Không vì tác chiến công nghệ cao mà coi nhẹ nền quốc phòng toàn dân
- Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, kết hợp chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân vững chắc
- Xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh
- Sự nghiệp quốc phòng toàn dân trong quá trình đổi mới đất nước
- Xây dựng vững chắc thế trận an ninh nhân dân cùng với thế trận quốc phòng toàn dân
Những năm gần đây, trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh xuất hiện một số quan điểm đề cao vai trò của vũ khí công nghệ cao trong tác chiến, coi nhẹ yếu tố con người.
Thậm chí, có quan điểm cho rằng, chỉ có các lực lượng sở hữu vũ khí công nghệ cao mới có thể đánh thắng trong chiến tranh ngày nay dẫn đến phủ nhận giá trị của quốc phòng, an ninh truyền thống, coi nhẹ vai trò quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân và chiến tranh nhân dân.
Sự thực, có vũ khí công nghệ cao để chống lại kẻ địch là một vế nhưng dù vũ khí hiện đại thế nào chăng nữa vẫn do con người sử dụng, do đó con người là yếu tố quyết định, còn vũ khí hiện đại sẽ nâng cao hiệu quả tác chiến.
I - Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững chắc từ thời bình
Không phải bao giờ các nước cũng có vũ khí công nghệ cao ngang bằng nhau. Thông thường, nhiều quốc gia phải tiến hành chiến tranh bằng vũ khí, trang bị kém hơn, thậm chí là rất kém để chống lại đối phương có vũ khí công nghệ cao. Do đó, cần có đường lối xây dựng nền quốc phòng, an ninh phù hợp và tiến hành chiến tranh phù hợp điều kiện, hoàn cảnh của từng quốc gia.
Với Việt Nam, có thể khẳng định, hiện tại và trong tương lai, nếu buộc phải tiến hành chiến tranh để bảo vệ Tổ quốc, chúng ta vẫn phải tác chiến bằng vũ khí, trang bị ở trình độ hạn chế hơn so với trình độ vũ khí của những nước tiên tiến. Vì vậy, cần có đường lối xây dựng đường lối quốc phòng, an ninh hợp lý để có thể hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của kẻ địch có vũ khí công nghệ cao.
Kế thừa các giá trị quốc phòng, an ninh truyền thống, phát huy mặt mạnh, khắc phục những mặt hạn chế để chiến đấu và chiến thắng đối phương có vũ khí công nghệ cao. Đường lối đó chỉ có thể là xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân làm cơ sở cho chiến tranh nhân dân thắng lợi trong điều kiện chiến tranh vũ khí công nghệ cao. Tất nhiên, đó phải là nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân có sự đổi mới, phát triển phù hợp các điều kiện tác chiến mới của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Vì thế nếu cho rằng, trong điều kiện tác chiến bằng vũ khí công nghệ cao, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân là đường lối sai lầm thì chính những người đưa ra quan điểm đó là sai lầm nhất. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân vững mạnh để đối phó với các loại hình chiến tranh có thể xảy ra vẫn là đường lối quân sự phù hợp nhất đối với Việt Nam.
Vũ khí công nghệ cao là vũ khí được nghiên cứu, thiết kế, chế tạo dựa trên những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, có sự nhảy vọt về chất lượng và kỹ năng tác chiến, kỹ thuật. Vũ khí công nghệ cao gồm vũ khí hủy diệt lớn, vũ khí năng lượng định hướng, vũ khí chùm tia laze, chùm hạt, điện từ, vũ khí mềm... được chế tạo dựa trên cơ sở vũ khí thông thường, ứng dụng những thành tựu mới nhất của khoa học, công nghệ trong các lĩnh vực vi điện tử, tin học, vật liệu mới, laze, hồng ngoại, năng lượng mới, sinh học, tự động hóa...
Vũ khí công nghệ cao có đặc tính là độ chính xác cao, uy lực lớn, tầm hoạt động xa, có thể hoạt động được trong điều kiện phức tạp và đạt hiệu quả cao hơn từ hàng chục tới hàng trăm lần so với vũ khí thông thường.
Một số loại vũ khí công nghệ cao xuất hiện từ chiến tranh thế giới thứ hai, phát triển mạnh vào thập kỷ 80, 90 của thế kỷ XX, một số vũ khí đã được Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, chiến tranh vùng Vịnh, Afghanistan... Nhiều chuyên gia quân sự coi vũ khí công nghệ cao là loại vũ khí chủ yếu trong chiến tranh tương lai.
Vũ khí công nghệ cao ra đời và phát triển là một bước tiến nhảy vọt về chất lượng vũ khí, nó tác động làm thay đổi căn bản một số quan điểm về chiến tranh, ảnh hưởng lớn đến nghệ thuật quân sự và tính chất của chiến tranh.
Làm xuất hiện nhiều vấn đề lý luận mới về chiến tranh như lý luận tác chiến chiều sâu, chiến tranh bằng tiến công hỏa lực, chiến tranh phi trực tiếp tiếp xúc, phi đối xứng, tiền tuyến và hậu phương không còn phân định rõ ràng, không gian tác chiến không đâu là an toàn.
Tuy nhiên, vũ khí công nghệ cao không phải là không có điểm yếu do đây là vũ khí vận hành theo hành trình, theo quy luật, một số loại còn chịu ảnh hưởng lớn của địa hình, thời tiết, một số loại bay thấp, tốc độ không cao...
Nếu có giải pháp hợp lý vẫn hạn chế được hiệu quả của vũ khí công nghệ cao, kể cả các giải pháp thô sơ, truyền thống. Hơn nữa, trên chiến trường rộng lớn, vũ khí công nghệ cao không thể có đủ để tấn công được tất cả mọi mục tiêu, mọi địa điểm.
Đối với Việt Nam, nếu bị phá hoại một số trọng điểm, kẻ địch tiến công bằng vũ khí công nghệ cao cũng không dễ để khuất phục được. Khi kẻ địch tấn công trên bộ thì đó là điều kiện để chúng ta tiêu diệt. Làm được việc đó không có con đường nào khác là phải tiến hành chiến tranh nhân dân, dựa trên đường lối quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững chắc từ thời bình.
Chiến tranh bằng vũ khí thông thường hay vũ khí công nghệ cao cũng đều gây ra những thiệt hại, tổn thất nặng nề về chính trị, kinh tế, con người, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định khu vực và thế giới. Vì vậy, giữ vững hòa bình, ổn định cho đất nước mà không phải tiến hành chiến tranh hay “đánh thắng chiến tranh ngay khi nó chưa xảy ra” là phương án tối ưu nhất.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, tư tưởng giữ nước cơ bản, bao trùm nhất của tổ tiên là “giữ nước từ khi nước chưa nguy”. Thời đại Hồ Chí Minh, trong 30 năm đổi mới, Đảng ta đã phát triển tư duy nhận thức căn bản trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng từ tư duy quân sự đến tư duy quốc phòng, từ tư duy chủ yếu về chiến tranh sang tư duy giữ nước mà không phải tiến hành chiến tranh.
Trong văn kiện Đại hội XII, Đảng ta chỉ rõ: “có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”. Để hiện thực hóa tư tưởng, quan điểm nêu trên, Đảng ta, nhân dân ta phải lựa chọn đường lối xây dựng nền quốc phòng, an ninh phù hợp nhất, hiệu quả nhất, đường lối ấy chỉ có thể là đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân vững chắc, có sự bổ sung, phát triển trong tình hình mới.
(còn nữa)