốt đều gửi gắm hết ở quê.

Thoảng chốc ngoảnh đi ngoảnh lại mới đó mà Tết đã cận kề. Tháng Chạp - tháng cuối cùng của năm cũ bao giờ cũng lướt đi vùn vụt. Bao nhiêu những toan tính, sắp đặt những việc chuẩn bị Tết dường như không đủ thời gian để chuẩn bị. Năm nay thời tiết thay đổi, rét về muộn hơn và dường như mùa đông ngắn hơn những năm trước.

Với những người con xa quê lập nghiệp như tôi, năm nào cũng dịp này là thường nôn nao nhớ Tết. Phố thị ồn ào dường như chỉ là chốn tạm bợ, hồn cốt đều gửi gắm hết ở quê. 

Chiều đi làm về ngang qua ngõ, nghe từ nhà ai vọng ra ca khúc quen thuộc “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao là lòng lại rộn ràng, háo hức đợi chờ Tết đến. Lẩm nhẩm theo câu hát và rồi thấy lòng mình lắng dịu xuống, se sắt nhớ lại những kỷ niệm của những mùa xuân cũ. Giờ này ở quê, những ông bố, bà mẹ già đã bắt đầu đếm từng ngày đợi chờ những đứa con đi xa. 

Quanh năm tất bận công việc không có dịp về quê thăm bố mẹ, ngày Tết dù tàu xe đi lại tốn kém, khó khăn nhưng ai cũng nôn nao muốn được về nhà. Quê tôi ở miền Trung, những ngày giáp Tết, cả vùng quê chộn rộn cảnh bán buôn, sửa sang cho ngày đón năm mới. Phiên chợ quê rộn rã hơn ngày thường. 

Chợ quê ngay bến sông, vào dịp này tấp nập những chiếc thuyền từ thượng lưu mang theo lá dong, lá chuối và các sản vật phục vụ Tết, phục vụ bà con. 4-5 giờ sáng, bến sông đã rộn rã tiếng í ới gọi nhau mua bán. 

Quán nước trên bờ, chủ thuyền vắt hẳn chân lên ghế nhấp bát nước chè xanh nghi ngút khói, rít thuốc lào sòng sọc và rôm rả chuyện Tết với những bạn hàng. Chợ Tết thường họp từ lúc chưa tỏ mặt người và tan rất muộn. Mặc dù giờ đây chợ chỉ nghỉ 1-2 ngày Tết rồi họp lại nhưng người dân quê vẫn quen nếp phải mua tích trữ đủ lương thực, thực phẩm phục vụ cho cả dịp Tết.

Hoa đào không thể thiếu trong văn hóa Tết của người miền Bắc, ảnh Nguyễn Đình Lâm.

“Nhà năm nay có đứa nào về Tết không”, quãng giữa rằm tháng chạp trở đi, các bà, các bác quê tôi đi đâu gặp nhau câu đầu tiên sẽ là hỏi thăm năm nay con cái nhà ai sẽ về ăn Tết.

Không phải sắm sửa được vật dụng hay đặc sản độc đáo nào để  đón Tết mà nhà ai có đông đủ các con về ăn Tết với bố mẹ đấy mới là điều người dân quê tôi cảm thấy hãnh diện và vui mừng nhất. Buổi tối ngồi quây quần bên bếp lửa, xuýt xoa trong cái rét cuối năm, câu chuyện về những người xa quê mới về ăn Tết sẽ là chủ đề được người dân quê bàn tán sôi nổi nhất. 

Có một thời gian, quê tôi mai một đi những tập tục gói bánh chưng dịp Tết nhưng dăm năm trở lại đây những tập tục đẹp đẽ xưa cũ đang được thiết lập lại. Chính những người con xa quê lập nghiệp ở thành phố về sum họp dịp Tết là những người thiết tha phục dựng lại những nền nếp cũ. 

Cũng là dịp để được sống lại những năm tháng tuổi thơ và cho những đứa con thành phố cảm nhận đủ đầy hương vị Tết. Sáng 28 Tết, mấy nhà trong xóm chung nhau mổ thịt con lợn. Đám trẻ con thành phố và quê xúm xít đứng xem người lợn pha thịt lợn, đổ dồi. Thịt chia đều mỗi nhà một phần bằng nhau. 

Bữa trưa hôm đó cả xóm quây quần bên cỗ lòng luộc và nồi cháo nghi ngút khói. Thịt lợn xong tiết mục thú vị nhất sẽ là gói bánh chưng quê. Lá dong xanh biếc, rửa sạch để góc phòng. Thúng nếp trắng tinh đặt cạnh nồi đỗ xanh chà vò đồ kỹ nắm thành từng phần như quả trứng vàng óng. 

Mỗi một phần bánh lại có một miếng thịt lợn to bản vừa ngả thịt tươi rói còn nóng sốt đã được tẩm ướp gia vị. Cả nhà lại quây quần gói bánh. Bánh gói xong, xếp thành từng cặp, cẩn trọng xếp vào chiếc nồi quân dụng trên bếp lửa bập bùng rồi tranh thủ chụp ảnh nhắn tin cho người thân, bạn bè và khoe ... face book. Thế là Tết đã về.

Tết trong tâm tưởng những người con xa quê bao giờ cũng là những điều thiêng liêng nhất. Những ngày cuối cùng của năm cũ, dù ai đang ở đâu và làm gì thì trong lòng cũng lắng lại cảm xúc về gia đình và những người thân yêu nhất. 

Ngồi xuống bên cạnh người thân yêu sau bao ngày xa cách, nắm lấy bàn tay nhăn nheo gầy guộc của bố mẹ già, ăn một bữa cơm đoàn tụ gia đình với những món ăn quê dân dã, nhấp chén rượu ngày xuân. Tết vì vậy luôn được ngóng chờ, háo hức.

Tùy bút Lam Giang
.
.
.