“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trực tiếp đe dọa đến vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội

Chủ Nhật, 06/11/2016, 08:37
“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trực tiếp đe dọa đến vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội...".


Đó là nhận định của Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học - Bộ Công an trong buổi trò chuyện với phóng viên Báo CAND về những điểm mới trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.

Phóng viên: Xin Thiếu tướng cho biết những điểm mới trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đây không phải là lần đầu tiên Trung ương đề cập đến vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Ít ra, theo tôi biết, đã có 12 Nghị quyết của Trung ương bàn về việc này, từ Đại hội VI tới bây giờ. Trong đó, “đậm đặc” nhất là hai Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 lần 2 và Trung ương 4 khóa XI. 

So với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, điểm mới của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII là, tại Hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương dành thời gian thảo luận công khai, và lần đầu tiên thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống đầy đủ những biểu hiện cụ thể của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ích kỷ, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, ham quyền lực, bè phái, cục bộ, mất đoàn kết, quan liêu, xa dân, vô cảm… 

Trong đó Trung ương nhấn mạnh, cái nguy hiểm nhất hiện này là việc một bộ phận không nhỏ đảng viên phai nhạt lý tưởng Cách mạng, không kiên định con đường đi lên CNXH, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin, nói và làm trái với quan điểm, chủ trương của Đảng… Đó là những biểu hiện nguy hiểm nhất của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. 

Về sức chiến đấu, lần này, Trung ương cũng chỉ rõ rằng, biểu hiện cụ thể là thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh. Những việc sai trái diễn ra hầu như khắp nơi, chỗ nào cũng có đảng viên, có cán bộ cấp ủy, thế sao không đấu tranh?

Phóng viên: Thiếu tướng có thể đưa ra một ví dụ?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Ví dụ như vụ Trịnh Xuân Thanh. Hành trình vi phạm pháp luật của Trịnh Xuân Thanh từ 2012 – 2015. Trong hai năm 2012, 2013, khi còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), ông Trịnh Xuân Thanh đã góp phần làm thất thoát 3.260 tỉ đồng. 

Thiếu tướng Lê Văn Cương.

Đầu năm 2014, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai kế hoạch năm 2014 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), trong đó Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân trong việc kinh doanh thua lỗ gây khó khăn cho Tập đoàn của PVC. Thế mà PVN không làm gì cả. Bộ Công thương cũng không làm gì hết. 

Tiếp đó, tháng 9-2013, thời điểm con số lỗ của PVC lên tới hàng nghìn tỷ, ông Trịnh Xuân Thanh bất ngờ rời khỏi vị trí chủ tịch PVC và được bổ nhiệm giữ chức Phó chánh văn phòng Bộ Công thương - Trưởng đại diện Văn phòng miền Trung của Bộ Công thương tại Đà Nẵng. 

Không lâu sau đó, ông Trịnh Xuân Thanh tiếp tục được Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm giữ chức vụ Vụ trưởng - Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp Bộ Công thương. Đến tháng 5-2015, ông Thanh tiếp tục được luân chuyển làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016.

Điểm mới nữa trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII là chỉ ra biểu hiện thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh. Điều này là phổ biến và nguy hiểm hơn là lại nằm ở những vị trí quan trọng. Phụ họa cho những nhận thức sai trái, lệch lạc, không còn ý thức hết lòng vì dân vì nước, không làm tròn trách nhiệm được giao. 

Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: “Từ suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”. 

Trước đó, tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận, đồng chí Tổng Bí thư đánh giá: “Trong khi ở nhiều nơi, đời sống nhân dân còn khó khăn, nhiều yêu cầu thiết yếu của quần chúng chưa được bảo đảm thì có những cán bộ, đảng viên chỉ lo thu vén cá nhân, xoay xở làm giàu, ăn uống chè chén bê tha; thậm chí có người vô trách nhiệm với dân, vô cảm trước những khó khăn, đau khổ của quần chúng. Một số người còn lợi dụng chức quyền để đục khoét, vơ vét của cải của Nhà nước, của tập thể, trở thành những con sâu mọt tệ hại của xã hội”. 

Trong khi đó, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã nói rõ rằng: “Chưa bao giờ trong lịch sử hơn 70 năm Nhà nước ta, Nhà nước “của dân, do dân và vì dân” lại xuất hiện những biểu hiện tiêu cực như hiện nay: “tư bản thân hữu”, “lợi ích nhóm”, “sân sau của gia đình”; xuất hiện sự cấu kết quyền lực với lợi ích kinh tế, lèo lái chính sách, dàn dựng để tạo ra các cú “áp-phe” lớn mang lại lợi ích “khủng” cho một số cá nhân và phe nhóm..., gây thiệt hại khôn lường cho ngân sách Nhà nước, làm chao đảo nền kinh tế”.

Phóng viên: Xin Thiếu tướng cho nhận xét về mức độ nguy hiểm của quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Quan liêu, tham nhũng, lãng phí và sự tha hóa về tư tưởng, chính trị, về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên các cấp từ trung ương đến địa phương, cơ sở, kể cả cán bộ chủ chốt các cấp, về thực chất, đó là quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Xét đến cùng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang trực tiếp đe dọa đến vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là mảnh đất thuận lợi cho "diễn biến hòa bình”. 

Hay nói cách khác, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là điều kiện thuận lợi mà các thế lực thù địch tận dụng để triển khai chiến lược "diễn biến hòa bình", làm cho Đảng Cộng sản Việt Nam mất vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Nếu trong nội bộ không diễn ra quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì chiến lược "diễn biến hòa bình" của các thế lực chống Cộng quốc tế sẽ hoàn toàn thất bại. 

Các nhận xét trên rút ra từ thực tiễn ở Việt Nam nhưng nó có ý nghĩa (đúng đắn) đối với mọi Đảng Cộng sản cầm quyền trên thế giới.

Phóng viên: Về nhóm giải pháp và nhiệm vụ, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Về giải pháp, Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII đã đề ra một hệ thống khá toàn diện và đồng bộ. Đầu tiên là tập trung vào giáo dục chính trị tư tưởng, phê bình và tự phê bình… Tiếp đó là cơ chế vừa khen thưởng vừa kỷ luật. Thứ ba là kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra khái niệm “nhốt quyền lực vào trong cơ chế”, hay, dùng cơ chế “nhốt” quyền lực. Hàm ý của khái niệm này là, quyền lực mà không được giám sát thì chắc chắn sẽ dẫn đến tha hóa. Quy luật vận hành của quyền lực Nhà nước nếu không được giám sát thì tha hóa. 

Khái niệm trên cũng mang ý nghĩa: Mọi quan chức, công chức khi hành xử phải có một hệ thống giám sát chặt chẽ. Đây là một vấn đề rất mới, cụ thể, mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội. Mặt trận Tổ quốc là người đại diện cho nguyện vọng, ý chí và lợi ích của các tầng lớp nhân dân Việt Nam. 

Kết luận Hội nghị Trung ương 4, đồng chí Tổng Bí thư đã nhắc đi nhắc lại một điều mà tôi vô cùng tâm đắc, đó là sự gương mẫu: “Ở đây, sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định”.

Phóng viên: Vậy, tư tưởng của Hội nghị Trung ương 4 theo Thiếu tướng là gì?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tư tưởng của Hội nghị Trung ương 4 lần này là giám sát quyền lực. Các Đại hội VIII, IX, X và XI cũng từng đề ra các giải pháp chống tha hóa tư tưởng, đạo đức, lối sống, tham nhũng… Nhưng sau Đại hội XII, tinh thần, tư tưởng là làm quyết liệt hơn. Như với vụ Trịnh Xuân Thanh, quan điểm của đồng chí Tổng Bí thư là làm đến cùng. Việc đồng chí Tổng Bí thư chỉ đạo làm đến nơi đến chốn vụ Trịnh Xuân Thanh là để củng cố lòng tin của đảng viên đối với Đảng, của nhân dân với Đảng. 

Với tinh thần này, tôi tin Nghị quyết Trung ương 4 của Đại hội XII sẽ thực hiện được. Điều này cũng phản ánh thực tế khách quan là suy thoái tư tưởng chính trị quá nặng nề, đã đến lúc không thể không làm, nếu không làm thì sẽ thách thức vai trò của Đảng với Nhà nước, xã hội. Vì thế tôi nghĩ rằng, so với các lần trước thì lần này làm quyết liệt, dứt khoát hơn, rõ ràng hơn, cụ thể hơn. Tuy nhiên, cách nhìn của ta phải biện chứng, không thể nôn nóng được, không thể hy vọng 1, 2 năm giải quyết được việc của 40 năm.

Phóng viên: Cảm ơn Thiếu tướng về buổi trò chuyện.

Khổng Hà (thực hiện)
.
.
.