World Cup 2018: Ngày hội bóng đá của những bất ngờ

Thứ Tư, 04/07/2018, 13:23
Kết thúc vòng 16 đội của World Cup 2018, với những cú sốc lớn đã xảy ra có thể nói rằng giải đấu tại nước Nga là một trong những kỳ World Cup nhiều bất ngờ nhất.


Từ việc Messi và Ronaldo sớm phải dừng bước, hay việc những ông lớn như Anh và Bỉ chật vật giành vé vào vòng trong... là những điều khiến rất nhiều fan bóng đá và giới chuyên môn cảm thấy sửng sốt. 

Nếu nhìn cả vòng bảng có thể nói ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới thực sự tạo cho những người xem cả giác giống như thưởng thức seri phim truyền hình ăn khách "Trò chơi vương quyền" nơi mọi nhân vật dù quyền lực, tài năng hay bản lĩnh cỡ nào cũng có thể rời bị tử thần gọi tên bất cứ lúc nào.

Vậy nguyên nhân của những bất ngờ này là gì!

Một “thế giới phẳng”

Cụm từ vốn xuất hiện nhiều trong các diễn dàn kinh tế hay chính trị nhưng giờ sẽ rất đúng để miêu tả những gì đang diễn ra trên "làng bóng của địa cầu". Không còn sự chênh lệch quá lớn giữa những đại diện của Châu Âu hay Nam Mỹ với phần còn lại của thế giới.

Ngày nay có rất nhiều cầu thủ của Châu Á đang chơi ở các giải bóng đá hàng đầu của lục địa già như La Liga hay Ngoại hạng nơi họ hàng ngày luyện tập và thi đấu với những chiến thuật, đấu pháp tiên tiến. Đương nhiên khi những cầu thủ đó về khoác áo đội tuyển quốc gia, ít hay nhiều những "tinh hoa" họ hấp thụ tại "trời Âu" cũng sẽ được truyền lại cho các đồng đội.

Ngoài ra các quốc gia châu Á khu vực vốn được xem là vùng trũng của bóng đá thế giới giờ đây cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào môn thể thao vua. Không chỉ có những điểm sáng như Hàn Quốc hay Nhật Bản mà ta còn thấy nhiều đại diện khác của AFC cũng để lại dấu ấn không nhỏ tại World Cup lần này như Úc hay Saudi Arabia, Iran.... dù sớm bị loại ngay sau khi vòng bảng kết thúc.

Ngay tại lục địa già người ta cũng chứng kiến sự vươn lên không ngừng của những đội bóng ít tên tuổi. Trước giải không có nhiều người nghĩ một đội bóng bé nhỏ như Iceland có thể cầm hòa được một ứng viên vô địch như Argentina, hay một Thụy Sĩ đã làm Brazil khốn khổ đến thế nào ở trận ra quân. Một đội bóng Nga với tư thế chủ nhà chơi vô cùng thăng hoa để có hai trận thắng oanh liệt tại vòng bảng cũng như chiến tích lịch sử khi loại Tây Ban Nha giành vé vào bán kết.

Tất cả những điều đó đến từ một "thế giới phẳng" đã đang hình thành trong làng bóng nơi khoảng cách trình độ của giữa các đội bóng không còn quá lớn như trước đây. Và chính điều đó giúp tạo ra nhiều bất ngờ tại sân chơi World Cup 2018 cũng như hứa hẹn các cuộc tranh tài nảy lửa trong những giải đấu lớn sắp tới như Euro 2020...

Nga đánh bại Tây Ban Nha là một trong những bất ngờ lớn nhất tại World Cup 2018. Ảnh: Reuters.

Niềm tự tôn dân tộc

Tất cả các đội bóng đến với ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh đều mang theo sự kỳ vọng của một đất nước. Từ những ứng viên hàng đầu cho chức vô địch như Brazil, Argentina, Đức, Pháp.... hay những đội bóng vô danh như Iceland, Iran, Saudi Arabia...đều ra sân với sự cổ vũ hết mình của fan trên khán đài hay những đôi mắt cả hàng triệu đồng bào dõi theo tại quê nhà.

Chính vì điều này mà rất nhiều đội bóng dù biết sẽ phải sớm rời khỏi đất Nga nhưng sẵn sàng chơi trên 100% phong độ. Một Iran dù bị đánh giá thấp vẫn giành 3 điểm trước Maroc và khiến Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha phải "toát mồ hôi" để quật ngã mình. Một Panama dù không còn hy vọng đi tiếp nhưng vẫn cố gắng giành cho được 1 bàn thắng trong lần đầu góp mặt sân chơi World Cup.

Một Saudi Arabia dù thua tan nát trong hai trận đấu trước đó và chắc suất "bị loại" vẫn vùng lên giành chiến thắng trước Ai Cập để làm quà cho fan nhà. Và đặc biệt phải nhắc tới Hàn Quốc, họ đa có chiến thắng lịch sử để biến đội tuyển Đức thành nhà cựu vô địch để nuôi hy vọng đi tiếp. Dù bị loại nhưng các chàng trai xứ sở Kim Chi một lần nữa buộc thế giới phải nhắc tới tên mình.

Việc Đức bị loại ngay sau vòng bàng lại càng là một cơn địa chấn. Ảnh: Reuters.

Không còn chỗ cho những đội bóng 1 người

Nước Nga không phải là đất diễn cho những đội bóng một người khi tới hết vòng knock-out thì những đội tuyển lọt vào tứ kết đều tôn vinh giá trị của sự gắn kết tập thể. Pháp, Brazil, Bỉ hay Croatia có nhiều siêu sao, ngôi sao nhưng không dồn gánh nặng tỏa sáng cho một cá nhân nào.

Messi hay Ronaldo không thể có đất diễn ở World Cup khi bóng đá hiện đại ngày càng tôn vinh tinh thần tập thể. Sự đơn độc của Messi trong cả tập thể Argentina khiến người ủng hộ đội bóng này cảm thấy mệt mỏi. Sự thăng hoa của Ronaldo ở vòng bảng trong một tập thể già nua của Bồ Đào Nha cũng không hẳn làm CĐV thấy vui.

Ngược lại, xem Neymar, Coutinho, Willian cùng các thành viên Brazil chơi bóng theo phong cách futsal, mang đến cho khán giả cũng như chính những người làm chuyên môn sự hưng phấn. Bóng đá hiện đại là như vậy, càng đoàn kết, cùng nhau vạch chiến lược chống lại đối thủ, hiệu quả sẽ phát huy. 

Thực tế thì các kỳ World Cup của thế kỷ 21 không chứng kiến sự vinh quang của các đội bóng "1 người", Brazil 2002 của “Ronaldo béo” là tập thể tuyệt vời, có hàng thủ chắc chắn, cặp tiền vệ trụ xuất sắc và bộ ba “ba R” xuất chúng. 

Italia 2006 sở hữu hàng thủ siêu việt, với Fabio Cannavaro là đại diện.  Tây Ban Nha 2010 với tiqui-taca, lối chơi tập thể, mà bàn thắng của Andres Iniesta (hạ Hà Lan) trong trận chung kết, chỉ là một sản phẩm - hoàn toàn tương tự Đức 2014.

Cũng chính điều này khiến 2 ngôi sao hàng đầu của bóng đá hiện đại là Messi và Ronaldo buộc phải rời khỏi Nga sớm. Điều này tạo ra nhiều tiếc nuối cũng như sự bất ngờ tại World Cup năm nay.

Không còn đất diễn cho các “thợ ngã”

Việc Neymar dù cố tỏ ra đau đớn trong trận gặp Mexico nhưng vẫn không thể khiến một cầu thủ El Tri nào phải nhận thẻ đỏ. Hay như trận đấu trước đó tiền đạo PSG cũng không tạo ra một quả phạt đền trong trận đấu với Costa Rica ở vòng bảng đều có dấu ấn của công nghệ VAR.

Dù còn nhận nhiều chỉ trích về các mặt hạn chế nhưng VAR đã khiến các trận đấu công bằng hơn, nhưng pha đánh nguội, hay chơi tiểu xảo (đặc sản của các đội bóng Nam Mỹ) giờ đây không còn đất diễn trong giải đấu lớn nhất hành tinh.

Cũng chính VAR đem lại các quyết định công bằng hơn từ phía trọng tài và những đội bóng nhỏ dường như đang thích ứng với công nghệ mới này nhanh hơn các “ông lớn”, và họ đã tận dụng công nghệ này để khắc chế nhiều đội bóng lớn.

Quả phạt đền giúp Nga vượt qua Tây Ban Nha là một ví dụ tiêu biểu.

Tóm lại những yếu tố kể trên đã tạo ra một kỳ World Cup nhiều bất ngờ cũng như hứa hẹn sự hấp dẫn và tính cạnh tranh quyết liệt hơn tại những giải đấu lớn trong tương lai.

Đ.Dự
.
.
.