Tác động của mạng xã hội tới biểu tình tại Mỹ và góc nhìn đối với Việt Nam

Thứ Hai, 25/01/2021, 08:25
Liên hệ với các sự kiện biểu tình trên thế giới nói chung, ở Mỹ nói riêng trong thời gian vừa qua, có thể thấy rằng, nguy cơ gây mất an ninh, trật tự từ môi trường mạng xã hội là rất lớn.

Cuộc bầu cử Tổng thống đời thứ 46 Mỹ đã trở thành tâm điểm của dư luận quốc tế, cả thế giới nín thở chờ đợi ngày nhậm chức của ông Joe Biden vào 20/1 thì một sự kiện khiến cả thế giới phải ngỡ ngàng, đó là cảnh nước Mỹ rơi vào bầu không khí căng thẳng vì diễn ra cuộc biểu tình quy mô lớn để ủng hộ Tổng thống Donal Trump.

Những người biểu tình quá khích đã tấn công vào Điện Capitol trong lúc Quốc hội Mỹ họp để chứng nhận chiến thắng của ông Joe Biden, cuộc họp đã buộc phải dừng lại vì người biểu tình tràn vào quá đông khiến mọi trật tự trong phiên họp bị đảo lộn. Lực lượng chấp pháp Mỹ đã sử dụng các biện pháp cần thiết để thiết lập lại trật tự tại Điện Capitol, Thủ đô Washington.

Hiệu ứng lan truyền từ mạng xã hội

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến cuộc biểu tình tấn công vào Điện Capitol hôm 6/1 nguồn cơn từ những rắc rối trong cuộc bầu cử, thế nhưng điều kiện để khởi phát, lan tỏa cuộc biểu tình có quy mô lớn một phần từ tác động, ảnh hưởng của hiệu ứng mạng xã hội. Mỹ vốn là một trong những quốc gia khởi nguồn của các nền tảng khoa học, công nghệ, người dân được thụ hưởng các thành quả trên phục vụ vào các nhu cầu thiết yếu trong đời sống xã hội.

Theo số liệu tổng hợp từ Wikipedia dẫn nguồn từ World Internet Users năm 2020, Mỹ hiện có dân số 324.459.463 người, trong khi số người dùng Internet là 312.320.854, chiếm 96,26% dân số, đây là quốc gia có tỉ lệ người sử dụng mạng Internet rất lớn. Hiện nay, một số mạng xã hội như Facebook, Snapchat, Twitch, Twitter... đang trở thành xu hướng rất thịnh hành đối với người dùng tại Mỹ, số lượng người tương tác từ các mạng xã hội cũng đang ngày càng tăng lên. Như vậy, việc thông qua môi trường mạng xã hội để tập hợp, lan tỏa các thông tin đang là xu hướng của thế giới nói chung, của Hoa Kỳ nói riêng.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, dường như tất cả các ứng viên đều thông qua mạng xã hội để làm cầu nối với người dân để kêu gọi phiếu bầu. Lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ đương nhiệm trước sự kiện 6/1 được cho là một phần tác động gián tiếp đến các cuộc biểu tình của người dân. Một số bài viết trên Facebook, Twitter... của vị Tổng thống này được những người yêu mến rất ủng hộ. Song, điều này trở thành một mặt trái, đó là một số người biểu tình có hành động quá khích tiến hành tấn công Điện Capitol, từ cuộc biểu tình đơn thuần trở thành hành động bạo loạn.

Trong khi đó, những người tham gia sử dụng mạng xã hội để livestream, chia sẻ hình ảnh, kêu gọi người dân từ các nơi tham gia ủng hộ ông Donal Trump. Các cuộc biểu tình ôn hòa đã bị một số thành phần kích động dẫn đến bạo lực nguy hại trực tiếp đến sự ổn định chính trị của nước Mỹ. Khi hoạt động biểu tình xảy ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi hòa bình và đề nghị người biểu tình về nhà, không gây ra các vụ tấn công tòa nhà Quốc hội. Tuy nhiên, các thiệt hại để lại từ cuộc biểu tình là rất lớn.

Nhiều người đánh giá rằng, các bài viết trên mạng xã hội của Tổng thống Donal Trump là nguyên nhân khởi phát, nhưng nguyên nhân chính vẫn là người biểu tình quá khích, cực đoan, có chủ đích kêu gọi tấn công vào tòa nhà Quốc hội. 

Sau khi xảy ra sự việc, mạng xã hội Twitter tuyên bố cấm vĩnh viễn tài khoản của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong khi các hãng khác như Facebook, Snapchat, Twitch cũng đặt hạn chế với ông vì cho rằng các hiệu ứng lan tỏa nguy hiểm từ các bài viết của ngài Tổng thống; nhiều video, bài viết, livestream kích động bạo lực cũng bị hạn chế tương tác.

Có thể nói rằng, không chỉ riêng các cuộc biểu tình tại Mỹ trong thời gian vừa qua, mà các cuộc biểu tình chống chính phủ, lật đổ chính phủ tại một số quốc gia châu Âu, Bắc Phi (Lybia, Tunisia, Ai Cập, Anh...) đều có nguyên nhân sâu xa từ việc sử dụng mạng Internet để kích động, xúi giục người dân dân tham gia các hoạt động biểu tình, tuần hành và cao hơn nữa là hoạt động bạo loạn lật đổ.

Góc nhìn đối với công tác đảm bảo an ninh của Việt Nam

Việt Nam chính thức hòa mạng Internet toàn cầu vào tháng 11/1997. Cho đến nay, số lượng người dùng mạng Internet của Việt Nam hơn 64 triệu chiếm hơn 60%, với tốc độ tăng trưởng người dùng mạng Internet nhanh so với thế giới. Mạng Internet nói chung, mạng xã hội nói riêng có tác động sâu rộng trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo nên sức mạnh thúc đẩy phát triển của đất nước. Song, mặt trái của mạng xã hội cũng trở nên hiện hữu với nhiều vấn đề đặt ra.

Liên hệ với các sự kiện biểu tình trên thế giới nói chung, ở Mỹ nói riêng trong thời gian vừa qua, có thể thấy rằng, nguy cơ gây mất an ninh, trật tự từ môi trường mạng xã hội là rất lớn. Trong thời gian vừa qua, các đối tượng, tổ chức phản động trong và ngoài nước đã lợi dụng mạng xã hội làm môi trường tuyên truyền phá hoại tư tưởng; tác động móc nối, lôi kéo để hình thành các tổ chức chính trị đối lập chống Nhà nước; kích động các cuộc biểu tình, bạo loạn lật đổ...; sử dụng mạng xã hội để đào tạo, huấn luyện, tài trợ cho các hoạt động khủng bố, bạo loạn...

Đặc biệt, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng từ ngày 25/1 đến 2/2 tại Thủ đô Hà Nội cũng là thời điểm nhạy cảm mà các thành phần chống phá Nhà nước thường xuyên có hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng, kích động các cuộc biểu tình, bạo loạn chống phá đại hội. Tất cả những vấn đề này đã trở thành mối đe dọa nguy hiểm cho công tác đảm bảo an ninh, trật tự của Việt Nam.

Tính hai mặt của mạng xã hội đang là thách thức đối với rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Để ngăn chặn các nguy cơ có thể xảy ra đối với hoạt động thông qua mạng xã hội để vi phạm pháp luật, cần phải tăng cường hơn nữa các biện pháp cần thiết, chẳng hạn như: Hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quản lý mạng xã hội; nâng cao năng lực cho các lực lượng tham gia phòng ngừa; chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng Internet; tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức người dân để ngăn chặn từ xa, từ sớm các hoạt động lợi dụng mạng xã hội kích động biểu tình, bạo loạn. 

Chủ động, tích cực nắm thông tin, tình hình để phát hiện sớm các âm mưu, ý đồ hoạt động của các đối tượng chống phá Nhà nước để kịp thời có các biện pháp ngăn chặn...

Nguyễn Huấn
.
.
.