Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII), phòng chống "tự diễn biến, tự chuyển hóa" trong nội bộ

“Về chính trị, suy thoái còn nguy hiểm hơn cả kinh tế” và vấn đề cần suy ngẫm

Thứ Tư, 09/01/2019, 08:10
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh điều này khi tiếp xúc với cử tri TP Hà Nội sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Thời gian qua, tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp ở nhiều ngành, lĩnh vực, gây thiệt hại lớn tài sản của Nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, những khó khăn về kinh tế vẫn có thể vực dậy được khi Đảng đề ra đường lối đúng, xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên ngang tầm nhiệm vụ, có sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của nhân dân.

Thực tiễn cho thấy, với quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị, mà hạt nhân là Đảng lãnh đạo, yếu kém kinh tế đang từng bước được đẩy lùi và bức tranh kinh tế Việt Nam năm qua dần mở ra gam màu tươi sáng hơn, với kết quả nổi bật là tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 7,08% vượt kế hoạch 0,38%.

Cùng với tham nhũng, suy thoái tư tưởng chính trị đang trở thành một trong những nguy cơ bên trong đe doạ sự tồn vong của Đảng. Suy thoái về tư tưởng chính trị, cụ thể là xa rời mục tiêu lý tưởng, lập trường giai cấp, làm trái với Cương lĩnh điều lệ của chính đảng, thậm chí hướng lái dư luận đi sai đường là hết sức nguy hiểm. Bởi suy thoái tư tưởng chính trị là con đường ngắn nhất, trực tiếp nhất hạ thấp vai trò chính trị, uy tín chính trị của Đảng, Nhà nước, dẫn đến nguy cơ khủng hoảng chính trị, chệch hướng xã hội chủ nghĩa.

Biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị có thể nhìn thấy ở những cấp độ khác nhau, từ thấp đến cao, từ thờ ơ chính trị, dao động chính trị, đến cơ hội chính trị và cao nhất là phản bội chính trị. Diễn biến chính trị đó âm thầm diễn ra trong cá nhân nào suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; từ từ chuyển hóa thành con người khác lúc nào không hay.

Việc Nhà nước mất tiền do tham nhũng làm kinh tế đất nước nghèo đi là nghiêm trọng, chuyện suy thoái chính trị làm “giết chế độ” càng nghiêm trọng hơn. Sự thoái hóa, biến chất về tư tưởng chính trị của một con người giống như một con sâu sống tầm gửi trên cây, nếu không bắt con sâu đi thì ngày ngày, sâu sẽ đục khoét khiến cây chết dần chết mòn.

Đảng viên sai phạm trong quản lý kinh tế phải xử lý kỷ luật Đảng và chịu trách nhiệm trước pháp luật, nhưng đảng viên suy thoái chính trị, thoái hóa, biến chất, trở cờ chống đảng chính là giặc nội xâm nguy hiểm, đẩy chế độ đến bờ vực của suy vong, nên cần kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, bài trừ.

Gần đây, có một số tri thức từng có công, đóng góp trong quá khứ nhưng nay lại suy thoái về tư tưởng chính trị với các biểu hiện: rời bỏ lý tưởng cách mạng, xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng; không kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái, chửi bới, miệt thị chế độ... và người được nhắc đến trước các cử tri mới đây nhất là ông Chu Hảo!

Trên một số diễn đàn, rêu rao rằng: trường hợp ông Chu Hảo được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, là cách nói xảo ngôn chính trị, là chụp mũ, rằng đó là việc “không trọng dụng tầng lớp trí thức”, là sự “đàn áp những người bất đồng chính kiến” ... Xin thưa rằng, bất kỳ một cá nhân thuộc về một tổ chức nào đều đứng vững dựa trên lập trường của giai cấp, hưởng lộc phúc của chế độ và phải cùng chung tay xây dựng chế độ đó tốt đẹp.

Cụ thể trường hợp ông Chu Hảo, một đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, khi những người bạn cùng trang lứa lên đường ra chiến trường chiến đấu và sẵn sàng hi sinh xương máu cho độc lập dân tộc thì ông được Đảng và Nhà nước tạo điều kiện đi học ở nước ngoài. Để đáp lại sự trọng dụng của chế độ, ông lại đi ngược với lý tưởng của ông cha mình cũng như đi ngược lại với vai trò tiên phong, gương mẫu của người cách mạng chân chính.

Vi phạm của ông Chu Hảo, Trung ương đã kết luận rõ ràng, có lẽ không cần bàn luận thêm nhưng cần khẳng định rõ rằng, trí thức như ông Chu Hảo đã từng được xem là tinh hoa của thời đại, nhưng không thể đứng trên, không thể đi ngược con đường của Tổ quốc và nhân dân, không thể làm trái pháp luật, càng không thể đi ngược, làm trái đường lối, quan điểm của Đảng khi trí thức ấy đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Các đảng viên chân chính của Đảng Cộng sản Việt Nam cho dù đã nhiều lần đã uốn nắn, khuyên nhủ ông Chu Hảo nên “bỏ chỗ tối theo chỗ sáng” nhưng vì ông quyết không động tâm chuyển ý, nên việc khai trừ ông ra khỏi hàng ngũ của Đảng là việc chính xác, hợp tình, hợp lý.

Nói cho cùng, đảng viên vi phạm dù là trong kinh tế hay chính trị đều bị kỷ luật nghiêm minh, bởi mọi đảng viên đều sống và làm việc theo Cương lĩnh, điều lệ của Đảng, theo Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước. Việc phát hiện, xử lý vi phạm không phải của cá nhân ai, đó là việc của cả hệ thống chính trị, gồm một quy trình chặt chẽ: Đảng đề ra chủ trương, đường lối, Nhà nước quản lý, điều hành và nhân dân thực hiện kiểm tra, giám sát, nêu ý kiến.

Để chữa căn bệnh suy thoái tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang lây lan trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, bài học lớn nhất là gì? Là tự rèn luyện, tự tu dưỡng để đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, am hiểu chính trị - xã hội, tự tạo sức “đề kháng” trước những viên “đạn bọc đường”, những luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch. Cán bộ, đảng viên phải phấn đấu là người đảng viên mẫu mực, càng có công lao lớn thì càng khiêm tốn, nêu gương, giữ gìn để cho lớp trẻ noi theo.

Dù là ai, ở cấp nào, kể cả lãnh đạo cấp cao nếu không tu dưỡng thì cũng trở thành nạn nhân, tù binh của chính sự thoái hóa biến chất. “Cuộc chiến đấu khổng lồ” chống lại những cái hư hỏng, những biểu hiện suy thoái là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ nhưng nhất định phải chiến thắng, phải triệt trừ tận gốc những con “sâu” suy thoái, giữ cho Đảng trong sạch, vững mạnh.

Lê Mai Trang (Học viện Chính trị CAND)
.
.
.