Đừng biến mình thành “Quân cờ” làm hại đất nước

Tỉnh táo nhận diện và hành động đúng nghĩa (Tiếp theo và hết)

Thứ Tư, 18/05/2016, 09:57
Chiến dịch hoạt động của Việt Tân thường nhắm vào những dịp kỷ niệm trọng đại của đất nước ta, những sự kiện chính trị quan trọng như Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội, hội nghị quốc tế lớn tổ chức tại Việt Nam…


Đặc biệt, để kích động người dân, chúng triệt để lợi dụng những vấn đề mang tính chủ quyền thiêng liêng của dân tộc hay đánh vào sự bức xúc người dân như sự kiện cá chết ở 4 tỉnh miền Trung vừa qua.

Thực tế, qua những sự việc này, chúng đã tráo trở che đậy bằng lớp áo lừa bịp người dân, đó là kêu gọi “lòng yêu nước”, “bảo vệ chủ quyền biển đảo”, “bảo vệ môi trường”…

Nhiều người bị rơi vào thế trận tù mù do chúng giăng bẫy, đưa các bài viết, hình ảnh hoặc bình luận trên mạng, đặc biệt trên hệ thống facebook, hùa theo đám đông kích bác chính quyền, chỉ trích thế này thế kia và tỏ ý “thương hại dân” mà không hiểu rằng mình đã bị sa bẫy kẻ xấu, sa bẫy của Việt Tân.

Thực tế, sau hiện tượng cá biển chết, xuất hiện trào lưu chỉ trích gây bão trên mạng xã hội, trên facebook. Sự kiện đó cùng với trào lưu kêu gọi “tự ứng cử” và đòi tẩy chay cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, rồi nhân một số sự kiện xã hội khác như vụ chủ quán cà phê “Xin Chào” bị truy tố… đã xuất hiện xu hướng công kích nhằm vào chính quyền.

Trong điều kiện đó, việc xuất hiện bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh” của cô giáo Trần Thị Lam, giáo viên Văn Trường THPT chuyên Hà Tĩnh, đã bị nhiều thành viên trong nhóm Việt Tân lợi dụng triệt để. Chỉ mấy ngày sau, “Đất nước mình ngộ quá phải không anh” được phổ thành nhạc, được thu đĩa, tung ngay lên các trang mạng về âm nhạc và Youtube.

Cũng từ đây bắt đầu lan truyền trào lưu nhạc chế và họa thơ. Đó là biến tấu những câu từ trong bài thơ đã phổ nhạc và hàng loạt bài nhận là “thơ họa”. Đáng nói, từ thơ gốc khi sang thơ họa thì các “nhà thơ” tha hồ tô vẽ, dựa trên câu đầu “đất nước mình” và mấy ý sau “ngộ quá, lạ quá, thương quá”, từ đó xới chuyện tiêu cực trong đời sống xã hội rồi quy kết mang tính phỉ báng chính trị (xuyên tạc đất nước nghèo nàn, lạc hậu, chiến tranh là do Đảng, do Chủ nghĩa Mác – Lênin, do đường lối sai lầm…). 

Trào lưu ca thán, chỉ trích trên facebook đang có diễn biến đáng lo ngại. Đó là nhiều người tự cho mình “anh minh, hiểu biết hơn người”, đưa ra các quan điểm, bình luận như làm thầy người khác, tự buông trôi trong luồng bão đả kích chính quyền, oán hờn đất nước.

Nhiều người hằng ngày lên facebook chỉ để xoáy những chuyện tiêu cực xã hội, không để tâm trước bất cứ chuyện tích cực nào. Với lăng kính màu đen như vậy rồi bình phán như người anh minh mà không hiểu rằng, chính mình đã bị kẻ xấu lợi dụng, đã bị cuốn vào mưu đồ của Việt Tân, bị lợi dụng vào  trào lưu gây nhiễu của chúng để chống Đảng, Nhà nước.

Nhìn ra nước ngoài, nhiều cuộc biểu tình, xuống đường bị lợi dụng gây rối, bạo động gây ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế, chính trị, ngoại giao và không ít cuộc cũng bắt đầu từ những sự việc gây bức xúc trong nước, bị kẻ địch lợi dụng khuấy động, thổi bùng lên, những cá nhân bàn phím bị nhiễu thông tin mà phê phán, cổ suý cho chúng.

Hậu quả là gây phẫn nộ trong dân chúng,  mọi cuộc xuống đường, biểu tình bạo loạn đều tác hại nghiêm trọng đến đời sống chính trị, kinh tế đất nước, thậm chí là ngòi nổ để kẻ địch lật đổ chính quyền. Như những cuộc biểu tình chống Nhật tại Trung Quốc năm 2012, khi căng thẳng tranh chấp đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông leo thang.

Chính sự quá khích và giận dữ của một nhóm người Trung Quốc đã phá cơ hội công ăn việc làm của họ, phá hủy tài sản là mồ hôi công sức của chính người Trung Quốc làm ra dưới sự giúp đỡ của Nhật Bản và thương hiệu Nhật Bản.

Trở lại với hiện tượng cá chết ở 4 tỉnh miền Trung, Chính phủ đã kịp thời, quyết liệt và thường xuyên chỉ đạo, giao nhiệm vụ theo đúng trách nhiệm và lĩnh vực quản lý của các bộ ngành nhằm khẩn trương, nhanh chóng làm rõ nguyên nhân, có kết luận độc lập, khách quan với đầy đủ căn cứ khoa học thuyết phục, không bao che cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào nếu vi phạm cũng như lợi dụng vụ việc để thực hiện ý đồ chống phá, gây hoang mang trong dư luận.

Bên cạnh đó, Chính phủ kịp thời hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng để ổn định cuộc sống, yên tâm bám biển. Ngày 29-4-2016, Ban Bí thư đã họp, chỉ đạo khắc phục hậu quả, đưa ra các giải pháp ổn định sản xuất, đời sống của nhân dân tại một số tỉnh miền Trung. Về công tác điều tra nguyên nhân sự cố cũng đang được cơ quan chức năng khẩn trương tiến hành với sự tham gia các nhà khoa học ở trong và ngoài nước. Đó là sự thật khách quan, không thể nguỵ biện rằng chính quyền “vô trách nhiệm” hay những lời lẽ tiêu cực nào khác.

“Diễn biến hoà bình” - một chiến lược nguy hiểm của các thế lực thù địch nhằm vào các nước XHCN, trong đó có Việt Nam đã được chúng thực hiện mấy chục năm nay. Thế nhưng, biểu hiện của “diễn biến hoà bình”, nhất là vấn đề “tự diễn biến, tự chuyển hoá” thì nhiều người lại chỉ thuộc lý thuyết mà không nắm rõ những diễn biến thực tế, cho rằng đó là việc của ai, không phải mình.

Từ hiện trạng trên, từ âm mưu, thủ đoạn của Việt Tân và các thế lực thù địch, phản động, rõ ràng mỗi chúng ta cần nêu cao cảnh giác hơn nữa, phải tỉnh táo trước suy nghĩ, hành động của mình.

Với những người nghiền mạng xã hội hôm nay, chúng tôi muốn nói rằng: Xin các bạn đừng tự tô vẽ mình nhiều quá, đừng tự tâng bốc, huyễn hoặc mình là “anh minh, hơn thiên hạ”, đừng sĩ diện, ảo tưởng vì cái tôi cá nhân của mình để rồi trượt dốc quá đà vào làn sóng chỉ trích, phê phán đất nước, phỉ báng chính quyền trên facebook bởi những suy nghĩ đó, những hành động dù nhỏ (như comment, like) hay mức cao hơn là viết bài, tung ảnh, kêu gọi xuống đường… đều có thể là sự cổ suý, tương hỗ cho kẻ địch thực hiện mưu đồ chống phá đất nước, lật đổ chế độ, phá bỏ nền độc lập, cuộc sống bình yên mà cha ông đã đổ bao máu xương, bước trên bom đạn mới giành được.

Ảo tưởng thì thường thấy mình lớn hơn xung quanh nên không dễ lắng nghe, không dễ thấy hình ảnh, sự thật của chính mình nhưng một sự nén lại, biết tiếp thu thì có lợi hơn rất nhiều, ở đâu và lúc nào cũng vậy. Chẳng hạn, trong “bão” cổ suý, ca thán đất nước hùa theo bài thơ của cô giáo trường chuyên, nhiều người cũng đã tỉnh táo để ngẫm nghĩ với bài “hồi đáp” rằng:

…Em đừng nghe kẻ nấu thịt nồi da,

Kích động chiến tranh, biểu tình, bạo loạn.

Gia đình mình, đôi khi còn khó quản,

Huống chi ta còn hàng xóm, láng giềng.

Đất nước mình, em nhỉ, rất bình yên

Không còn cảnh chìm trong bom đạn

Nên hãy vui lên, đừng bao giờ oán thán

Vì em còn… là cô giáo, phải không em!

Nhóm PV
.
.
.