Diễn đàn Hương Sơn lại nóng vấn đề Biển Đông

Thứ Hai, 19/10/2015, 08:08
Nhiều chỉ trích nhằm vào Trung Quốc xung quanh vấn đề Biển Đông đã được đưa ra tại Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 6 đang diễn ra ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc.

Và phần đông các ý kiến đều nhấn mạnh việc ASEAN và Trung Quốc cần tiếp tục làm việc với nhau để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam tới tham dự diễn đàn.

Theo tin từ tờ StraitTimes, Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 6 chính thức khai mạc hôm 17/10 với sự tham gia của 16 Bộ trưởng Quốc phòng trong khu vực và đại diện đến từ 39 quốc gia khác và 5 tổ chức quốc tế. 

Bộ trưởng Quốc phòng Singapore, TS Ng Eng Hen (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn (bên trái, hàng trên cùng) tại hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN-Trung Quốc hôm 16/10. Ảnh: MINDEF.

500 quan chức Bộ Quốc phòng Trung Quốc và nhiều học giả quốc tế cũng đã tham dự diễn đàn. Đặc biệt, tại diễn đàn lần này, Mỹ và Nhật Bản đã lần đầu tiên cử đại diện chính phủ đến thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là vấn đề Biển Đông. 

Trước đó, vào ngày 15/10, 10 Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN cũng có cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thượng Vạn Toàn. 

Phát biểu tại phiên họp toàn thể đầu tiên của Diễn đàn Hương Sơn, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein đã kêu gọi ASEAN và Trung Quốc tăng cường tham vấn để đảm bảo việc nhanh chóng xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). 

Theo ông Hishammuddin Hussein, đây là cách tốt nhất để giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ ở Biển Đông và rằng COC sẽ là công cụ quan trọng trong việc đảm bảo sự quản lý hợp lý các tuyến đường biển quan trọng và bầu trời mở trong khu vực. 

Còn Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Malaysia Zulkefli Mohd Zin thì lên án "hành động khiêu khích" của Trung Quốc trên các bãi cạn, rặng san hô mà họ xây dựng, bồi lấp thành đảo nhân tạo ở Biển Đông là "không có cơ sở". 

Ông Zulkefli Mohd Zin nói: “Tôi muốn đề cập đến vấn đề khiêu khích không chính đáng của người Trung Quốc trong việc xây dựng, bồi lấp các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Thời gian sẽ có câu trả lời cho những gì Trung Quốc định làm. Trong lúc chờ đợi, chúng tôi đã phải chấp nhận những lý do được đưa ra bởi chính phủ Trung Quốc về mục đích của những đảo nhân tạo này. Tôi hy vọng rằng nó được sử dụng cho những mục đích tốt của tất cả nhân loại”. 

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore, TS Ng Eng Hen cho biết, Singapore sẵn sàng thực hiện vai trò điều phối viên trong quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc nhằm tăng cường sự tin cậy giữa hai bên để tiếp tục cùng nhau làm việc, duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. 

Cựu Tham mưu trưởng hải quân Mỹ, Đô đốc Gary Roughead thì cho rằng, tình trạng Bắc Kinh mở rộng nhanh chóng các bãi đá ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành đảo nhân tạo và không có lời giải thích rõ ràng cho hành động đó “làm gia tăng sự nghi ngờ và nguy cơ tính toán sai lầm”. 

Theo Đô đốc Gary Roughead, Trung Quốc cần có những biện pháp tạo niềm tin và tăng cường sự minh bạch để các nước láng giềng yên tâm về ý định của mình…

Được thành lập từ năm 2006, Diễn đàn Hương Sơn được tổ chức 2 năm một lần và là nơi để các Bộ trưởng Quốc phòng, Tư lệnh lực lượng quốc phòng, các học giả, các nhà nghiên cứu… đến từ nhiều quốc gia trao đổi, thảo luận về những vấn đề an ninh đang nổi cộm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Trong diễn đàn lần này, ngoài bài phát biểu trung tâm của Thượng tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc còn có 4 phiên toàn thể về các chủ đề: Xu thế an ninh châu Á - Thái Bình Dương: Cơ hội và thách thức; Khái niệm an ninh châu Á - Thái Bình Dương: Tiến triển và thực tiễn; An ninh biển châu Á - Thái Bình Dương: Nguy cơ và sự quản lý; Khủng bố khu vực: Nguyên nhân và giải pháp”. 

Trong 2 ngày 17 và 18, các Bộ trưởng Quốc phòng cũng đã thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực như chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia đồng thời thừa nhận sự cần thiết phải mở rộng hợp tác cũng như các kênh thông tin liên lạc để giải quyết những thách thức này. 

Tuy nhiên, theo nhận định của giới quan sát và nhiều học giả, Trung Quốc đang vấp phải sự chỉ trích nặng nề khi sử dụng diễn đàn này để làm nơi bao biện cho các hoạt động phi pháp ở Biển Đông. 

Cụ thể, tuyên bố của Thượng tướng Phạm Trường Long về việc xây đảo nhân tạo đã bị nhiều nước phản đối. Một số quốc gia khác thì bày tỏ sự nghi ngờ về cam kết mà Thượng tướng Phạm Trường Long đưa ra rằng, quân đội Trung Quốc không tùy tiện dùng vũ lực trong vấn đề chủ quyền và rằng Trung Quốc “thực hiện chính sách ngoại giao hòa bình và chính sách quốc phòng mang tính phòng ngự, mãi mãi không xưng bá, mãi mãi không bành trướng”. 

Hãng Kyodo News còn dẫn lời của Thượng tướng Phạm Trường Long khẳng định Trung Quốc luôn giải quyết bất đồng và các tranh chấp thông qua đàm phàn thân thiện với các bên liên quan và “sẽ cố không để xảy ra các cuộc xung đột ngoài ý muốn” rồi bình luận rằng, những ngụy biện của Trung Quốc không thể “che mắt được cộng đồng quốc tế”. 

Tờ The Diplomat thì viết: “Trung Quốc muốn ra vẻ là quốc gia có trách nhiệm với ý đồ muốn dẹp bỏ những quan ngại của ASEAN về những bất ổn, trong bối cảnh Bắc Kinh ráo riết bồi đắp các đảo nhân tạo. Nhìn chung, đây là một biểu hiện khác của chiến lược “không ngừng đòi hỏi” phi lý trên Biển Đông của Trung Quốc, nơi mà Bắc Kinh thường đưa ra “các cử chỉ hòa giải nho nhỏ” một cách định kỳ nhằm mục đích phân tán sự chú ý của cộng đồng khu vực và quốc tế, để họ phân nhánh xa hơn các hành vi gây bất ổn của mình”.

Huyền Chi
.
.
.