Bảo tồn cải lương phải bắt nguồn từ con người

Thứ Hai, 08/06/2020, 07:46
Sinh thời, trước những ý kiến cho rằng cải lương đang chết mòn, đạo diễn - NSND Huỳnh Nga phản ứng gay gắt: “Cải lương không chết và khán giả cũng không quay lưng với cải lương, cho nên không có việc gì phải nâng cấp cải lương, mà chỉ có nâng cấp… người làm cải lương!”.


Tại Hội thảo “Bảo tồn – Phát triển nghệ thuật cải lương Nam bộ” diễn ra mới đây, các nghệ sĩ, soạn giả, nhà nghiên cứu đều cho rằng, nguyên nhân trọng yếu mà cố NSND Huỳnh Nga từng chỉ ra rất đáng để suy ngẫm. Nghệ thuật cải lương trải qua chặng đường 100 năm phát triển với nhiều giai đoạn đỉnh cao rực rỡ.

Với sự hòa trộn khéo léo giữa lối ca diễn vừa truyền thống, vừa hiện đại, sân khấu cải lương là loại hình kịch hát dân tộc chinh phục được đông đảo khán giả nhất. Thế nhưng, qua thời kỳ hoàng kim giữa thế kỷ XX, hiện nay, cải lương dần thưa vắng khán giả. Nhiều nguyên  nhân được chỉ ra như: Thiếu địa điểm biểu diễn, thiếu vắng kịch bản hay, cải lương bị sự cạnh tranh khốc liệt của các loại hình giải trí hấp dẫn khác, sự lạc hậu của hình thức vở diễn trước nhịp sống công nghệ…

Tuy nhiên, những sự bất cập nêu trên được giới chuyên môn kết luận: Tất cả xuất phát từ chính nguồn nhân lực đang cạn kiệt, thiếu nổi trội. Trong đó, vấn đề đào tạo thế hệ diễn viên kế cận là cấp bách hơn cả khi thế hệ tài danh dần vào tuổi xế chiều.

Một cảnh trong vở cải lương “Rạng ngọc Côn Sơn”.

Hiện nay, hầu hết các đơn vị nghệ thuật đang bị thiếu hụt nghệ sĩ, diễn viên và nhạc công. Là người gắn bó nhiều năm với sân khấu cải lương, đạo diễn Thanh Hiệp cho rằng, một trong những cái yếu trong lĩnh vực đào tạo diễn viên cải lương là bất cập từ khâu tuyển chọn đến khâu ra nghề. Nhiều năm qua, các cơ sở đào tạo không tuyển đủ chỉ tiêu sinh viên, học sinh. Và việc thiếu học sinh có chất giọng là mối nguy lớn của ngành này.

Số lượng cơ sở đào tạo nghệ sĩ cải lương khá khiêm tốn. Miền Bắc chỉ có một cơ sở duy nhất là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội có ngành đào tạo chính quy diễn viên cải lương ở bậc đại học. Ở phía Nam, ngoài Khoa Kịch hát dân tộc của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP Hồ Chí Minh thì còn có các hình thức đào tạo theo phương thức xã hội hoá của nhà hát Trần Hữu Trang, của các tỉnh như: Đồng Nai, Tây Ninh, Cần Thơ, Long An...

Tuy nhiên, theo TS Phạm Trí Thành, Trưởng khoa Kịch hát dân tộc, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, sự đầu tư cho công tác đào tạo này cũng chưa đúng mức, đa số còn dựa vào những cá nhân hay những dự án có tính chất thời vụ, những lò luyện theo phương pháp truyền nghề đơn thuần, chứ không lâu dài, khoa học, chính quy và có sự chỉ đạo sát sao, thống nhất. “Phần đông diễn viên cải lương vẫn được truyền nghề theo truyền thống gia đình, dòng họ, hay tự kèm cặp, chứ không có trình độ bài bản, chuyên nghiệp, do đó họ rất thiếu tri thức mặt bằng.

Đó là những tồn đọng, trở ngại rất lớn cho công tác đào tạo văn nghệ sĩ vốn rất khó khăn để có được những thành quả chất lượng như mong muốn trong tình hình thực tại của đất nước” – TS Phạm Trí Thành phân tích.

Riêng NSƯT Hải Yến, Đoàn Văn công Đồng Tháp, lại cho rằng, việc truyền nghề theo kinh nghiệm “cha truyền con nối” rất quan trọng. Nó được coi là hình thức phát huy hiệu quả cao nhất trong việc đào tạo nghệ sĩ cải lương từ sơ khai đến nay. Lớn lên trong cái nôi cải lương của gia đình, họ sớm bộc lộ năng khiếu và có tình yêu sâu sắc với môn nghệ thuật này. Những hậu bối được chọn để truyền dạy là những người có năng khiếu vượt trội. “Gia đình tôi là một minh chứng cho việc truyền nghề theo hình thức “cha truyền con nối”.

Ông nội tôi là nhạc sĩ Ba Kiệm. Hai người em của ông nội chính là nghệ sĩ Thành Được và nghệ sĩ Lê Thanh. Không chỉ dạy ca cho con của các nghệ sĩ trong đoàn, trong đó có ba mẹ tôi, mà khi thấy các bé có năng khiếu, các ông còn lập nên đoàn Đồng ấu cho chúng tôi tập luyện và biểu diễn. Nhiều gia đình ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long giữ được truyền thống làm nghề mà không cần phải trải qua đào tạo chuyên nghiệp từ các trường sân khấu. Điều này vừa tiết kiệm thời gian, vừa tiết kiệm chi phí cho việc bồi dưỡng các lớp nghệ sĩ kế cận”.

Quan điểm của NSƯT Hải Yến không phải không có căn cứ. Như đạo diễn Thanh Hiệp dẫn chứng, thực tế bao năm qua, nhìn lại thành tựu của Khoa Kịch hát dân tộc, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP Hồ Chí Minh, rất hiếm diễn viên có giọng ca hay, tạo được sức lan tỏa sâu rộng khi dấn thân vào nghề. Các tên tuổi nghệ sĩ nổi tiếng như: Minh Vương, Lệ Thủy, Quế Trân, Ngọc Giàu, Kim Tử Long, Tú Sương... cũng đều học theo kiểu truyền nghề chứ ít người được đào tạo chính quy.

Theo giới chuyên môn, để tạo ra đội ngũ diễn viên có năng lực, phù hợp với thời đại hội nhập hiện nay, cần phải có sự bổ trợ giữa hình thức truyền nghề và đào tạo chính quy chứ không nên thiên kiến về bên nào. Những thí sinh từng đoạt giải cao tại các cuộc thi cải lương, vọng cổ hoặc những người có năng khiếu và từng được gia đình truyền dạy đều nên theo học chính quy ở các cơ sở đào tạo để được bồi dưỡng bài bản về giọng ca, hình thể, diễn xuất cơ bản.

“Cách đào luyện một cách chính quy từ môi trường giáo dục nghiêm túc sẽ cho họ nền tảng vững vàng trên con đường nghệ thuật, hướng tới nghề một cách chuyên nghiệp. Bằng chứng rất nhiều bạn diễn viên xuất thân từ Giải “Bông lúa vàng”, Giải “Chuông vàng vọng cổ” sau khi đoạt giải, dù giải rất cao, nhưng khi tham gia diễn các vở cải lương trọn vẹn thì họ hụt hơi trong diễn xuất, non kém về biểu cảm. Đồng thời, chính sách của Nhà nước cũng nên tạo điều kiện thuận lợi để nghệ sĩ tài danh đứng lớp giảng dạy ở các cơ sở chính quy.

Với tính đặc thù của nghệ thuật, việc đòi hỏi các nghệ sĩ tài danh tham gia giảng dạy phải có bằng tốt nghiệp trung cấp, đại học là khó. Nên chăng cần cho họ một cơ chế đặc thù để được đứng trên bục giảng” – đạo diễn Thanh Hiệp đề xuất.

Quỳnh Nga
.
.
.