Bàn giải pháp cho các bất cập trong văn hóa, đạo đức kinh doanh thời 4.0

Thứ Ba, 18/09/2018, 17:47
Đã có không ít doanh nghiệp vì lợi nhuận mà bất chấp, vì đồng tiền mà đánh cược cả niềm tin đang dần cạn kiệt từ phía khách hàng, nhiều doanh nghiệp từng là thương hiệu đình đám trên thị trường bỗng chốc bị đổ bể... Đó là khẳng định thống nhất của các đại biểu tại Hội thảo khoa học “Văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh”  được tổ chức tại Hà Nội ngày 18-9.

Với sự tham gia của hàng trăm đại biểu đại diện các Bộ, Ban, ngành, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, các Viện nghiên cứu, Trường Đại học, các nhà khoa học, chuyên gia, các doanh nghiệp trên cả nước..., tại hội thảo, các đại biểu đã cùng chỉ ra sự cần thiết của văn hóa, đạo đức đối với doanh nghiệp đồng thời chỉ ra nhiều vấn đề bất cập về văn hóa, đạo đức doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Phát biểu khai mạc, bà Chu Thị Thu Hằng, Tổng Biên tập Báo Văn hóa, Trưởng Ban tổ chức hội thảo nhấn mạnh, trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế mạnh mẽ, xây dựng văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh luôn là một vấn đề thời sự, một câu chuyện nóng bỏng. Chưa bao giờ, các doanh nghiệp, doanh nhân được quan tâm nhiều như hiện nay. 

Bà Chu Thị Thu Hằng, TBT báo Văn hóa, Trưởng Ban tổ chức hội thảo

Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước  nêu rõ: "Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc…”. Tuy nhiên, hiện nay, văn hóa, đạo đức doanh nghiệp tại Việt Nam đang bộc lộ nhiều vấn đề khiến xã hội lo lắng. Trong đó, nổi bật là vấn đề thiếu trung thực trong bán hàng online, hàng kém chất lượng, ít dành sự quan tâm xây dựng văn hóa, đạo đức doanh nghiệp. 

Diễn đàn văn hóa doanh nghiệp thu hút sự tham gia sôi nổi của các đại biểu

PGS.TS Đỗ Minh Cương, Phó Viên trưởng Viện Văn hóa doanh nghiệp còn chỉ ra rằng, ngay các doanh nghiệp nhà nước lớn ở Việt Nam thì nguy cơ đối với sự phát triển bền vững là thói quen “tân quan, tân chính sách’ của người đứng đầu, có thể núp dưới chiêu bài “cải tổ”, “đổi mới” và các thuật quản trị như “rút củi dưới đáy nồi”, “pha loãng”, “nói một đằng, làm một nẻo”, “không thờ sẽ mất thiêng”… trong cách ứng xử với văn hóa doanh nghiệp. Bởi vậy, cần có một bộ phận tổ chức tham mưu chuyên trách cho cấp lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp, có thể trực thuộc Hội đồng quản trị hoặc Đảng uỷ tập đoàn. 

Tọa đàm về đạo đức kinh doanh đặt ra nhiều vấn đề "nóng" được xã hội quan tâm

Đồng quan điểm này, tại hội thảo, các đại biểu còn đưa ra nhiều ý kiến thiết thực qua các tham luận về xây dựng văn hóa doanh nghiệp tạo sức mạnh cạnh tranh doanh nghiệp trong thời kỳ 4.0; bài học xây dựng văn hóa tại các doanh nghiệp Thụy Điển và những tác động đến phát triển doanh nghiệp; thương hiệu và văn hóa doanh nghiệp; tương quan giữa đạo đức kinh doanh  và xây dựng  thương hiệu doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay… 

Hai tọa đàm: “Những bất cập của văn hóa doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập- nguyên nhân và giải pháp”, “Đạo đức kinh doanh củng cố và gia tăng uy tín cho thương hiệu doanh nghiệp” đã đã trở thành diễn đàn sôi nổi, thu hút sự quan tâm tranh luận của các đại biểu…


N.Hoa
.
.
.